U22 Việt Nam: Tiền đạo phải 'thở' bằng bàn thắng

Thứ Ba, 18/07/2017 12:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Võ sư Pierre Francois Flores chỉ cần tung 3 đòn kiểu “liên hoàn” đã đủ để hạ knock-out võ sĩ Bảo Châu, trong một cuộc tỷ thí tốn nhiều giấy mực của báo chí. Trong bóng đá cũng vậy, khả năng “tung đòn triệt hạ” chính là việc dứt điểm thành bàn. So sánh một cách hình ảnh như thế, để dễ thấy “đòn thế sát thủ” của hàng tiền đạo U22 Việt Nam hiện không mấy khả quan.

Thuộc tính chung của các tiền đạo Việt Nam là rất lười dứt điểm, hoặc nếu có lại thiếu nắn nót – tính toán điểm đến của bóng. Lúc này, Công Phượng là một trong số đó, khi có nhiều tình huống, Phượng dí bóng xuống gần đáy biên, đối diện với thủ môn nhưng không thể ra chân, khi góc sút còn quá hẹp. Văn Toàn dù đã cải thiện đáng kể khâu dứt điểm, khi chơi lệch cánh phải và có xu hướng xộc thẳng vào khu vực cấm địa, nhưng kỹ thuật ra chân của Toàn chưa toàn diện.

Thanh Bình và Tuấn Tài tích cực hơn trong việc thực hiện các cú sút, tuy nhiên, cũng như đại đa số các tiền đạo Việt Nam, họ thường đưa bóng không trúng mục tiêu. Không thể nói là vô duyên hay vấn đề may rủi được, bởi kỹ năng săn bàn ngoài một phần là thiên phú, còn cần phải tập luyện rất nhiều. Về độ khổ luyện, không một ai qua mặt Công Vinh, nhưng Vinh dù đang nắm giữ kỷ lục bàn thắng cho các ĐTQG Việt Nam, thì vẫn chưa từng được nhắc đến như một “sát thủ” thực sự.

Các thế hệ cầu thủ đi trước đều nhất trí rằng, cầu thủ trẻ bây giờ rất lười tập thêm các kỹ năng riêng cần thiết, để tôi luyện thành đòn ngón sở trường của mình. Ví như tiền đạo phải tập ra chân, đánh đầu từ mọi hướng bóng, mọi tư thế, tạo thành một phản xạ vô điều kiện. Tiền vệ phải đọc và phân tích đủ ít nhất 2-3 khả năng tổ chức hướng phát triển để chọn giải pháp tối ưu, trước khi nhận bóng, chứ không phải tiếp bóng rồi mới… nghĩ và tìm vệ tinh.

Bao năm qua, kể từ triều đại Henrique Calisto, các ĐTQG Việt Nam “sống” trên mũi giầy các tiền vệ công. Các tiền đạo phục vụ chiến thuật, với vai trò như các chim mồi, di chuyển liên tục, còn công việc ghi bàn thuộc về các tiền vệ. Bản thân Công Vinh cũng chỉ thực sự hiệu quả khi đá lệch biên, hoặc tiền đạo lùi. Mãi đến chương cuối sự nghiệp, với rất nhiều đặc cách của HLV Nguyễn Hữu Thắng và sự phục vụ của các vệ tinh xung quanh, Vinh mới nổi bật khi chơi gần cầu môn.

HLV Hữu Thắng nở nụ cười

HLV Hữu Thắng nở nụ cười

U22 Hàn Quốc không có đội hình mạnh nhất, lại phải thay “tướng” giữa dòng. U22 Macau (Trung Quốc) hay Timor Leste chưa được xếp “chung mâm”. Cánh cửa lọt vào vòng chung kết U23 châu Á khá sáng cho thầy trò HLV Hữu Thắng.

Trở lại với vấn đề của U22 Việt Nam. Các tiền đạo như Công Phượng, Văn Toàn…, đáng ra phải “thở” bằng bàn thắng, thì như thường lệ, HLV Nguyễn Hữu Thắng kỳ vọng nhiều hơn ở các vệ tinh xung quanh. Quang Hải, Xuân Trường hay thậm chí cả Duy Mạnh thuộc số này, trong khi, Tuấn Anh chỉ mạnh khâu kiến thiết - tổ chức bóng. Trong bóng đá, phải có các bàn thắng mới mong chiến thắng, hoặc chấp nhận cầu hòa và bại. Khâu giải quyết bàn thắng của U22 Việt Nam đáng báo động.

U22 Timor Leste và Macau (Trung Quốc) - những đối thủ đầu tiên của U22 Việt Nam tại chiến dịch Vòng loại U23 châu Á 2018, có thể là những cơ hội tuyệt vời để các tiền đạo Việt Nam tập “bắn”. Nhưng nếu đội bóng không thể ghi được dù chỉ 1 bàn thắng vào lưới U23 Hàn Quốc ở trận đấu cuối, chúng ta sẽ thiệt thòi về chỉ số phụ, trong cuộc đua tìm 1 trong 5 đội xếp nhì bảng có thành tích tốt nhất, đến VCK năm sau.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›