(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thám hiểm người Anh Alexandra David Neel đã chứng kiến thầy tu Cnang Tang bay lên khỏi mặt đất trên cao nguyên đầy thông ở Tây Tạng. Còn với nhiều cầu thủ U23 Việt Nam, người khổ sở vì chưa về được nhà, người thì mãi lâng lâng men say Thường Châu.
- CẬP NHẬT sáng 2/2: Rộ đề thi Văn, Toán ăn theo U23 Việt Nam. Pogba cãi tay đôi với Mourinho
- U23 Việt Nam, trưởng thành hơn để chinh phục
- U23 Việt Nam và giấc mơ Olympic 2020, tại sao không?
Khi bài báo này lên khuôn thì mẹ Công Phượng mếu máo: “Nhà báo ơi, làm sao để cháu sớm về nhà ăn bữa cơm với mẹ”. Công Phượng và nhiều đồng đội đang triền miên chìm vào các cuộc giao lưu gặp mặt cả offline lẫn online với cộng đồng, giới truyền thông.
Hiệu ứng “tuyên dương”
Hiệu ứng hâm mộ dành cho các cầu thủ U23 lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước. Tỉnh khen, huyện khen, xã khen, cá nhân khen, doanh nghiệp khen và nghe đâu sắp tới có thể dòng họ cũng khen. Rồi sau lễ báo công và gala tại sân vận động Mỹ Đình thì toàn thể đội U23 Việt Nam sẽ tập trung tại một lễ vinh danh nữa được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Thực ra, sau thắng lợi có tính lịch sử của U23 thì việc các tổ chức và cá nhân tổ chức các hoạt động khen thưởng, biểu dương thực sự là cú hích tốt cho bóng đá nước nhà. Nhưng làm sao để đảm bảo sức khỏe cho các cầu thủ và không để lại những phản ứng ngược là điều cần cân nhắc.
Nhớ mãi đêm 30/1 tại sân bay Vinh, BTC đã khéo léo đưa Công Phượng, Xuân Mạnh và Văn Đức ra cổng phụ, giải thoát khỏi đám đông vài ngàn người tập trung tại cổng chính. Tiến Dũng, không tham dự gala tại Vinh vì được địa phương đón rước về Hà Tĩnh sau khi đã có nhiều giờ đồng hồ cực kỳ vất vả sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài.
Ngày 30/1 các cầu thủ được tự do rời khỏi đội bóng. Lập tức nhiều báo chí quây phỏng vấn, đủ mọi góc cạnh những ngày ở đất Giang Tô (Trung Quốc). Việc cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về chuyện “bếp núc” đội tuyển là việc cần thiết, nhưng có quá nhiều báo khai thác cùng đề tài khiến cho độc giả như quay cuồng từ khóa “U23 Việt Nam”. Hình ảnh đẹp nhất trong lòng người đọc có lẽ lại là ông thầy Park Hang Seo bay đi Cao Nguyên cám ơn bầu Đức, người lặng lẽ ủng hộ ông và đội tuyển. Cảm xúc lớn nhất của bạn đọc gửi về tòa soạn không phải là những màn nhốn nháo trên xe bus 2 tầng hay trên chuyên cơ mà chính là sự lặng lẽ của những ông bầu làm bóng đá. Không thấy bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thắng xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng người hâm mộ đều cho rằng, chính họ mới là người xây móng cho thắng lợi hôm nay.
Giữ chân dính chặt đất
Mới đây, có người nói: “Muốn bắt được những quả bóng bổng thì Tiến Dũng phải giữ được đội chân dính trên mặt đất”. Quả nhiên, trong khi trở về FLC Thanh Hóa, Bùi Tiến Dũng vẫn đang là thủ môn số 3 thì điểm nóng ngoài khung gỗ đã nổ ra. Trên mạng xã hội bỗng xuất hiện một bản in “báo giá” quảng cáo của thủ môn Bùi Tiến Dũng được cho là từ công ty đang quản lí anh, với mức chi phí quảng cáo cực lớn. Sau vòng chung kết châu lục, hình ảnh và đặc biệt là quảng cáo của Tiến Dũng đều đã được công ty này “thổi” với mức hàng nghìn USD. Theo đó, các doanh nghiệp phải bỏ ra 10 nghìn USD nếu muốn mời cầu thủ này chụp ảnh hay tham gia sự kiện. Nếu quay quảng cáo, số tiền đó sẽ là 50 nghìn USD và nếu muốn cầu thủ Thanh Hóa này trở thành gương mặt đại diện độc quyền cho một ngành hàng thì mức thù lao sẽ lên tới hơn 123 nghìn USD. Tất nhiên, không đời nào FLC Thanh Hóa chịu!
Người ta cho rằng, nếu không sớm trở lại mặt đất, phong độ của các cẩu thủ U23 Việt Nam sẽ khó lòng giữ được. Đã đến lúc chúng ta cần nâng niu, gìn giữ hình ảnh và giá trị của các đôi chân vừa làm nên chiến tích. Đừng bay như thầy tu Cnang Tang!
Đông Hùng
Tags