(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội T&T (tên gọi tiền thân của Hà Nội FC) đã giành 3 chức vô địch trong 7 mùa giải gần nhất - một kỷ lục, bằng lối-chơi-kiểm-soát (kiểm soát bóng và kiểm soát trận đấu). V-League 2017, Quảng Nam ở nhiều thời điểm và từng đối thủ cụ thể, cũng thăng hoa với hệ thống này dưới triều đại Hoàng Văn Phúc.
- V-League 2018 và những thay đổi
- V-League 2018: Điểm danh các nhà cầm quân
- V-League 2018: Phát huy hào khí xứ Quảng
Bóng đá hiện đại đã có nhiều chuyển biến về chiến thuật, trong đó việc kiểm soát bóng đang chiếm ưu thế.
Từ Hà Nội FC và HAGL...
Nói về kiểm soát bóng, không một đội bóng nào làm tốt hơn HAGL và Hà Nội FC ở V-League. Khác biệt được tạo ra giữa 2 đội bóng này là: Trong khi Hà Nội FC giải quyết được tình huống (dứt điểm cầu môn và thành công với tỷ lệ % khá cao) thì "những đứa trẻ nhà bầu Đức" khá kém ở khoản này. Đó là lý do đại diện Thủ đô bay cao trên bảng xếp hạng, từ thời HLV Phan Thanh Hùng đến người kế thừa Chu Đình Nghiêm, còn HAGL thì không.
Cũng kiểm soát bóng, nhưng thấp hơn một bậc - phần do yếu tố con người, tức cầu thủ và HLV, là Than Quảng Ninh và Quảng Nam. Triết lý lối chơi của đội bóng vùng Mỏ là rất rõ ràng, khi HLV Phan Thanh Hùng gần như không thay đổi hệ thống, kể từ thời còn làm Hà Nội T&T. Vấn đề là Than Quảng Ninh không có một lực lượng đủ dầy và ngoài ra, ngoại binh cũng như cầu thủ ngoại nhập tịch không cùng đẳng cấp với đồng nghiệp chơi trong màu áo Hà Nội T&T. Còn Quảng Nam, họ chơi chuyển đổi từ phòng ngự qua tấn công hay nhất nhì V-League.
Trường phái lối chơi như của Hà Nội FC, HAGL và Than Quảng Ninh được cho là thích hợp nhất với tố chất cầu thủ Việt Nam. Dựa trên nền tảng kỹ thuật, khả năng xoay trở trong không gian hẹp, các đường phối bóng ở cự ly ngắn và trung bình, bóng đá Việt Nam có thể tạo sức ép đáng kể lên phần sân đối phương khi có bóng. Với lối chơi này, các đội bóng cũng dễ dàng thoát pressing. Lúc này, khác biệt được tạo ra bởi sự chính xác trong dứt điểm cầu môn sau khi chuyển đổi. Hà Nội FC, Quảng Nam và FLC Thanh Hoá là những đại biểu ưu tú.
Đến thuộc tính lối chơi V-League
14 CLB ở V-League là 14 phong cách chơi khác nhau, tuỳ thuộc vào triết lý huấn luyện của các HLV và quan trọng hơn, tuỳ thuộc vào tiềm lực của từng đội bóng. Với các CLB có nguồn tài chính dồi dào, nhiều ngôi sao và tạo được chân đế đào tạo tốt, họ có nhiều lựa chọn (và giải pháp) trong việc xây dựng lối chơi. Thậm chí, triết lý về lối chơi còn được xây dựng từ các tuyến trẻ được kiện toàn, và khi lên V-League, cứ thế mà vận hành. Vẫn với dữ liệu này, HAGL và Hà Nội FC đang là những đội bóng nắm lợi thế rõ nhất. Quảng Nam, Than Quảng Ninh và FLC Thanh Hoá còn lâu mới theo kịp.
Tất nhiên, không phải đội bóng nào cũng thành công với triết lý kiểm soát. Rõ nhất là U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018. Đội bóng của HLV Park Hang Seo chỉ sở hữu nhiều nhất 30% thời lượng kiểm soát bóng trước các đối thủ, nhưng vẫn đi đến trận chung kết. Việc đá Cup và League có đôi chút khác biệt, và các HLV phải đưa ra những tính toán: Giải đấu ngắn ngày với các đối thủ cụ thể, hoàn toàn khác với giải đấu kéo dài gần 1 năm, với 14 đội bóng tham dự và trải qua 26 lượt trận đi và về. Việc tính toán điểm rơi hay việc chọn đối thủ là rất quan trọng.
Nếu như các ĐTQG Việt Nam không có sự phục vụ của cầu thủ người nước ngoài hay Tây nhập tịch, thì các CLB V-League lại sở hữu điều kiện này. Đây là chi tiết quan trọng để xây dựng lối chơi, bởi cầu thủ ngoại (ngay cả khi chỉ còn đăng ký 2 dùng 2, cùng một Tây nhập tịch/CLB/trận đấu) vẫn giữ vai trò rất lớn, thậm chí là quyết định thành bại cũng như tham vọng của một đội bóng. Ngay cả B.Bình Dương 4 lần vô địch V-League, thì vai trò của ngoại binh là không bàn cãi. Rất nhiều CLB Việt Nam đá theo ngoại binh, với các đường bóng dài hoặc lật cánh.
Sự da dạng về lối chơi của các CLB, tạo nên sự đa dạng cho V-League. Nhưng ở tầm các ĐTQG và hệ thống các giải đấu cụ thể, trước các đối thủ cụ thể, HLV sẽ phải đưa ra được hệ thống lối chơi phù hợp nhất.
Tùy Phong
Tags