(Thethaovanhoa.vn) - Nuti Café V-League 2018 mới chỉ qua 4 lượt trận, nhưng người trong cuộc đã bắt đầu cảm nhận được hơi nóng của cuộc đua tránh 1,5 suất xuống chơi giải hạng Nhất 2019. Sau những tranh cãi và chỉ đạo, việc tăng lên nửa suất xuống hạng có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược và cả các chiến dịch của các CLB ở mùa giải năm nay.
- Vòng 4 V-League 2018: Lần đầu cho HAGL
- Xuân Trường không lo khi HAGL thiếu Tuấn Anh, Văn Lâm nghỉ 1 trận V-League
- Dự đoán có thưởng vòng 4 V-League 2018: Trận FLC Thanh Hóa - SLNA
Nam Định, Sài Gòn FC, S.Khánh Hòa BVN, SLNA và cả XSKT Cần Thơ được cho là thuộc diện “quy hoạch” trong nhóm “cầm đèn đỏ” V-League 2018.
Trâu chậm…
Than Quảng Ninh, Hà Nội FC, SHB Đà Nẵng, TP.HCM cũng như FLC Thanh Hóa…, được cho là rất biết tranh thủ tích lũy điểm số, để bứt đi ngay ở vạch xuất phát. Về lực, CLB TP.HCM và đội bóng bên bờ sông Hàn SHB Đà Nẵng khó thể so bì với những cái tên như Hà Nội hay FLC Thanh Hóa, nên tham vọng cũng vừa phải. HLV Toshiya Miura chia sẻ với Thể thao & Văn hóa rằng, không có bất cứ điều khoản ràng buộc nào trong hợp đồng của ông với đội bóng, đòi hỏi phải có thành tích trong tốp 3 đội dẫn đầu, như lời hứa của quyền Chủ tịch Lê Công Vinh với lãnh đạo thành phố và nhà tài trợ, hôm xuất quân.
Sau 3 trận đã đấu, TP.HCM thắng 2 và thua 1, trong đó cả 2 chiến thắng khá may mắn đều diễn ra trên sân Thống Nhất trước Sài Gòn FC và S.Khánh Hòa BVN. Xem cách chơi của TP.HCM, quả không có nhiều điểm nhấn và bản thân HLV Miura cũng nhiều lần không hài lòng với màn thể hiện của các học trò. Tham vọng lọt vào tốp 3 đội dẫn đầu của TP.HCM là cực khó, nếu không có những tăng cường ở giai đoạn lượt về mùa giải.
Nhóm đầu chưa tách tốp, trong khi đó, chúng ta có thể “ngửi” thấy mùi của các ứng viên cho 1,5 suất xuống hạng. Nam Định cả Tây lẫn ta đều yếu. Đội bóng tân binh này thiếu tứ tung và lủng lỗ chỗ ở các vị trí quan trọng, do quân phần lớn chơi giải hạng Nhất, kiểu cây nhà lá vườn và còn rất trẻ (tuổi trung bình 25,6 – tức chỉ nhỉnh hơn HAGL một chút). Cùng chung cảnh ngộ với đội bóng thành Nam là S.Khánh Hòa BVN, dù quân ông Võ Đình Tân từng có thành tích khá tốt ở 2 mùa V-League gần nhất. Với lực lượng thuần bản địa, cùng quỹ lương và chuyển nhượng thấp, S.Khánh Hòa BVN khó đua đường trường.
Vẫn có câu vui rằng, cao thủ không bằng tranh thủ. Những đội bóng yếu biết tiết kiệm điểm số ngay trong giai đoạn đầu, khi phần lớn các đối thủ đều chưa vào phom và ổn định, sẽ có cơ hội sống sót cao hơn những kẻ tay mơ khác. Nên trong số nhóm bị quy hoạch sẽ phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để trụ hạng, XSKT Cần Thơ đang nắm lợi thế.
Chọn đối thủ mà chơi
Việc chọn đối thủ để đá, để giành giật điểm số là công việc cần phải được tính toán tỉ mỉ. Chúng ta chưa bàn tới các đội bóng nhà giàu và giàu cả tham vọng, mà ở đây chỉ là nhóm những CLB sẽ phải đua nhau để trụ lại V-League 2019. Trong số này, Nam Định, XSKT Cần Thơ, Sài Gòn FC, S.Khánh Hòa BVN và SLNA, sẽ phải “tìm” nhau để đá. Theo kiểu cũ, “3 đi 3 về”, họ sẽ tiết kiệm được 2 điểm tối đa, còn trong trường hợp phải chia điểm trên cả sân nhà và sân đối phương với nhau, 4 điểm thất thoát coi như đổ sông, đổ bể. Nói tóm lại, kết quả các cặp đấu này sẽ quyết định xem ai ở, ai đi ở V-League 2019.
Trở lại với vấn đề đã đặt ra ở đầu bài viết, đấy là tại sao và như thế nào, V-League 2018 được nâng lên đến 1,5 suất xuống hạng, thay vì chỉ có 1 suất như mùa giải trước. Các CLB được nhiên phản ứng, bởi thêm 0,5 suất xuôi hạng Nhất, có nghĩa là cơ hội trụ lại giải đấu cao nhất của họ bị đe dọa ít nhiều, tùy vào tiềm lực của đội bóng. Nếu V-League là sân khấu lớn nhất trong hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, thì giải hạng Nhất không khác, thậm chí là thua cả sân chơi phong trào, khi BTC quy định sẽ không có cầu thủ người nước ngoài đăng ký, và mỗi CLB chỉ có nhiều nhất một Tây nhập tịch.
Bất luận thế nào, tính cạnh tranh là yếu tố cốt lõi, duy trì sức sống cho các giải đấu. Không như bao mùa giải đã qua, các đội bóng hạng Nhì dứt khoát không chịu lên hạng Nhất, dù có đến 3-4 suất, trong tổng cộng 8-10 đội chơi (tỷ lệ chọi là 1 đấu 1). Hệ thống các giải bóng đá chân đế của Việt Nam bị hổng cũng vì lý do này, vừa yếu lại vùa thiếu.
3. Nam Định đã ghi được 3 bàn thắng, sau 4 trận đã đấu, nhưng cả 3 bàn (gỡ) đều được thực hiện ở các trận mà họ trắng tay, bị dẫn sâu như cuộc đối đầu với B.Bình Dương hay HAGL. 1. Có 3 đội bóng hiện có cùng 1 điểm sau 4 vòng và xếp chót bảng là SLNA, Sài Gòn và Nam Định. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, với thực lực và truyền thống của mình, đội bóng xứ Nghệ sẽ sớm thoát khỏi vùng nguy hiểm. 2. FLC Thanh Hóa được xem là có thể tung ra cùng một lúc 2 đội hình mạnh ngang nhau, đủ sức cạnh tranh chức vô địch V-League, nhưng cú sẩy chân trước Quảng Nam ở lượt trận thứ 3, thực sự là một đòn cảnh tỉnh với xứ Thanh. |
Tùy Phong
Tags