(Thethaovanhoa.vn) - "Thay đổi lịch sử", "Lần đầu trong lịch sử"... đó là những cụm từ được không ít tờ báo dùng khi nhắc tới thể thức thi đấu V-League năm 2020 vừa được Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua. Quả thật là lịch sử nếu nhìn vào thời điểm, nhưng nếu lật lại... những trang lịch sử của làng cầu nội, thì đó là thay đổi về cơ bản cũng chẳng có gì mới, nếu...
1. Nói là lịch sử không phải là không có lý! Ra đời từ năm 1980 với cái tên A1 toàn quốc, giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam thay đổi thể thức theo từng mùa. Thậm chí, thời bao cấp, gần như chẳng có thể thức thi đấu nào giữ được 2 mùa liên tục. Lý do thì có đủ, từ khách quan của thời kỳ đầu khi di chuyển giữa các vùng, miền trong nước còn khó khăn đến cả lý do chủ quan, với những cái "đuôi thừa" của giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia mà chẳng ai lý giải nổi.
Phải đến năm 1995, ở lần thứ 13 tổ chức với cái tên - Giải các đội mạnh toàn quốc, thể thức đá vòng tròn 2 lượt sân nhà - sân khách (đúng theo nghĩa của từ League) mới được áp dụng chuẩn lần đầu. Tuy nhiên, ngay cả ở lần đầu tiên đá kiểu League này, chẳng hiểu sao những nhà tổ chức bóng đá nước nhà còn "đẻ" ra cái cái đuôi - 6 đội dẫn đầu sau khi đá vòng tròn lượt đi - về vào giai đoạn 2 tranh chung kết. Chưa kể, từ hạng 1 đến 8 (sau khi đá vòng tròn 2 lượt) được dự Cúp Dunhill - Một giải đấu "khác" thực chất chỉ được tổ chức để phục vụ nhà tài trợ đầu tiên của bóng đá Việt Nam.
Và "cái đuôi" lần đầu tiên tổ chức cũng chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho làng cầu nội. Ngày 6/10/1996 giữa cơn mưa lớn trên sân Cao Lãnh, đội chủ nhà Đồng Tháp đã làm nên cuộc lội ngược dòng lịch sử khi đánh bại Công an TP.HCM với tỷ số 3-1 để lần thứ hai giành chức vô địch quốc gia. Lê Huỳnh Đức ghi bàn từ phút thứ 5, nhưng Đồng Tháp có một hiệp 2 "lên đồng" với 3 bàn thắng của Công Nhậm (56'); Văn Hùng (68') và Anh Tuấn (90').
Trận chung kết cũng phủ bóng đen lên lịch sử bóng đá nước nhà khi ngay sau tiếng còi chung cuộc, hậu vệ Chu Văn Mùi đấm vào mặt trọng tài chính Nguyễn Tuấn Hùng để mở ra cuộc ẩu đả giữa cầu thủ TP.HCM và trọng tài, lực lượng bảo vệ. Sau đó, Chu Văn Mùi bị treo giò suốt đời, còn trung phong số 1 khi đó Lê Huỳnh Đức bị cấm thi đấu 6 tháng, nhưng "lách luật" trở lại dự Tiger Cup 1996 (Thể thao & Văn hóa sẽ đề cập trong bài viết riêng).
2. Thời đó, theo lý giải của các nhà chuyên môn thì chính những cái "đuôi thừa" của giải vô địch quốc gia đã khiến tiêu cực - lúc ấy thường được gọi dưới cái tên "móc ngoặc, com -bin" bùng phát, thậm chí là bùng phát tới mức dữ dội khiến có mùa giải thậm chí phải tổ chức thi đấu không có xuống hạng để... động viên các đội bóng thi đấu cống hiến, nhưng bất thành.
Chính xác là năm 1995, dù vẫn đá vòng bảng, rồi vòng chung kết "xuôi" (tranh chức vô địch) và vòng chung kết "ngược" (xác định đội xuống hạng), nhưng thể thức sân nhà - sân khách đã được áp dụng ở vòng bảng, thì đã xảy ra vụ phản kèo lịch sử trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng). 5/6 đội dự vòng chung kết "ngược" tuyên bố không ra sân nếu BTC giải không sử lý hết tiêu cực, nhưng vào giờ chót Thể Công và Hải Quan (2 trong số 6 đội phải dự vòng đấu xác định suất xuống hạng) vẫn... ra sân. Kết quả, 4 đội còn lại không ra sân là: Quảng Nam - Đà Nẵng; Sông Bé, Bình Định, Long An bị xử xuống hạng!
Tiếp đó là mùa giải 1996 như đã đề cập mà lý do thì đơn giản - Lẽ ra đã đá 2 vòng với lượt đi và về, giải VĐQG lại tổ chức thêm những vòng đầu "thừa", trong khi nhiều đội bóng đã đạt được mục tiêu trụ hạng, hoặc không muốn tranh chấp vị trí đã không quan tâm đến kết quả thi đấu tiếp theo và tiêu cực cũng nảy sinh từ đó.
Chuyện các đội bóng sớm hết mục tiêu trong mùa giải cụ thể, kể cả với thể thức thi đấu nào đi nữa không phải điều gì mới mẻ. Ngay đến giải Ngoại hạng Anh - giải VĐQG hàng đầu thế giới cũng từ chứng kiến những trận thua kiểu "lãng xẹt" của những đội bóng lớn trước những ứng viên xuống hạng vào cuối mùa, hay kiểu trận đấu "vô bổ, đá cho xong", V-League cũng đâu có hiếm. Chỉ có điều, chính thể thức thi đấu cũng là kẽ hở để các đội bóng tận dụng phục vụ cho mục tiêu riêng của mình.
3. Trở lại với mùa giải 2020. Mới đây, VFF đã quyết định thay đổi thể thức thi đấu V-League, theo đó, 14 đội sẽ thi đấu 13 vòng (tính cả 2 vòng đã đấu) để xác định thứ hạng. 8 đội dẫn đầu giai đoạn 1 này sẽ vào thi đấu vòng tròn 1 lượt để xác định ngôi vô địch và các thứ hạng tiếp theo. Nhóm 6 đội xếp cuối giai đoạn 1 thi đấu 5 vòng, tranh suất trụ hạng.
Phải đình hoãn và thay đổi do dịch bệnh Covid-19, theo lý giải của VFF: " “Mật độ thi đấu được phân bố khoa học, đảm bảo thời gian hồi phục, giúp cho cầu thủ hạn chế chấn thương. Có thời gian nghỉ giữa giai đoạn. Đảm bảo thời gian chuyển nhượng, giúp cho các CLB chủ động trong việc bổ sung lực lượng chuẩn bị tốt cho các giai đoạn tiếp theo. Đảm bảo thời gian kết thúc các giải đấu theo kế hoạch là vào ngày 31/10.
Đội tuyển Việt Nam có quỹ thời gian phù hợp để chuẩn bị các trận đấu vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup. Các CLB TP.HCM và Than Quảng Ninh sẽ không gặp nhiều khó khăn khi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công bố lịch điều chỉnh AFC Cup từ tháng 7.2020. Có quỹ thời gian dự trữ cho kế hoạch, thuận lợi cho việc điều chỉnh lịch thi đấu V-League, hạng Nhất, Cúp quốc gia nếu xảy ra sự cố bất thường như thiên tai, thời tiết mưa bão…”.
Theo đánh giá chung từ chính các đội bóng tham dự, sự thay đổi về thể thức thi đấu này là cần thiết, đáp ứng được tình hình chuyên môn và quỹ thời gian khá eo hẹp sau dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử của thể thức tổ chức thi đấu tương đồng từng được áp dụng cách đây hơn 2 thập kỷ, thì mối lo không phải là không còn.
Thực tế trong số 14 đội bóng tham dự V-League lúc này, không phải ai cũng "máu" chức vô địch ngoại trừ một số cái tên. Điều gì sẽ xảy ra, nếu trong tốp 8 đội dự chung kết "xuôi" mùa này không có đông lực để tranh ngôi đầu và tương tự, ở nhóm 6 đội xếp cuối, nếu đã đủ điểm trụ hạng, các đội bóng sẽ thi đấu hết mình? Chưa kể, bên cạnh thể thức mới còn là những câu hỏi về chuyện bố trí sân thi đấu làm sao đảm bảo sự công bằng, không thiên lệch khi không còn thể thức sân nhà - sân khác...
Tóm lại sự thay đổi là cần thiết, phù hợp với tình hình mới, nhưng sự thay đổi chỉ thực sự thành công nếu chính các đội bóng cùng chung tay ủng hộ, bằng không... sẽ chẳng có gì mới cả!
V-League 2020 sẽ chỉ có 1 đội xuống hạng thay vì 1,5 đội như điều lệ cũ. Kết quả của 13 vòng đấu đầu tiên chỉ có giá trị để chia nhóm đội thi đấu vòng 2, điểm số đó không được cộng dồn cho giai đoạn đá phân hạng. Tương tự như V-League, hạng Nhất 2020 cũng sẽ thi đấu xong lượt đi rồi chia nhóm 6 đội dẫn đầu đá để tranh suất thăng hạng, 6 đội đứng cuối bảng xếp hạng tranh vị trí trụ hạng. Giải hạng Nhất 2020 sẽ chỉ có 1 đội được thăng hạng lên V-League 2021 |
Vũ Minh
Tags