Những hồi trống liên thanh giục giã đã làm dậy sóng sân Thiên Trường trong ngày V-League trở lại.
Không phải Lạch Tray ngột ngạt khói pháo sáng, sắc vàng nhuộm ở “Phủ” Thiên Trường mới được xem như “sân khấu” lộng lẫy nhất của V-League. “Tùng, tùng, tùng, tùng…”, những hồi trống vang lên bừng khởi từ tay trống Nguyễn Văn Thuyết - cựu VĐV việt dã Việt Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống bóng đá Nam Định nhiều năm qua.
“Theo thống kê, đã có có khoảng 19.000 khán giả đến sân Thiên Trường tạo nên bầu không khí lễ hội này trong ngày Night Wolf V-League 1 - 2022 được trở lại!”, thông báo được đưa ra trên trang Facebook của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF.
Rõ ràng, con số đó rất đáng khích lệ khi giải đấu cao nhất của bóng đá nước nhà trở lại guồng quay. Nếu sân cỏ giải chuyên nghiệp nước nhà vẫn tiếp tục chứng kiến những điều tuyệt vời như thế này thì sẽ không mất nhiều thời gian nữa để V-League vươn lên trở thành một trong những giải đấu quốc nội chất lượng hàng đầu châu lục.
Nhớ lại mùa giải 2020, sân Thiên Trường từng được VPF chọn để “mở hàng” cho Cúp Quốc gia. Việc mở cửa cho 10.000 khán giả vào sân theo dõi trận Nam Định - HAGL hồi tháng 5/2020 đã đánh dấu sự trở lại ấn tượng của bóng đá Việt Nam sau dịch Covid-19 khiến cho truyền thông quốc tế phải ngỡ ngàng. Dấu ấn đó đã mang đến những hình ảnh tích cực cho bóng đá Việt Nam.
Tháng 5/2022, sân Thiên Trường từng khiến cả Đông Nam Á “mắt tròn, mắt dẹt” bởi sự hào phóng đến mê hoặc tại SEA Games 31. Dù không có đội U23 Việt Nam đá ở đây nhưng khán giả thành Nam đã mang đến không khí lễ hội được bạn bè quốc tế khen ngợi.
Điều thú vị khi V-League 2022 trở lại lần này cũng từ sân Thiên Trường, nơi vốn đã được VPF chọn làm sân tổ chức trận khai mạc (Nam Định - HAGL) hồi tháng 2. Hôm ấy, các khán đài đã không còn một chỗ trống, còn lần này, sắc vàng mê say trong tưng bừng trống hội đã không làm chúng ta thất vọng ở trận đấu bù vòng 3 giữa Nam Định cùng Hà Nội FC. Không gì vui hơn, khi V-League “xuất phát” lại với không khí lễ hội đó.
Nhìn từ Thiên Trường, xuôi Lạch Tray rồi về thành Vinh hay ngược vào Quy Nhơn ở những trận đấu đã qua sẽ thấy V-League vẫn có sức sống, sức hút mãnh liệt với người xem. Sức hút của V-League trước hết từ cảm hứng mà ĐTQG và U23 Việt Nam mang lại thời gian qua. Khán giả đến sân mong được chứng kiến những trận đấu có sự hiện diện của các tuyển thủ quốc gia ở cả 2 đội bóng.
Sức hút đó đến từ những cải tổ gần đây của mỗi CLB khi đã chăm chút hơn nhiều tiêu chí để giải đấu ngày càng chuyên nghiệp. Nếu V-League tiếp tục đồng bộ cải thiện về chất lượng của từng trận bóng và sự tân trang trên khán đài cùng cơ sở vật chất hẳn không phải sợ chuyện khán đài vắng bóng hay nguội lạnh tình yêu.
Hãy thử đặt câu hỏi: “Vì sao Nam Định không mạnh, không phải đội bóng cạnh tranh chức vô địch nhưng khán giả cuồng nhiệt đến thế?” Đơn giản, bóng đá mê hoặc lòng người vì mang đến những giá trị không thể đong đếm. Khán giả đến sân để ủng hộ, sẻ chia cùng vui và cùng buồn.
Ở đó có thể có những giọt nước mắt hạnh phúc nhưng cũng có nước mắt đắng cay. Với Thiên Trường, bóng đá mang đến những trạng thái, cảm xúc vô cùng đặc biệt như thế. Người thành Nam luôn biểu thị tình yêu, sự tự hào với mảnh đất quê hương. Và cũng nhờ bóng đá cũng như những xúc cảm ở Thiên Trường người ta mới thấy giá trị đặc biệt ở V-League. Giá trị đó phải được tạo ra từ thứ bóng đá tử tế, đậm đà bản sắc để có được thương hiệu địa phương riêng biệt.
Bóng đá sống vì khán giả nhưng khán giả đến sân nhiều hay ít phải bắt đầu từ sự tử tế, từ mối quan hệ có đi có lại của đội bóng với họ. Rõ ràng, tình yêu bóng đá đẹp, bóng đá “sạch” và tử tế của các CĐV chân chính luôn vẹn nguyên như ngày nào.
Vì thế, V-League, hãy đón nhận và lan tỏa cảm hứng từ tiếng trống hội ở “Phủ” Thiên Trường.
Trần Tuấn
Tags