(Thethaovanhoa.vn) - Nếu phương án hủy V-League 2021 mà có đội xuống hạng thì CLB SLNA sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Họ đang tạm thời đứng ở vị trí để chịu cảnh phải xuống chơi hạng nhất mùa sau.
Những ngày qua, dồn dập nhiều ý kiến về số phận V-League năm nay. Đa phần các đội bóng đều không muốn giải đấu lùi lại đến tháng 2 năm 2022. Đặt ra giả thiết phải hủy bỏ và chọn đội vô địch cũng như suất xuống hạng dựa vào BXH hiện thời thì SLNA đang lo ngay ngáy.
Hơn thế, nếu phải xuống hạng theo quy định từ văn bản hành chính chứ không phải so kè từ chuyên môn sẽ rất khó chấp nhận. Thà rằng giải đấu kết thúc, SLNA không thể trụ lại khi thất thế so với đối thủ thì đã đành. SLNA đã xác định được tâm thế đó nguy hiểm và đã chuẩn bị những gì cần có để chiến đấu ở giai đoạn thứ 2. Hơn thế, bóng đá xứ Nghệ vừa có những bước chuyển mình rất lớn. SLNA đã có những thay đổi thượng tầng từ nhà tài trợ cho đến bộ máy quản lý, điều hành cũng như biến chuyển chuyên môn trong thời gian V-League tạm nghỉ.
Trong chia sẻ gần đây cùng Thể thao & Văn hóa, ông Trương Mạnh Linh -Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Lam Nghệ An kiêm GĐĐH CLB SLNA khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng quyết định cuối cùng của VPF, cùng với các bên tìm được tiếng nói chung đồng thuận trong các vấn đề chung của bóng đá nước nhà. Tuy nhiên nếu dừng giải mà phải xuống hạng thì không hợp lý.
Chúng tôi rất tự tin vào khả năng trụ hạng khi giải vẫn còn tới 8 vòng đấu nữa cho nhóm B và cũng đã chuẩn bị rất kỹ cho việc phải đá ở vào nhóm này. Đội bóng vẫn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng để có thể ứng biến với mọi tình huống xảy ra và cố gắng hết sức mình cho cuộc chiến trụ hạng”.
Hãy cổ vũ cho cuộc đổi mới của Sông Lam
Bỏ qua những tranh cãi ai vô địch- ai xuống hạng thì rõ ràng đây là mùa giải “lao đao” của CLB SLNA. Kể từ ngày V-League được khai sinh, bóng đá xứ Nghệ tự hào họ chưa xuống hạng. Vậy nên, trước viễn cảnh về chuyện phải bắt đầu từ hạng nhất đã buộc SLNA thực hiện cuộc “cách mạng” như vừa rồi. Nếu lấy cái mốc năm 1979 để tính thì lịch sử CLB đã bước sang tuổi 42. Chặng đường thì dài với những thăng trầm nhưng chưa thể giúp đội bóng đứng vững sau chừng đó năm ra đời. Những thành quả có được hay thương hiệu được coi niềm tự hào xứ Nghệ không thể giúp SLNA đứng vững và sống khỏe trên đôi chân của mình.
Nói cách khác, truyền thống cùng bản sắc là điều cần có cho một đội bóng nhưng chừng đó chưa đủ. Chưa kể, bóng đá chuyên nghiệp cần những điều khác để đi. Trong lộ trình phát triển như thế, hình như người Nghệ chưa kịp thích nghi nhanh nhất với thời cuộc. Nói cách khác những nhì nhằng về cái gọi là cơ chế giữa các bên đã như rào cản mà SLNA phải chấp nhận lâu nay. Bóng đá chuyên nghiệp đâu chỉ con người hay tiền bạc, bóng đá chuyên nghiệp còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố phụ trợ kèm theo.
“Sứ mệnh” lịch sử sau 12 năm gắn bó đồng hành cùng bóng đá Nghệ An của Ngân hàng Bắc Á đã dừng lại. 12 năm qua là một mối lương duyên trọn vẹn khi cái tên SLNA vẫn được giữ nguyên vẹn. Những “công thần” của bóng đá xứ Nghệ như “Khổng Minh” Nguyễn Hồng Thanh hay “bô lão” Hồ Văn Chiêm cũng hoàn tất vai trò của mình và lùi lại phía sau cùng lời tri ân với những gì họ mang lại. Bây giờ, những quyết sách của nhà tài trợ mới sẽ mở đường cho một chu kỳ phát triển mới của bóng đá Nghệ An. Chu kỳ với những những nhà quản lý trẻ tuổi cùng mô hình quản trị khác với kiểu “bao cấp” lâu nay.
Vấn đề quan trọng của SLNA lúc này là làm sao gỡ bỏ hết thảy những vướng bận lâu nay với những khúc mắc có tên cùng không tên để tạo ra một tâm thế mới. Tâm thế không chỉ mỗi mình Tập đoàn Tân Long đầu tư cho bóng đá mà làm sao để khơi gợi, mở đường để các doanh nghiệp, nhà tài trợ có thể yên tâm "nơm tiền" đầu tư, tài trợ cho đội bóng căn cơ nhất.
SLNA đã và đang có những biến chuyển của mình trong cơn nguy khốn. Vấn đề bây giờ làm sao để những biến chuyển đó nhanh chóng được triển khai trong thực tế. Tự hào với quá khứ, với truyền thống là đúng nhưng làm sao để không phải cứ để những điều đó cản trở bước đường phát triển tiếp theo. Bản sắc và truyền thống là những giá trị cần phải giữ. Nhưng, con đường tiếp theo cũng cần khai phá những “trầm tích” còn ủ ấp đâu đó lâu nay trên tư duy tươi mới hơn.
Hồng Đào
Tags