(Thethaovanhoa.vn) - Nghịch lý này đã và đang tồn tại ở nhiều nền bóng đá chứ không riêng gì V-League, nhưng hệ lụy của nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính cạnh tranh ở giải đấu số 1 của bóng đá Việt Nam.
Sau vòng đấu thứ 4 vào cuối tuần này, Night Wolf V-League 2022 sẽ tạm dừng và sẽ chỉ trở lại vào đầu tháng 7, nhường chỗ cho vòng loại World Cup, SEA Games rồi VCK U23 châu Á.
Quãng nghỉ lên tới gần 4 tháng chỉ xen kẽ vào đó những trận đấu đã bị hoãn lại vì Covid-19 trong thời gian qua, còn lại hầu hết đội bóng tại V-League sẽ chỉ tập chay duy trì phong độ vì tập huấn hay thi đấu giao hữu trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp thật chẳng phải chuyện đơn giản.
Hơn nửa năm kể từ lúc V-League mùa giải năm ngoái bị hủy vì Covid-19 giải đấu mới quay trở lại nhưng cũng chỉ thi đấu vỏn vẹn 4 vòng rồi lại dừng tới hàng tháng, điều này gây khó không chỉ cho đơn vị tổ chức, Ban điều hành giải trong việc sắp xếp, phân bổ lịch thi đấu cộng với những điều chỉnh bất đắc dĩ mà còn tác động trực tiếp đến từng CLB.
Từ việc củng cố nền tảng thể lực, điều chỉnh điểm rơi phong độ hay thay thế nhân sự với 13 CLB tại V-League 2022 là quá khó và đó không phải là câu chuyện riêng của bất kỳ đội bóng nào, cho dù đó là ứng cử viên vô địch như HAGL, Hà Nội FC, Viettel hay đội đặt mục tiêu khiêm tốn là trụ hạng như Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Tất nhiên, việc V-League bị xé lẻ hay quãng nghỉ kéo dài dù là điều không mong muốn nhưng đã được Ban tổ chức giải thống nhất với các CLB. Bản thân VFF và VPF cũng có lý do để đặt lợi ích của đội tuyển quốc gia với những giải đấu quốc tế quan trọng lên hàng đầu.
Nhưng với các CLB và V-League thì tác động từ việc giải đấu ngắt quãng, nghỉ quá dài là tương đối lớn, chất lượng chuyên môn, hình ảnh của giải dù không muốn nhắc đến nhưng cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.
Nhìn rộng ra, chỉ cần quan sát ở quốc gia láng giềng Đông Nam Á với Việt Nam là Thái Lan thì “xung đột” giữa Thai League cùng các kế hoạch tập trung tập luyện và thi đấu của đội tuyển quốc gia nước này cũng thường xuyên xảy ra.
Thậm chí, có những thời điểm mâu thuẫn ấy tưởng chừng không thể tháo gỡ khi các CLB từ chối nhả quân cho đội tuyển còn Thai League vẫn muốn được tổ chức liên tục, ngay cả trong thời gian FIFA Day, vốn dành cho đội tuyển quốc gia.
Đội tuyển quốc gia, U23 Việt Nam có những mục tiêu thành tích ngắn hạn rõ ràng và cụ thể, mà gần nhất là SEA Games với tấm HCV môn bóng đá nam đang nắm giữ còn với đội tuyển quốc gia đó là 2 trận đấu còn lại của vòng loại thứ 3 World Cup 2022, cũng là bước chuẩn bị cho AFF Cup vào cuối năm nay. Nhưng dồn sức cho ĐTQG cũng đồng thời tác động trực tiếp đến sự phát triển của giải đấu số 1 quốc nội V-League về lâu về dài.
Điển hình như HAGL đang sa sút nhưng như thế không có nghĩa HLV Kiatisuk muốn V-League nghỉ dài và các học trò của ông miệt mài với các kế hoạch tập trung ở ĐTQG để rồi khi về lại CLB mang theo cảm giác chán bóng đá, đi kèm với đó là sa sút phong độ, chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Sự hy sinh của V-League cho đội tuyển quốc gia là điều không tránh khỏi nhưng làm như thế nào để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, hệ lụy không mong muốn lên giải đấu lại quá khó tìm ra một câu trả lời trọn vẹn, dù đó là trách nhiệm của nhà tổ chức.
Lâm Chi
Tags