(Thethaovanhoa.vn) - Mùa mưa bão đang ùa về khiến dân tình cùng nhiều ban ngành khổ sở. Dân bóng banh thì đang nói đùa, giải chỉ còn 4 vòng đấu nữa, V-League cũng đang phấp phỏm đón “bão tiêu cực”.
Ôn cố
Cũng tầm này năm ngoái, BTC V-League đã rất đau đầu sau hàng loạt các trận đấu bốc mùi. Vòng 22, SLNA thua HAGL 1-3 tại phố núi khiến dư luận dậy sóng, nhưng đội bóng xứ Nghệ như con- bệnh- lờn- thuốc, khi họ thua tiếp một đội bóng cũng đang chạy trốn khỏi suất xuống hạng là XSKT Cần Thơ với 3 bàn không gỡ, ở vòng 24. Trước đó, vòng đấu thứ 18, Hải Phòng cất gần hết đội hình chính, bao gồm cả bộ đôi tiền đạo ngoại Stevens – Fagan, trong chuyến viếng Tây đô, chủ thua 1-2.
Quá bất mãn với thái độ thi đấu của đội bóng con cưng, các CĐV Hải Phòng đã căng bandrole yêu cầu VFF và BTC V-League (VPF) điều tra ngọn ngành, trả lại sự trong sạch cho bóng đá. Nhưng, mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu. Lời giải thích của lãnh đạo Hải Phòng đưa ra sau đó, quả khó lọt tai, khi họ cho rằng cần phải cất vài trụ cột để chuẩn bị cho các cuộc đón tiếp SHB Đà Nẵng và Đồng Nai!
Kết thúc mùa giải 2015, Đồng Nai xuống hạng, không hẳn bởi họ tệ hơn XSKT Cần Thơ hay HAGL, mà nguyên do là thân cô thế cô, quan hệ kém. Ông Sự “gỗ”, người từng khuynh đảo thời bóng đá bao cấp với quan hệ rộng, đã không còn chiến hữu giúp.
Xác định “đắp chiếu” từ ngay đầu giai đoạn 2, HV.An Giang đã thanh lý phân nửa đội hình đăng ký, hòng giảm thiểu chi tiêu, trước khi từ chối tham dự giải hạng Nhất 2015 và giải tán đội luôn, chấp nhận làm lại từ giải hạng 3. Tiêu cực cũng từ đó mà ra, chứ đâu xa.
Tri tân để… sống chung với bão!
Có nhiều lý do khiến một đội bóng không chơi hết mình, trong đó phải kể đến động lực, mục tiêu phấn đấu không còn. Ví như lúc này, Đồng Tháp, Long An và thậm chí cả SLNA, S.Khánh Hoà BVN, QNK Quảng Nam hay Sài Gòn FC…, hoàn toàn có thể trở thành kho điểm, cho những đội bóng giàu tham vọng ở tốp đầu. Đó là lý do người ta e ngại về thứ bóng đá ân tình ở phần còn lại của cuộc chơi, tức 4 lượt trận cuối.
Một trận thắng ở V-League cũng có giá vài trăm triệu đồng tiền thưởng, với ngay cả một đội bóng nghèo như Long An. Tuy nhiên, so với việc xây dựng các mối quan hệ và cả việc “kiếm thêm” bên lề trận đấu, nó chẳng thấm tháp vào đâu. Ở các giải bóng đá hàng đầu thế giới, tiền bản quyền truyền hình thực sự là miếng bánh béo bở, là gói kích cầu hoàn hảo, giúp các CLB tăng thêm động lực, nhưng ở Việt Nam gần như không có.
Lỗi không phải ở cơ chế, mà thiếu sót thuộc về những người tổ chức ra cuộc chơi. Khi quyền lợi dành cho các đội bóng, mà cụ thể là tiền bản quyền truyền hình, quá ít ỏi, họ tự cho mình quyền giải quyết trận đấu theo cách riêng, không tuân thủ theo bất cứ một luật lệ nào cả.
XSKT Cần Thơ – Hải Phòng, Sài Gòn FC – Hà Nội T&T, Đồng Tháp – FLC Thanh Hoá và S.Khánh Hoà BVN – SHB Đà Nẵng, là những cặp đấu nhạy cảm ở vòng 23, cuối tuần này. Nói không quá, khi bóng còn chưa lăn, người ta đã mường tượng ra kết quả.
V-League vào thời khắc chập choạng, trắng đen không rõ ràng, buộc nhà tổ chức phải căng mắt mà soi. Vòng nào họ cũng cho người vi hành, lượn lờ trước khán đài A như để bắn thông điệp chúng tôi đi “chiếu yêu”. Tuy nhiên, chẳng khi nào bắt được tiêu cực. Nếu không có sự hỗ trợ của công cụ tinh xảo hơn từ phía cơ quan điều tra, e là mắt thường khó nắm bắt. Đến lúc này, người ta lại nhớ đến bản hợp đồng mà VPF ký với Sportradar, đơn vị được quảng cáo là đầy đủ công nghệ trong việc phân tích – tố giác tiêu cực, với các trận đấu ở các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Đành phải sống chung với bão, CLB nào tự lo bảo vệ phần hồn và xác của mình thôi.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags