(Thethaovanhoa.vn) - Trên Thể thao & Văn hoá, ông Cao Văn Chóng, Tổng Giám đốc (TGĐ) VPF, chia sẻ rằng, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và các phòng ban trực thuộc (ý nói BTC giải) cũng được đấy chứ?!, “Anh em đều tâm huyết, đưa sáng kiến và nỗ lực để làm, để tạo được những mốc son và điều đó cần được ghi nhận”, ông Chóng nói.
- TGĐ VPF Cao Văn Chóng: 'Giải chỉ vỡ khi sai mà không sửa'
- TGĐ VPF Cao Văn Chóng: ‘Tôi tin trọng tài Việt Nam sẽ tốt lên’
- TGĐ VPF Cao Văn Chóng: 'Sportradar không phải cây đũa thần'
1. Ông Chóng từ khi còn là người của B.Bình Dương, đã đại diện và được biết đến như một cổ đông lớn (từ tiền túi và tiền của CLB, cũng là một công ty CP bóng đá), có tiếng nói nhất định trong HĐQT VPF. Giờ ông đứng chính danh, chịu trách nhiệm pháp lý ở VPF, có thể nói là đã nhích lại gần một chút, sát sao hơn và cũng dễ quán xuyến nội tình hơn. Theo tính toán, sau một đôi năm “luân chuyển” tại VPF, ông Chóng sẽ được rút về làm quản lý ở Tổng công ty Becamex IDC.
Đấy là hoạn lộ của ông Chóng và cũng là chuyện riêng của ông. Chỉ tính ở VPF, vị TGĐ này không ít lần đá lộn sân của người khác, tham gia quá sâu vào các vấn đề về tổ chức giải, chuyên môn, các vấn đề về trọng tài (TT), đứng và ký các văn bản không thuộc chức năng của mình. Công văn xin lỗi CLB SLNA sau sự cố TT Hà Anh Chiến ở sân Thanh Hoá hay những công văn qua lại khá ồn ào với Hội CĐV Than Quảng Ninh, mà ông Chóng ký – đóng dấu, đã là những điển tích.
Không phủ nhận VPF đã rất nỗ lực để cải thiện hình ảnh giải đấu, mà mốc son dễ nhận thấy nhất là sự ra đời của kênh quảng bá VPF, phát trên YouTube, đem các trận đấu đến gần hơn với người xem. Tuy nhiên, với rất nhiều ban bệ - các phòng chức năng cồng kềnh, nguồn kinh phí dồi dào, lương thưởng cho CB – CNV thuộc hàng mơ ước với mặt bằng xã hội, mà VPF mới chỉ làm được có thế, chẳng khác nào họ tậu một động cơ Ferrari nhưng lại chạy với tốc độ của một con Fiat.
V-League 2016 (chứ đừng nói giải hạng Nhất èo uột) chưa bao giờ nhiều sạn đến thế, nhiều vấn đề đến thế: Từ vấn nạn TT đến chuyên môn. Những người đại diện ở VPF phải chịu trách nhiệm với cuộc chơi do mình tổ chức. Nên nhớ, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thuộc về các CLB với đầy đủ nghĩa vụ (còn quyền lợi chẳng thấy đâu), bộ phận tổ chức hay cao hơn là HĐQT, các chức danh TGĐ và Phó TGĐ, chỉ đứng đại diện, nếu không muốn nói là làm thuê ăn lương.
2. Trở lại vấn đề của HLV Phan Thanh Hùng và Than Quảng Ninh. Sau trận thắng 3-1 tưng bừng trước Hải Phòng ở vòng 18, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng để đội yếu nhất V-League 2016 là Đồng Tháp cầm hoà 1-1 và tiếp tục chia điểm với Sài Gòn FC trong một trận đấu mà chất lượng chuyên môn dưới trung bình. Đội bóng xứ mỏ nhanh chóng đánh mất vị thế của một ứng viên là điều đương nhiên, tai hại hơn, các tồn tại ở đội bóng này đã bị phơi bày, ví như bệnh thiếu khát vọng.
Dù chỉ ký hợp đồng năm một, nhưng lộ trình 3 năm đưa Than Quảng Ninh trở thành nhà vô địch V-League của HLV Phan Thanh Hùng là có cơ sở, với dàn cầu thủ thừa tính kế thừa, cùng tiềm lực tài chính dồi dào. Tuy nhiên, người Quảng Ninh, từ cầu thủ đến các ông chủ, dường như không nghĩ thế. Họ hài lòng với hiện tại và không có biểu hiện nào cho thấy sẽ nỗ lực tối đa để đạt thành tích cao hơn. Một bộ phận các trụ cột thậm chí còn chểnh mảng, thích chơi hơn việc thi thố.
Dù người Quảng Ninh vẫn “văn minh lịch sự” như khẩu hiệu trên QL18 dẫn về đất mỏ, nhưng một vài thời điểm, ông Hùng đã cảm thấy cô đơn. Nếu cố vui vén mà không thành, có lẽ HLV người Quảng – Đà sẽ xin hưu non để quy cố hương vui thú điền viên. Thế quả đáng tiếc cho một đội bóng quần hùng hội tụ, đầy đủ chiều sâu.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags