(Thethaovanhoa.vn) - Vào một sáng thứ Hai đẹp trời, những ai yêu bóng đá sau khi lật các thông tin thể thao, hẳn sẽ vô cùng bất ngờ khi vòng 8 V-League, trọng tài đã không trở thành những điểm nóng, bắt rất “ngon lành cành đào”. Ngạc nhiên chưa?
- Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi bác bỏ tin xin nghỉ tham gia phân công trọng tài
- Xác định đối thủ của U20 Việt Nam tại World Cup, ông Nguyễn Văn Mùi mất quyền phân công trọng tài
- Trọng tài có hành động 'lạ' sau trận SHB Đà Nẵng - Than Quảng Ninh
Công tác trọng tài luôn là tâm điểm của V-League những mùa giải trở lại đây. Cứ mỗi mùa giải qua đi, trọng tài chẳng khác nào là vấn nạn của giải đấu. Ví như V-League 2017, 7 vòng đấu vừa rồi, không một vòng đấu nào mà trọng tài không là tâm điểm với những sai lầm nghiêm trọng. Thế nên, chuyện trọng tài sai như “cơm bữa” chẳng khác nào câu chuyện sống chung với lũ.
Đến nỗi, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng còn phải đau đầu, phải thốt lên: “Trình độ chuyên môn trọng tài nội còn yếu kém. Mỗi vòng đấu tôi, VFF và VPF cứ nơm nớp, mệt quá đi mất”. Cứ như thế, điệp khúc sai lầm từ vòng này nối tiếp vòng khác khiến những nhà quản lý lẫn điều hành giải chuyên nghiệp không khỏi đau đầu như ngồi trên tổ kiến lửa.
Dân tình quen dần với cái sai của trọng tài đâm ra chán, coi như là chuyện đương nhiên của giải quốc nội. Vậy mà trong một vòng đấu đẹp trời ở vòng 8, các trọng tài không hề mắc sai lầm lớn nào, dù rất nhiều trận đấu đầy kịch tính, hấp dẫn, cuộc đeo bám ở tốp đầu vô cùng khốc liệt vì điểm số không cách biệt nhiều.
Không có tình trạng cầu thủ phản ứng quyết liệt các trọng tài hay lãnh đội các đội bóng công kích, chỉ trích trọng tài mà thay vào đó, là cái thở dài đầy nhẹ nhõm, là những cái bắt tay như cởi bỏ áp lực.
Hình ảnh biết nói, cô đọng nhất cho một vòng đấu “thành công” của các ông “vua áo đen” ở vòng đấu này là sau khi nổi hồi còi kết thúc trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và Than Quảng Ninh, trọng tài Hoàng Ngọc Hà ngước mặt lên trời rồi thở phào một cách nhẹ nhõm. Sau đó, ông đưa tay lên trán như một hành động cầu nguyện.
Một sự “thành công” hơn cả mong đợi trong sự ngỡ ngàng của giới mộ điều. Hiếm hoi lắm, trong một vòng đấu, trọng tài không bị soi.
Dù nghi ngờ “phong độ” nhưng cần ngợi khen
Sau những sự cố liên tục xảy đến trong 7 vòng đầu đầu tiên liên quan đến công tác trọng tài, BCH VPF đã phải dành thời lượng lớn trong cuộc họp định kỳ để mổ xẻ vấn đề này. Họ đã hành động bằng cách giảm quyền hạn của Ban Trọng tài VFF trong việc phân công trọng tài. Theo đó, thay vì Ban Trọng tài sẽ toàn quyền phân công thì VPF đã lập ra một “Ban kiểm soát” trực tiếp phân công trọng tài.
Câu chuyện rõ như ban ngày, VPF nắm trong tay 75% quyền quyết định và chỉ để số % ít ỏi còn lại thuộc quyền hạn của Ban Trọng tài. Phải chăng, thay đổi đó thức thời đã mang lại hiệu quả khi quyền lực của Ban Trọng tài đã giảm đi?Tất nhiên, câu hỏi đó chỉ có người trong cuộc mới có thể trả lời. Và chính bản thân của người trong cuộc cũng không hiểu chính xác câu trả lời đó mà nó cần thời gian để kiểm chứng.
Dẫu vậy, những động thái mang tính hành động của VPF đã tác động phần nào đến đội ngũ trọng tài. Họ buộc phải thay đổi, chí ít là trong tư duy, hành động và cách nghĩ.
Trọng tài dù chỉ được xem là nghề tay trái. Tuy nhiên, ngẫm lại, với mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng xã hội thì đây cũng là nghề “hái ra tiền”. Trong một trận đấu, thu nhập hay còn gọi là “chi phí bồi dưỡng” của trọng tài chính là 6 triệu đồng còn trọng tài biên và trọng tài bàn là 4 triệu đồng/ người trong khi mọi chi phí đi lại, ăn ở đã có BTC lo hết. Và nếu bắt đều tay 1 tháng 4 vòng đấu thì mỗi tháng họ “bỏ túi” khoảng 24 triệu đồng. Đó là mức thu nhập đáng mơ ước của biết bao giới trong xã hội. Thế nên, khi nồi cơm có thể bị đập vỡ. Lẽ tất yếu, như một phản xạ tự nhiên, họ buộc phải hành động để cứu chính mình.
Một vòng đấu lặng lẽ trôi qua trong tiếng thở phào của các ông Vua áo đen. Dẫu cho chưa thể khẳng định đã có những chuyển biến tích cực, bởi phong độ chỉ nhất thời, nhưng ít ra, mọi người cũng tặc lưỡi: “À, trọng tài Việt Nam cũng làm được đấy, nếu thực sự nghiêm túc với nghề!”.
1. Đây là vòng đấu đầu tiên mà các trọng tài không bị công kích, chỉ trích từ các đội bóng 209.Tính đến hết vòng 8, các trọng tài đã rút ra 209 thẻ, trong đó 4 thẻ đỏ và 205 thẻ vàng. 27. Có 27 trọng tài chính tham gia điều hành các trận đấu ở V-League. |
Nam Giao
Thể thao & Văn hóa
Tags