VSC (Cúp bóng đá 7 người toàn quốc, do Công ty CP Bóng đá Việt - VietFootball tổ chức) mùa thứ 3 đã khởi đi từ cách đây vài tuần với gần 100 đội bóng, chia đều cho 4 cụm: Hà Nội - Đà Nẵng - Đắk Lắk - TP.HCM. Cùng với đó là sự nở rộ của rất nhiều giải đấu ngoài chuyên nghiệp khác, khi V-League và giải hạng nhất quốc gia đang "giải lao", nhường sân cho ĐTQG đá Vòng loại World Cup 2026.
Thậm chí ở Bình Thuận, giải đấu có lẽ là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam dành cho những người "bụng bia" là Baby Bụng Bự (cầu thủ phải trên 75kg mới được đăng ký) cũng thu hút khá nhiều gương mặt cựu trào. Phải, ai rồi cũng già đi và... béo, nhưng đam mê và nhu cầu được chơi bóng thuộc về tất cả.
Cầu thủ, từ phủi đến chuyên và cả Tây như thể vào mùa gặt. Khoảng thời gian cuối năm chính là vụ chính với giới bóng đá phong trào. Sáng Cafe TP.HCM, chiều đá Vĩnh Phúc League, hôm sau đã lại xuất hiện ở VSC, có thể ở cụm đấu Đắk Lắk hay Sài Gòn, là có thật. Những cầu thủ thuộc tầm sao số như Hạnh "Ozil", Quang Tình hay Tuấn Vinh, Nam "nhóc", Capdevila... thật bận rộn đá show hơn đi chợ. Và phí lót tay, ra sân và tiền thưởng dành cho họ không hề rẻ.
Lấy ví dụ thế này. Nếu lương trung bình hàng tháng cho một cầu thủ đá hạng Nhất quốc gia hay futsal VĐQG rơi vào khoảng trên dưới 15 triệu/tháng, thì cầu thủ phủi dạng sao được nhận gấp đôi, gấp 3. Đấy là chưa kể xác suất rủi ro ở giải chuyên nghiệp là cực lớn. Chuyện thiếu lương thưởng, phí lót tay thâm chí thất nghiệp, xảy ra như cơm bữa. Rõ nhất và mới nhất là trường hợp của cầu thủ đội hạng Nhất Bình Thuận. Trước đó, giai đoạn 2 mùa giải trước là Khánh Hoà và HAGL.
Còn sới phủi thì cứ tiền tươi thóc thật. Trước trận thưởng cầu thủ một vài triệu để lên tinh thần. Thắng thì thưởng tiếp, cuối giải nhận luôn cả cục. Sao số thường không lấy phí ra sân theo trận, mà ký hợp đồng cả giải, thậm chí cả năm với giá trị vài trăm triệu. Họ thậm chí còn được mời đóng quảng cáo, đại diện hình ảnh nhãn hàng, trên nền tảng - hệ sinh thái mạng xã hội vốn đang bùng nổ.
Bóng đá phủi TP.HCM trong mấy năm gần đây nổi lên "dải ngân hà" An Biên (nhà cung cấp độc quyền thiết bị vệ sinh phòng tắm TOTO - Nhật Bản), rồi Nghiêm Phạm Holdings, GM Holdings, Đạt Tín, thậm chí cả Cua Việt FC... Nhưng so với mặt bằng chung của Hà Nội thật cũng chưa thấm vào đâu. Mặc dù vậy, TP.HCM đã từng có các đại diện vô địch sân 7 toàn quốc (hệ thống giải đấu của Vietfootball) như Song Hùng hay Đạt Tín.
Hà Nội với truyền thống và ý thức tích lũy... tiền mặt là địa phương ổn định bậc nhất cho hệ thống các giải bóng đá phủi hàng năm. Cần nhắc lại rằng, chi phí để nuôi một đội bóng phủi/mùa giải lên tới một vài, thậm chí 3 tỷ đồng là bình thường. Ví như Đạt Tín mùa giải trước cũng ngốn của các ông bầu 2 tỷ để vô địch SPL và VPL. Tốn kém chút nhưng sướng (về độ trung thực trong thi đấu) và hiệu quả về mặt quảng bá hình ảnh, sản phẩm của công ty hay tập đoàn.
Một CLB phủi được tổ chức rất bài bản, với team truyền thông, áo đấu được các nhãn hàng thể thao uy tín (Mizuno, Kamito, Wika, Masu, Keepfly...) tài trợ theo gói/mùa giải... Nói là phủi, nhưng còn chuyên hơn cả chuyên.
Bây giờ thì một phủi thủ có thể tự hào nói với vợ con, thậm chí ghi hẳn vào hồ sơ xin học cho con, rằng cha làm nghề đá phủi. Để hiểu thêm các câu chuyện về sới phủi làm tổ hay vào mùa, thì mời bạn dạo quanh các sân bóng lớn nhỏ khắp Việt Nam mỗi chiều cuối tuần. Nhiều trận đấu và vòng đấu ở Hoàng Mai (Hà Nội) hay Gia Định (TP.HCM) chào đón hàng ngàn, thậm chí hàng vạn khán giả. Còn chưa kể hàng vạn con mắt theo dõi (cùng thời điểm) trên hệ thống livestream.
Đấy chính là giá trị của bóng đá phủi dành cho cộng đồng! Hãy tận hưởng!
Tags