Ngay sau VCK World Cup 2022, Qatar tiếp tục là chủ nhà của VCK Asian Cup 2023, điều đó cho thấy tầm vóc và năng lực tổ chức của quốc gia Tây Á này. Những SVĐ hùng vĩ, đẹp mỹ miều của Qatar được xây dựng đồng loạt, kể từ thời điểm quốc gia này tham gia chạy đua quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và trúng thầu.
Trước đó, tạiVCK World Cup 2002 lần đầu tiên diễn ra tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cơ hội lớn quảng bá đất nước của họ với bè bạn quốc tế. Tất nhiên, kèm theo đó là năng lực tổ chức tầm cao. Các sân bóng luôn đầy ắp khán giả, với bầu không khí cổ động cuồng nhiệt.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia vẫn là 2 quốc gia hiếm hoi, từng nhiều lần đăng cai các sự kiện lớn của thể thao châu lục, ví như các kỳ Asian Games. Với Thái Lan là 4 lần và Indonesia là 2 lần. Gần nhất, Asian Games Indonesia 2018 đánh dấu cột mốc chói lọi cho bóng đá Việt Nam, với vị trí thứ 4 chung cuộc, khi môn bóng đá nam (với 27 đội), được tổ chức tại 4 thành phố khác nhau ở Tây Java, tức ngoài Jakarta.
Chỉ tính riêng môn bóng đá nam Asian Games 18, để sắp xếp sân tập và thi đấu cho gần 30 đội bóng, là không hề đơn giản chút nào. Năm 2016, Campuchia từng làm rất tốt công tác tổ chức cho giải U16 Đông Nam Á mở rộng, với quy mô 11 đội, có sự tham dự của Australia, đội bóng đã vô địch khi thắng Việt Nam ở trận chung kết. Các sân bóng thuộc các trường trung học ở Phnom Pênh được trưng dụng cho các đội tập luyện suốt thời gian diễn ra giải cũng là rất đạt chuẩn.
Tại Việt Nam, nếu không tính Asian Indoor Games (Đại hội Thể thao trong nhà châu Á) lần thứ 3, năm 2009, thì lần gần nhất chúng ta đăng cai một giải đấu lớn tầm cỡ châu lục, đấy là một bảng đấu thuộc vòng bảng VCK Asian Cup 2007. Với tư cách đồng chủ nhà, Việt Nam được đặc cách suất chơi, nhờ đó mà lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam lọt tới tứ kết, trước đó, chúng ta chưa từng qua được vòng đấu loại giải vô địch châu Á.
Trở lại với câu chuyện về năng lực tổ chức các sự kiện thể thao lớn nói chung và bóng đá nói riêng. Tầm vóc của nền thể thao và con người là các yếu tố tiên quyết, về điều này, chúng ta không thua thiệt 2 người láng giềng Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, chúng ta lại gặp vấn đề lớn về hạ tầng phục vụ tập luyện và thi đấu, giao thông, di chuyển... Việt Nam không sở hữu các SVĐ sức chứa lớn, các đường chạy đạt chuẩn và Cung thể thao dưới nước quy mô. Điều đó rất thiệt thòi và đó là lý do, hơn 30 năm qua kể từ sau hội nhập trở lại, chúng ta mới chỉ 2 lần đoạt quyền đăng cai... SEA Games, Đại hội Thể thao Đông Nam Á diễn ra 2 năm một lần.
Indonesia chuẩn bị tiếp đón Việt Nam trên sân bóng sức chứa hơn 80.000 chỗ ngồi, Gelora Bung Karno, thuộc khuôn khổ vòng loại thứ 2 World cup 2026. Nói là sân bóng hay SVĐ có vẻ hơi khiêm tốn và chưa tả hết tầm vóc của Gelora Bung Karno, mà có lẽ phải dùng 2 từ pháo đài. Pháo đài hùng vĩ này được xây dựng từ cách đây hơn nửa thế kỷ, với sức chứa ban đầu là hơn 100.000 người, nằm trong khu Liên hợp Thể thao quốc gia Indonesia và chưa bao giờ trở nên lạc hậu. Gelora Bung Karno hiện vẫn nằm trong tốp 10 SVĐ sức chứa lớn và đẹp nhất thế giới, chứ đừng nói là ở châu Á.
Chỉ vài ngày sau khi chơi ở Gelora Bung Karno, 2 đội bóng sẽ trở về Mỹ Đình, chắc chắn bầu không khí sẽ rất khác. Trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 2022 là lần hiếm hoi mà sân Mỹ Đình được lấp đầy, kể từ sau bận cuối cùng: Trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 với Thái Lan.
Quả là đáng tiếc, đáng tiếc!
Tags