(Thethaovanhoa.vn) - Cơn bão Covid-19 hoành hành tại giải U23 Đông Nam Á 2022 và đội bóng của HLV Đinh Thế Nam đã phải chịu quá nhiều thiệt hại.
Trận bán kết gặp U23 Timor Leste, chúng ta chỉ còn 13 cầu thủ khoẻ khoắn, trong đó có 2 thủ môn. Đây là điều xưa không có, nay hiếm, nhưng cuối cùng thì thế nào?
Chúng ta đã vượt qua Timor Leste với đội hình “chắp vá”. Nhưng, ngoạn mục nhất vẫn là cái cách các chiến binh trẻ đánh bại U23 Thái Lan ở chung kết. Hai trận lấm lưng buộc bóng đá xứ Chùa vàng phải tâm phục, khẩu phục, sốc, là điều dễ hiểu. Phnom Penh và Campuchia thực sự để lại nhiều dư vị ngọt ngào cho HLV Đinh Thế Nam riêng và bóng đá trẻ Việt Nam nói chung.
7 năm trước, giải U16 Đông Nam Á mở rộng, với cả sự góp mặt của Australia, ông Đinh Thế Nam và các học trò đã phải ngậm ngùi nhìn đội bóng xứ Chuột túi lên ngôi, sau khi thua ở chung kết, dù đã có thời điểm chúng ta dẫn họ 2 bàn cách biệt. Đó là một nỗi đau, thậm chí là cú sốc thật sự với các chàng trai trẻ say mê lý tưởng. Tại vòng bảng, đội tuyển U16 Việt Nam từng thắng U16 Australia 3 bàn không gỡ và tràn đầy tự tin bước vào trận so găng với chính đối thủ này ở chung kết. Nhưng, bóng đá thật khó nói trước điều gì. 7 năm, bằng với ít nhất 2 thế hệ cầu thủ, về lý mà nói, các cầu thủ U16 năm nào nay chính là U23 hôm nay vậy.
Tuy nhiên, sự đào thải khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp, đặc biệt là chiến lược trẻ hoá đội hình của VFF và phần lớn các Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, không cho phép HLV Đinh Thế Nam đem theo các học trò ruột ngày nào.
Hầu hết lứa U23 này đều mới 19-20 tuổi. Bóng đá trẻ khác với bóng đá đỉnh cao ở nhiều khía cạnh, trong đó có sự ngẫu hứng, táo bạo và yếu tố bất ngờ muôn thuở. Bóng đá trẻ Việt Nam lại càng khác với chúng bạn ở tham vọng thành tích được nhồi nhét từ thiếu thời, thậm chí từ trong trứng nước.
Nói về yếu tố chiến thuật vận hành, không một đội bóng nào tại giải U23 Đông Nam Á vừa qua, nhuần nhuyễn bằng đội bóng của HLV Đinh Thế Nam. Cấu trúc của đội bóng không bị phá vỡ, dù có thời điểm, thủ môn phải vào vai tiền đạo bất đắc dĩ. Chiến thuật chuẩn bị quyết định sự thành bại và bóng đá suy cho cùng là thành tích. Điều đáng nói và đáng khích lệ ở đây, chính là yếu tố tinh thần không lùi bước của tập thể đội bóng. Họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành vinh quang.
Trong nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau của lịch sử nền bóng đá, đôi khi yếu tố tinh thần lại mang tính quyết định thành bại.
Hãy điểm lại cột mốc Thường Châu 2018 và ngót chục năm từ thua đến bại trước đó, dù nền bóng đá không ngừng sản sinh ra các thế hệ cầu thủ giỏi. Kể từ năm 2009 - trước Thường Châu, chúng ta gần như không gặt hái được thành tích đáng kể nào, từ khu vực đến châu lục và chỉ có 1 điểm quý giá ở FIFA U20 World Cup 2017, là vì đâu? Sự định hướng thiếu rõ ràng của Liên đoàn và ngoài ra là sự thiếu chăm bẵm bóng đá trẻ, cũng như cuộc khủng hoảng trên cabin Ban huấn luyện các ĐTQG. Hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia trong giai đoạn ấy cũng suy yếu cả về chất lẫn quảng bá hình ảnh.
Có vẻ như thời thế đã khác, chúng ta liên tục đón nhận những tin vui ở nhiều cấp độ đội tuyển. Bóng đá nữ Việt Nam sẽ có lần đầu tiên tham dự FIFA World Cup 2023, đội tuyển U23 Việt Nam cũng lần đầu tiên đăng quang ở giải khu vực. Trong tháng 5 và tháng 6 tới đây, các đội tuyển U22 Việt Nam và U23 Việt Nam cũng xuất quân ở SEA Games 31 trên sân nhà và VCK U23 châu Á 2022.
Ông Đinh Thế Nam khiêm tốn và rằng, đội hình ở Campuchia có thể cung ứng 3-4 cầu thủ lên tuyến trên, nhưng còn có thể nhiều hơn nếu đồng nghiệp Park Hang Seo đã theo dõi bước đi của đội bóng. Các học trò của HLV Đinh Thế Nam đã không lùi bước, không đầu hàng nghịch cảnh, họ xứng đáng được cất nhắc.
Bóng đá trẻ chính là gốc, là rễ của nền bóng đá. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay là nghĩa như vậy.
CCKM
Tags