(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội vượt qua HAGL, SLNA hạ Thanh Hóa, Viettel thắng Sài Gòn FC và NutiFood JMG loại chủ nhà PVF Hưng Yên. Đó là kết quả tại tứ kết U19 QG, giải đấu duy nhất thuộc hệ thống thi đấu quốc gia "miễn nhiễm" với Covid-19 và không phải hủy hoãn bởi các kế hoạch tập trung ĐTQG thời gian qua. Ngoài VCK U19 QG vẫn lăn bánh, là hệ thống một số giải bóng đá phong trào như HL1-S6 (VietFootball), Amy Cup mùa thứ nhất hay vài trận đấu bù ở giải hạng Nhất QG...
Theo lịch thi đấu, 2 cặp bán kết sẽ diễn ra vào chiều nay (4/4) sẽ là U19 Hà Nội - NutiFood JMG (16h30), trước đó, U19 SLNA đấu với U19 Viettel lúc 14h00.
Tại vòng đấu loại, U19 NutiFood JMG của HLV Guillaume đã phải rất vất vả để giành vé dự VCK. Tuy nhiên, Học viện bóng đá có tuổi đời non trẻ này càng vào sâu càng hay và người ta không bất ngờ khi họ hạ đo ván chính chủ nhà PVF Hưng Yên ở tứ kết. Năm ngoái, U21 NutiFood JMG đã lần đầu tiên vô địch VCK U21 QG bằng chính sản phẩm mình tạo ra.
Bóng đá trẻ, về lý thuyết là thiếu tính ổn định và thừa sự bùng nổ, nhưng nhiều năm qua, không thể phủ nhận sự thống trị gần như tuyệt đối của các lò đào tạo trứ danh như SLNA, Hà Nội và Viettel. Có phần thiệt thòi với HAGL, nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Hàm Rồng đào tạo gà nòi, nhưng lại không chủ trương biến gà nòi thành chiến kê ở độ tuổi U.
Với NutiFood JMG thì khác, dù họ cũng ngụ tại Hàm Rồng và gần như có chung một công thức đào tạo, mà người thầy có tầm ảnh hưởng lớn nhất chính là Guillaume Graechen. Sự nhất thống về mặt chiến lược từ lãnh đạo, cho đến đội ngũ HLV, kết hợp với những sự bổ sung chất lượng, giúp NutiFood JMG chơi bùng nổ tại một số hệ thống thi đấu trẻ QG mấy năm qua.
Tương lai thuộc về nguời trẻ, tương lai của nền bóng đá phụ thuộc trực tiếp vào các Học viện đào tạo bóng đá trẻ. Đó là điều chắc chắn.
Được mục sở thị hệ thống - hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu, công thức đào tạo và chế độ dinh dưỡng ở Trung tâm PVF Hưng Yên (thuộc Tập đoàn giáo dục Văn Lang), những ngày qua, người viết cảm nhận được sự chuyên nghiệp, bài bản. Giá như (chỉ giá như thôi), Việt Nam có khoảng 5-7 Trung tâm đào tạo cỡ như PVF, chẳng mấy mà bóng đá Việt Nam cất cánh. Là cất cánh thực sự, chứ không chỉ hớt váng, gặt lúa non thậm chí là tận thu như giai đoạn vừa qua, với thế hệ của Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải...
Bóng đá trẻ, nói thì dễ lắm, rằng nhân tài bóng đá có thể xuất hiện ở mọi nơi, ở sơn cùng thủy tận cũng có, với những "anh hùng xuất thiếu niên", nhưng làm bóng đá trẻ như thế nào để thành tấm, thành món, lại không hề đơn giản. NutiFood đã mất gần chục năm để thành hình sản phẩm đầu tiên ra ràng, chắc chắn đã phải thử rất nhiều mô hình, tiêu tốn kha khá tiền bạc. Ngoại lệ lớn nhất và duy nhất có lẽ là SLNA.
Ở Nghệ An, một ví von không hề ước lệ tí nào, khi một đứa trẻ chưa tập đi, đã tập đá bóng và 2 tiếng đầu tiên chúng nói, chưa chắc là gọi tên ba, mẹ, mà chính là "bóng đá". Nhân tài bóng đá xứ Nghệ vì thế được ví như dòng nước Lam xanh, không bao giờ cạn, suốt hơn 1/3 thế kỷ qua.
Chăm lo đầu vào - đạo tạo trẻ, cũng như bóng đá phong trào, bóng đá học đường, cũng chính là chăm lấy cái phần gốc rễ của nền bóng đá vậy. Hệ thống thi đấu chuyên nghiệp quốc gia và đầu ra là các ĐTQG chỉ là bước phát triển - thừa hưởng tiếp theo mà thôi. Ấy vậy mà, tự trong tư duy của không ít nhà làm bóng đá, chỉ lăm lăm hái thành tích ở cái đầu ra ấy, hòng làm hồng các bản báo cáo nhiệm kỳ.
Bóng đá Việt Nam tuy vừa có những trận đấu rất hay và các điểm số quan trọng ở bảng B, Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, khu vực châu Á, nhưng có thể thấy chúng ta đã, đang và sẽ bước vào thời kỳ quá độ, sau "tuần trăng mật" kéo dài 4 năm qua. Lỗ hổng ở khâu kế cận "thế hệ vàng" có thể trông thấy ngay bằng mắt thường. Vá như thế nào để duy trì thành tựu đã đạt được, cũng là bài toán khó. Tất cả không thể đặt trên vai HLV Park Hang Seo được.
Ông Park, dù giỏi đến mấy, cũng chỉ là người làm thuê, và sớm muộn ông cũng sẽ nói lời chia tay xứ sở nhiệt đới này. Muốn hướng tới một nền bóng đá tự cường, chúng ta phải tự chủ, phải phát huy hết nguồn nội lực, bằng không sẽ như người bơi ngược dòng nước mà thôi. Không tiến, ắt sẽ lùi.
CCKM
Tags