'Bóng ma tiêu cực' ám ảnh bóng đá Việt Nam

Thứ Hai, 23/03/2020 16:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn)- Cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam Phan Văn Tài Em từng là người trong cuộc chứng kiến vụ tiêu cực chấn động bóng đá nước nhà năm 2005 vừa tiết lộ trên giới truyền thông về chuyện không lạ khi nhiều giải đấu có tình trạng mua bán độ.

Tố giác mua bán độ, Võ Nhật Tân nhận giải thưởng Fair-Play 2012

Tố giác mua bán độ, Võ Nhật Tân nhận giải thưởng Fair-Play 2012

Tối qua, tại TP.HCM, báo Pháp luật TP.HCM đã tôn vinh các cá nhân đoạt giải. Từ 100 phiếu bầu chọn, BTC đã xác định được 3 vị trí cao nhất.

Chỉ tính từ thời điểm “đại án Bacolod” hồi năm 2005 khiến bóng đá Việt Nam mất đi hàng loạt tài năng sáng giá, đội trưởng ĐTQG Phan Văn Tài Em là nhân chứng sống trong sự việc đó khi tại Philippines, cầu thủ gốc Long An là người tố giác với HLV Lê Thuỵ Hải và sau này, tất cả là lịch sử.

Thủ thành Êli Niê bị VFF từ chối đơn xem xét đề nghị kỷ luật sau trận đấu ở vòng loại U19 QG 2020
Thủ thành Êli Niê (trái) bị VFF từ chối đơn xem xét đề nghị kỷ luật sau trận đấu ở vòng loại U19 QG 2020

Với vai trò HLV và hiện tại là đào tạo trẻ, cựu tuyển thủ gốc Long An thừa cặp mắt tinh tường để hiểu những gì diễn ra ở bóng đá nước nhà hiện tại. Khi đến chơi cho CLB N.Sài Gòn, đội chủ sân Thống Nhất của Tài Em cũng là nơi chứng kiến nghi án bán độ của trung vệ Phan Lưu Thế Sơn ở đội U19 Việt Nam khi đó tham dự giải U21 Quốc tế Báo Thanh Niên 2010.

Sau đó 2 năm, đồng đội cũ của Tài Em ở Long An là Võ Nhật Tân đã tố cáo vụ án bán độ ở giải hạng Nhất khi cầu thủ Nguyễn Thành Trung gợi ý mua độ với giá 50 triệu đồng.

Trong cuộc điện thoại, Trung phân tích kỹ Đồng Tâm Long An không thể lên hạng mùa này còn Tây Ninh thì rất cần điểm trụ hạng. Tuy nhiên, Nhật Tân cùng đồng đội từ chối và sau đó thắng 1-0 trên sân Tây Ninh vòng 17.

Năm 2014, bóng đá Việt Nam cùng lúc có hai tai tiếng với vụ tiêu cực của các cầu thủ V.Ninh Bình tại AFC Cup khiến bầu Trường sau đó bỏ luôn bóng đá và vụ việc của cầu thủ Đồng Nai bán độ ở sân chơi V-League.

Những vụ mua bán độ đã được phanh phui, nhưng không vì thế mà bóng ma tiêu cực không có đất sống. Và không phải ngẫu nhiên từ nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn luôn đầy đủ “kèo” ở mọi giải đấu. Trên các khán đài, không ít khán giả “lạ” với điện thoại thông minh luôn miệng tường thuật các trận đấu ở sân cỏ nội cũng là rất đỗi bình thường với những ai thường xuyên đến sân.

Đó là lý do HLV Tài Em cho rằng tiêu cực luôn sống tốt. Ông cũng cho rằng chính những người có trách nhiệm dung túng khi phát hiện cầu thủ dính tiêu cực. Vụ việc của cầu thủ Đồng Tháp qua bản tường trình được công khai gần đây cho thấy ở giải đấu năm ngoái, người trẻ đã chủ động tiêu cực từ trận này qua trận khác. Khi lãnh đạo CLB miền Tây lý giải cho việc biết mà không trị tới gốc rễ, lý do đơn giản họ đưa ra là “sợ không còn cầu thủ để đá”.

Việc thoả hiệp cho tiêu cực khiến cầu thủ trẻ do đó được cớ làm đi làm lại mà không hiểu mình đang bán mình cho quỷ dữ. Động lực để cầu thủ trẻ “làm thêm” chính là các trận đấu ở vòng loại không được truyền hình trực tiếp, BTC chỉ cho ghi hình và dựa vào báo cáo một chiều của giám sát trận đấu. Tất cả các công đoạn đều qua loa và đó là cơ hội tốt cho tiêu cực tiếp diễn.

Vấn đề khác khiến Tài Em cùng dư luận đang bức xúc chính là những tiêu cực, dù biết nhưng thường trôi vào cảnh “bóng chim tăm cá”. Năm ngoái, ở vòng loại U19 QG 2019, thủ môn của U19 Phú Yên cũng vô cớ đẩy bóng tới chân cầu thủ U19 Hà Nội để đối phương thoải mái ghi bàn. Sau bàn thua ấy, thay vì dồn quân tấn công tìm bàn gỡ thì các cầu thủ Phú Yên lại làm điều ngược lại.

Năm nay, VFF vừa huỷ kết quả, vừa phạt tiền, vừa treo giò cầu thủ U19 Bình Định và U19 Đắk Lắk vì thi đấu có biểu hiện nhường điểm sau khi nghe báo cáo của giám sát không thuyết phục được người trong cuộc. Sau khi Đắk Lắk kháng cáo, VFF đã thôi không huỷ kết quả nhưng vẫn phạt nặng nhiều cá nhân bị nghi ngờ thi đấu không trung thực.

Tuy nhiên, xem lại trận đấu, Tài Em có lý khi cho rằng đó là quyết định không thuyết phục. Bởi sau nhiều sự cố đã xảy ra, có lý do để BTC giải đấu xử phạt kiểu “phạt nhầm hơn bỏ sót”.

Trả lời báo Tuổi trẻ, Tài Em cho rằng: “Nếu đã cho rằng có tiêu cực, cần mời công an vào cuộc và nếu xác định có tiêu cực thì phạt thật nặng. Bóng đá trẻ là tương lai của bóng đá Việt Nam. Có làm quyết liệt như vậy thì cầu thủ trẻ mới sợ mà không tái phạm hoặc không dám nghĩ đến tiêu cực”.

V.H

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›