(Thethaovanhoa.vn)- Sau thành công lịch sử 2 HCĐ SEA Games 30 ở hai nội dung 5x5 và 3x3 có được Philippines 2019, bóng rổ Việt Nam đặt mục tiêu chuyển mình mạnh mẽ hơn để gặt hái thành tích tốt tại SEA Games 31 dự kiến diễn ra trên sân nhà năm tới.
Ông Lê Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF), nhấn mạnh về sự “rạn vỡ” một cách chủ động của môn thể thao này, thoát ra khỏi vỏ trứng từ cuối năm 2015 và nhờ đó đã tạo ra thành công như SEA Games 30.
Sự thay đổi từ trong quản trị Liên đoàn, phát triển bóng rổ chuyên nghiệp, hệ thống thi đấu, đội tuyển quốc gia, sở hữu và đồng sở hữu, cạnh tranh và hợp tác… đã đưa bóng rổ Việt Nam trở thành thách thức cho các đối thủ trong khu vực.
“Khi chúng tôi nhận bàn giao từ nhiệm kỳ trước là 5 không và 1 có: 5 không đó là không tiền, không tài sản, không con người, không tài liệu, không muốn bàn giao. Một có là có con dấu. Với hiện trạng như vậy, chúng tôi xác định phải bắt đầu từ cái mới, một giải đấu mới, khác biệt và chuyên nghiệp để giải quyết những vấn đề trên.
Chủ tịch VBF Nguyễn Bảo Hoàng với tầm nhìn, uy tín của mình quy tụ được một số doanh nhân chia sẻ quan điểm phát triển, cùng VBF thiết lập nên Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) theo mô hình thể thao, giải trí, chuyên nghiệp; lập nên các CLB chuyên nghiệp là doanh nghiệp. Nhiều mùa giải VBA đã và đang làm rất tốt sứ mệnh của mình, tạo ra sự thay đổi tích cực cho phong trào bóng rổ, là “đầu kéo” cho bóng rổ Việt Nam”, ông Lê Hoàng Anh nói.
Phó Chủ tịch VBF đánh giá, 2 năm vừa qua, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đã tạo một nốt trầm sau sự thăng hoa ở SEA Games 2019. Tác động tiêu cực từ dịch bệnh khiến bóng rổ và những môn thể thao khác thiệt hại cả trăm tỷ đồng.
Hàng loạt tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội thời gian qua cũng chính là các địa phương có phong trào bóng rổ mạnh như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ… khiến tất cả đều đóng băng. Các trung tâm đào tạo, các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến bóng rổ đóng cửa, tạm dừng hoạt động và kể cả phá sản. Nhiều lao động, kể cả VĐV, HLV, trọng tài mất thu nhập…
Ông Lê Hoàng Anh cho biết, điều quan trọng hơn lúc nào hết là giữ vững tinh thần của người làm bóng rổ. VBA phải là trụ cột, “giữ lửa” và “truyền lửa”. Giải đấu như một liều vắc xin tinh thần cho người dân, giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, nhất là đối với thanh thiếu niên trong vùng dịch và quan trọng nhất là VBA phải xây dựng được mô hình thích ứng với dịch bệnh.
Mặc dù quyết định hủy giải VBA 2021 bởi dịch bệnh là không mong muốn nhưng đó không hoàn toàn là thất bại vì tất cả mọi việc đều nằm trong các phương án với những mục tiêu cụ thể, trong đó thành công đáng chú ý là xây dựng được mô hình “tập trung cách ly”.
Hiện tại, bóng rổ là 1 trong số ít các ĐTQG hoạt động hoàn toàn dựa vào nguồn xã hội hóa và thời gian duy trì đội đang bị kéo dài so với kế hoạch, do SEA Games 31 buộc phải lùi thời gian tổ chức sang năm 2022.
Ông Lê Hoàng Anh cũng nhấn mạnh, việc duy trì đội trong thời gian dài là khó khăn và có nhiều thách thức, nhưng sự ủng hộ của cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp VBF tin tưởng, kích hoạt được niềm tin, sự đầu tư của xã hội cho thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng.
VBF vẫn đặt mục tiêu giải quyết được nhiều vấn đề căn cơ cho sự phát triển, phá vỡ những “vỏ trứng” giúp “đàn gà con” sớm trưởng thành, lập được những mục tiêu lịch sử tiếp theo, trước mắt là thành tích cao nhất ở SEA Games 31.
Bình Minh
Tags