Triển lãm cá nhân Bóng thời gian của Đặng Thị Phượng khai mạc lúc 10h ngày 5/3 tại The World Artspace (21 Võ Trường Toản, TP.HCM). Triển lãm kéo dài đến hết ngày 19/3/2023, bày 27 tranh sơn mài.
Huế có thể nói là một chủ đề mang tính đại tự sự (grand narratives/ grands récits) của văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, sáng tạo. Nếu tiếp cận ở khía cạnh này, làm sao cho thỏa đáng và ra chất, ra dáng Huế thì vô cùng khó khăn.
Với Bóng thời gian, Đặng Thị Phượng chọn cách tiếp cận Huế ở khía cạnh tiểu tự sự (petit narratives), để câu chuyện đủ vừa vặn, đủ riêng tư và đủ tự do, để khỏi sợ bắt bẻ này kia. Phượng chắt lọc các họa tiết, câu chuyện từ trong kiến trúc, di sản Huế để tái truyền đạt, tái kiến thiết trong không gian mới, bằng phương pháp khơi gợi, không áp đặt lên tư tưởng, tình cảm của người xem.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Hồ Đinh Nam Kha (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng) về triển lãm này.
Cố đô Huế thơ mộng bên dòng Hương Giang êm đềm, núi Ngự xa xăm mờ ảo vào buổi chiều tà ửng tím da diết phía Tây. Tôi dường như không bao giờ thấy chán, dù mỗi ngày nhìn thấy những bức tường thành xưa, mái nhà cổ và bất lực với nỗi niềm tiếc nuối khi nhiều giá trị văn hóa xưa cứ mờ nhạt dần theo sương gió thời gian…
Họa sĩ Đặng Thị Phượng là người con sinh ra trên đất Quảng Bình. Học mỹ thuật ở cố đô Huế, sinh sống và làm việc ở thành phố bên bờ Sông Hàn, trải dài trên dãi đất miền Trung đầy nắng và gió. Năm 2012, tốt nghiệp đại học xong, Đặng Thị Phượng khăn gói theo chồng, sinh con đẻ cái, tưởng cuộc đời cô gác cọ từ đây…
Nhưng không, nghệ thuật đã ăn sâu vào tiềm thức, thấm nhuần trong máu, kết hợp phong trào mỹ thuật hàn lâm ở Đà Nẵng phát triển. Đặng Thị phượng như diều gặp gió, như cá gặp nước, cô hăng say tìm tòi, trải nghiệm, khám phá kết hợp nguồn cảm hứng thực tế sáng tác cùng anh chị em mỹ thuật.
Đặng Thị Phượng được nhiều văn nghệ sĩ biết đến từ đây, một nữ họa sĩ trẻ tài hoa, có nhiều nội lực, tâm huyết, sáng tạo, đoạt nhiều giải thưởng thành phố, khu vực và quốc tế. Một số tác phẩm tiêu biểu như Vết tích, Nguyện cầu, Đợi, Linh cảm niềm đau, Hy vọng, Mùa cá, Thiếu nữ và hoa…
Nữ hoạ sĩ năng động, sáng tác đa năng, nhiều chất liệu, sơn dầu, sơn mài, lụa, acrylic… Không dừng lại ở đó, bằng năng lực và ngôn ngữ tạo hình đích thực, kết hợp không gian, thời gian những nét đẹp cổ xưa trầm mặc kiến trúc thời Nguyễn. Đặng Thị Phượng đã sản sinh ra một loạt tranh mới, đặng tên Bóng thời gian. Với phong cách riêng biệt, tạo hướng đi cho riêng mình, nữ họa sĩ chọn chất liệu sơn mài truyền thống với bóng thời gian là chuyển tải, sự hoài niệm, những nét cổ xưa trầm mặc.
Với nhiều bố cục pha cách, các tác phẩm như Bóng thời gian 01, 03, 12, 31… đưa người xem vào nội tâm sâu lắng, thấy được thời gian như làm phai mờ đi theo năm tháng. Đường nét trong loạt tranh bóng thời gian kết hợp âm sắc giữa hội họa và âm nhạc, như những nốt nhạc du dưa chuyển động, khi trầm lúc bổng, đường nét lúc ẩn, lúc hiện.
Người họa sĩ tài hoa, khi sáng tác hoặc mài tác phẩm nặng nhẹ đôi tay, tạo nên đường nét đậm nhạt, nông sâu theo vết tích thời gian. Cũng như đường nét, bố cục, trong tranh sơn mài của nữ họa sĩ Đặng Thị Phượng phong phú màu sắc làm người xem không nhàm chán đôi mắt, trong không gian trưng bày, bóng thời gian là dư âm, chuyển động nhẹ của màu sắc, không lóe sáng, không tương phản, gam chủ đạo vẫn là xám xanh (ví dụ các tác phẩm Bóng thời gian 15, 17, 26, 27..), đen trắng (Bóng thời gian 18, 20, 32, 34, 36…), đỏ đen, đỏ xám, vàng xám…. Làm nên tổng hợp hòa sắc, màu sắc của Đặng Thị Phượng.
Qua những tác phẩm được trưng bày, mới thấy được tác giả có lối đi riêng, phóng khoáng, đỉnh đạc, không miêu tả thực hiện thực mà cảm nhận hiện thực bằng ký ức, bằng những nỗi niềm suy tư hoài niệm với sự cảm nhận day dứt và nuối tiếc cùng với thời gian.
Chính vì vậy, Bóng thời gian có lẽ thiên về sự bứt phá bố cục rung động về đường nét, thắm đượm về màu sắc.
Tags