(Thethaovanhoa.vn) - Rất nhiều tác phẩm lớn sinh ra từ máu và nước mắt, Bridge Over Troubled Water không hẳn thuộc trường hợp đó khi lấy cảm hứng từ nhạc phúc âm, mang tinh thần nâng đỡ, cứu giúp. Ấy thế mà, trớ trêu thay, nó lại là giọt nước tràn ly khiến một tình bạn lớn chia lìa, một ban nhạc lớn tan rã.
Một câu chuyện khó có thể bị nhìn theo 2 hướng hoàn toàn đối lập giống như Bridge Over Troubled Water. Một câu chuyện mà nếu diễn ra giữa 1 cặp yêu nhau thì hẳn sẽ phải làm thành drama dài kỳ.
Âm nhạc hoàn hảo
Năm 1969, Robert F. Kennedy và Martin Luther King đều ra đi: Bị ám sát. Mâu thuẫn chủng tộc bùng nổ trên khắp nước Mỹ. Cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà Mỹ gây ra ở Việt Nam. Và Richard Nixon thành chủ Nhà Trắng.
Một nhạc sĩ nhạy cảm như Paul Simon còn biết làm gì ngoài tìm sự an ủi trong âm nhạc. Chính khi thẫn thờ nhìn xuống dòng sông Đông từ cửa sổ căn hộ ở New York, anh hát những câu mở đầu đã ngẫm ngợi cả tuần qua: “Khi bạn kiệt quệ/ Cảm thấy nhỏ bé/ Khi nước mắt dâng lên trong mắt/ Tôi sẽ lau khô tất cả”. Anh đặc biệt thích giai điệu của cặp câu thứ2 bởi nó như vọng âm từ những bài thánh lễ xưa kia của Bach.
Tuy nhiên, sau khởi đầu đầy hứa hẹn đó, chỉ còn lại thanh âm của lặng im. Trong suốt một quãng thời gian, Simon bị mắc kẹt ở đó. Mọi ngã rẽ đều không dẫn tới nơi anh muốn. Cuối cùng, “khúc phúc âm nhỏ bé khiêm tốn” của Simon lại bất ngờ “viên thành” nhờ ca khúc Oh Mary Don’t You Weep For Me của nhóm nhạc phúc âm miền Nam Swan Silvertones. Khi đó, ca sĩ chính đang ngân nga không thành lời thì bỗng hét lớn: “Tôi sẽ là cầu nối đưa bạn qua vùng nước sâu/ Nếu bạn tin nơi tôi”. Câu đó khiến Simon như bừng tỉnh và sau này, anh không ngần ngại nói: “Ừ, thì tôi nghĩ mình đã lấy cắp nó”.
Ban đầu, Bridge Over Troubled Water dự định chỉ gồm 2 phiên khúc. Nhưng trong suốt 2 tuần tề tựu bên chiếc dương cầm cùng trưởng phiên thu đình đám Larry Knechtel, chạm trổ những nét vi diệu cho phần cải biên, mọi người đều thấy là ca khúc chưa hoàn chỉnh. Nếu Simon mở rộng nó ra, quá trình sản xuất sẽ có thêm rất nhiều hứa hẹn. Họ sẽ có 1 bản thu với kích thước đâu ra đấy.
Thế là, Simon đã viết phiên khúc thứ 3. Họ đã mô phỏng theo Old Man River của Righteous Brothers, nơi Phil Spector giữ lại toàn bộ những thứ vụn vặt trong khâu sản xuất để xào xáo vào phút cuối. Từ đó, Bridge Over Troubled Water có thêm phần cho 2 bass, đàn tăng rung, một cải biên cho dàn nhạc dây, trống thunder với sự hỗ trợ của tay trống Hal Blaine. Phần sản xuất hoàn hảo cho một giai điệu sẽ làm xoa dịu những con tim khốn cùng.
Những ký ức khác nhau
Vào đầu năm 1969 này, Simon đã gắn bó với Art Garfunkel 16 năm. Giữa họ có những mâu thuẫn nhưng khi có nhạc mới, Simon luôn nóng lòng muốn chơi cho Art Garfunkel nghe. Với giai điệu phúc âm và những nốt cao ngân dài hun hút, Simonnghĩ sẽ hoàn hảo với giọng cậu bé hợp xướng nhà thờ đầy thuần khiết của Garfunkel.
“Cậu ta lại không muốn hát nó” -Paul Simon cay đắng kể trên Rolling Stone năm 1973. “Cậu ta không thích nghe mình hát, cảm thấy tôi mới là người nên hát. Nhiều lần tôi đã thấy tiếc là mình không làm vậy”.
Trớ trêu là Garfunkel lại nhớ hoàn toàn khác: “Khi Paul cho tôi nghe Bridge Over Troubled Water, cậu ấy đúng đã nói nó dành cho tôi. Và tôi lập tức mê nó ngay. Đây chỉ là cách tôi nói lời cảm ơn: Cậu nói thật chứ? Vì giọng cậu nghe sẽ rất đáng yêu khi hát nó, rõ là cậu có thể hát… Thế mà câu chuyện lan truyền lại là cậu ta cảm thấy bị xúc phạm và nó trở thành cái gai giữa chúng tôi, như thể tôi đã từ chối ca khúc. Thật vô lý. Tôi không nhớ là cậu ấy khó chịu vì thái độ của tôi. Cậu nói: Không, tôi viết nó cho cậu. Tôi nói cảm ơn và bắt đầu hát nó”.
Garfunkel đã dành cả tuần để chau chuốt lại giọng của mình. Phiên khúc giữa khá dễ dàng nhưng tới phiên khúc cuối, Garfunkel phải gồng mình hồi hộp vì những nốt cao. Riêng phiên khúc đầu, sự tinh tế của nó giống như đã bắt tay với quỷ vậy! Phải mất khá nhiều phiên mới thu xong.
Sau 2 tuần miệt mài, Bridge Over Troubled Water từ một cuộc dạo chơi nhà thờ biến thành thần khúc tráng lệ khiến những người tham gia phải bật khóc. Dù độ dài 5 phút có thể khiến chẳng đài nào muốn phát (là lý do từng khiến Bohemian Rhapsody bị EMI từ chối) nhưng người đứng đầu Columbia Clive Davis nói chắc như đinh đóng cột: “Đây sẽ là đĩa đơn đầu tiên, ca khúc đầu tiên và là chủ đề của album”.
- Paul Simon, Yo-Yo Ma cùng đoạt giải Âm nhạc Polar 2012
- Paul Simon kỷ niệm “sinh nhật” album Graceland
Kết quả, Bridge Over Troubled Water trở thành hit lớn nhất của Simon & Garfunkel, đứng6 tuần ở vị trí No.1 Mỹ, 3 tuần ở Anh và nhiều quốc gia khác. Nó càn quét Grammy năm 1971, giành tới 6 giải trong đó có Ca khúc của năm và Bản thu của năm. Ca khúc bán được 6 triệu bản, được dịch sang nhiều thứ tiếng (bản tiếng Việt tên Chiếc cầu mong manh), được trình diễn nhiều bậc nhất thế kỷ 20 với hơn 50 nghệ sĩ tên tuổi cover, bao gồm Johnny Cash, Annie Lennox, Bonnie Tyler, Elvis Presley và Aretha Franklin.
Trớ trêu thay, bài hát về tình bằng hữu này lại là giọt nước tràn ly khiến Paul Simon & Art Garfunkel tan rã vào năm 1970. Như Simon nói: “Nhiều lần trên sân khấu, khi tôi ngồi sang một bên và Garfunkel hát nó, mọi người sẽ giậm chân và cổ vũ vào lúc kết thúc còn tôi thì nghĩ: Đó là ca khúc của tôi, người ạ. Cảm ơn rất nhiều. Tôi đã viết nó. Hồi những ngày đầu, khi mọi thứ suôn sẻ, tôi không bao giờ nghĩ kiểu đó, nhưng cuối cùng, khi mọi thứ trở nên căng thẳng, tôi đã thành vậy”.
Garfunkel thừa nhận: “Chúng tôi rất mạnh mẽ trong quan điểm âm nhạc của mình và có nhiều khác biệt, nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ được vẻ quý ông lịch lãm. Tôi đã hát nó 6.400 lần. Và mỗi lần, tôi lại chiêm ngưỡng thêm một chút sức mạnh của ca khúc lớn đó. Để nói: Dù bạn là ai, nếu bạn cần một chút an ủi, tôi sẽ cố gắng trở thành khoảnh khắc ngọt ngào của bạn; điều này mới choáng ngợp làm sao. Là người may mắn được chọn để biểu lộ điều này, lần nào tôi cũng xúc động vô cùng”.
Ca khúc được biểu diễn nhiều bậc nhất thế kỷ 20 “Bridge Over Troubled Water”:
Như Tom và Jerry Vào năm 1953, 2 cậu học sinh 11 tuổi là Paul Simon và Art Garfunkel lần đầu gặp nhau ở trường. Họ nhanh chóng trở thành bạn thân, có thể dành hàng giờ bên nhau để nghe nhạc và thậm chí chia nhau điếu thuốc đầu tiên. Sau khi cùng diễn trong vở kịch Alice In Wonderland ở trường, họ quyết định lập nhóm hát đôi. Đĩa đơn đầu tay Hey Schoolgirl của họ ra mắt chỉ 3 ngày sau sinh nhật 16 của Simon. Ngay lập tức, họ được hãng đĩa Big Records săn đón. Chủ hãng đĩa Sid Prosen đã tiếp cận Simon và muốn ký hợp đồng solo với anh. Garfunkel - trong tâm thế chỉ là ca sĩ còn Simon nắm hết mọi lá bài - cảm thấy bị phản bội, bị bỏ rơi và từ đó luôn sống trong ngờ vực, dần lớn thành giận dữ. Simon, người tưởng chừng có tất cả mọi thứ lại cay nghiệt vì những lý do khác mà như anh liệt kê là: “Lùn. Không có được chất giọng như ý. Không có được vẻ ngoài mong muốn. Có một mối quan hệ thảm hại”. Thế nhưng, Prosen đúng là tiên tri khi định đặt tên nhóm là Tom & Jerry: Simon và Garfunkel dù luôn xích mích nhưng lại không sống thiếu nhau được. Sau thành công của hit lớn nhất Bridge Over Troubled Water, ngay năm sau, họ chính thức tan rã. Thế nhưng, tính tới nay, họ đã 7 lần tái hợp. Năm 1990, khi được giới thiệu vào Đại sảnh danh vọng Rock and Roll, khi Garfunkel cảm ơn Simon vì đã là “người làm phong phú đời tôi nhất bằng việc đưa những ca khúc qua tôi”, Simon đáp: “Garfunkel và tôi hầu như chẳng đồng tình với nhau việc gì. Nhưng đúng là vậy, tôi đã giúp cuộc đời cậu ấy chút ít phong phú”. Gần nhất, năm 2015, Garfunkel muốn tái hợp lần nữa nhưng vì Simon không muốn, Garfunkel không ngần ngại gọi bạn là “đồ đần” vì đã rời bỏ đỉnh cao của thế giới. Đáp lại, Simon nói ngắn gọn lý do: Vì không thấy vui. Năm 2018, Simon tuyên bố nghỉ hưu, không đi lưu diễn nữa. |
Thư Vĩ (tổng hợp)
Tags