(Thethaovanhoa.vn) - 45 năm sau khi Lý Tiểu Long đột tử, nhà báo kiêm nhà văn best-seller Matthew Polly đã tung ra cuốn tiểu sử mới về huyền thoại võ thuật này, mang tựa đề Bruce Lee: A Life, trong đó Polly còn đưa ra giả thuyết mới, trái ngược với kết luận căn bệnh phù não là nguyên nhân cái chết của Lý Tiểu Long.
- Khởi quay phim tiểu sử về Lý Tiểu Long thời trẻ
- Những câu tự răn bản thân của Lý Tiểu Long
- Bộ ảnh đời thường siêu hiếm về ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long
Lý Tiểu Long qua đời đột ngột vào ngày 20/7/1973 và hiện vẫn là một trong những nhân vật danh tiếng nhất của Trung Quốc. Những bộ phim của Lý Tiểu Long đã "mở màn" cho thể loại phim kung-fu, biến võ thuật trở thành một hiện tượng toàn cầu và đưa danh tiếng của nền điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc) ra toàn thế giới.
"Không bao giờ ngồi yên" từ nhỏ
Lý Tiểu Long còn là một trong những ngôi sao đã khuất kiếm được nhiều tiền nhất dù khi sinh thời ông chỉ mới tung ra 3 bộ phim võ thuật, gồm Đường Sơn đại huynh (The Big Boss - 1971), Tinh võ môn (Fist Of Fury - 1972) và Mãnh long quá giang (Way Of The Dragon - 1972).
Hai bộ phim khác là Long tranh hổ đấu (Enter The Dragon -1973) và Tử vong du hý (Game Of Death - 1978) được phát hành sau khi ông qua đời, ở tuổi 32.
Cuốn tiểu sử của Polly là một tư liệu rõ ràng về cuộc đời Lý Tiểu Long, hiện tượng võ thuật toàn cầu, cầu nối giữa các nền văn hóa phương Đông và phương Tây, phá bỏ những định kiến về người châu Á và người Mỹ gốc Á.
Sau nhiều năm nghiên cứu về Lý Tiểu Long, hơn 100 cuộc phỏng vấn gia đình, bạn bè, đối tác kinh doanh và thậm chí cả nữ diễn viên được cho là tình nhân của Lý Tiểu Long là Đinh Bội, Polly đã xây dựng một chân dung phức tạp nhưng đầy nhân văn của biểu tượng võ thuật.
Trong cuốn Bruce Lee: A Life, Polly đã mô tả sinh động cách Lý Tiểu Long làm chủ và nâng cao các loại hình võ thuật khác nhau với một tiểu sử chính xác cùng những ghi chú và trích dẫn mở rộng cùng 14 trang thư mục.
Với nền tảng là phái võ Vịnh Xuân, Lý Tiểu Long bổ sung thêm những chuyển động nhanh nhẹn mà ông học được từ quyền Anh và điệu nhảy cha-cha (Lý Tiểu Long từng là vũ công vô địch thời còn trẻ).
Lý Tiểu Long (tên thật là Lý Chấn Phiên) sinh năm 1940 ở Mỹ trong thời gian đoàn opera của cha ông lưu diễn ở đất nước này nhằm gây quỹ cho phong trào kháng chiến ở Trung Quốc.
Lý Tiểu Long và cha mẹ ông trở về Hong Kong khi ông mới 3 tháng tuổi. Ngay từ nhỏ, Lý Tiểu Long đã là một đứa trẻ hiếu động, không bao giờ ngồi yên. Lý Tiểu Long thường gây phiền muộn cho gia đình do chẳng chịu học hành gì, toàn gây sự đánh nhau với các cậu bé người Anh.
Nhờ mối quan hệ của cha, Lý Tiểu Long bắt đầu đóng phim từ khi nhỏ, thường đóng vai một kẻ gây rối. Lý Tiểu Long còn lập một nhóm toàn học trò bị đuổi học sau khi dùng dao đe dọa thầy giáo thể chất và bắt một cậu bé phải tụt quần và bôi màu đỏ vào phần kín.
Sau khi bị đuổi học, Lý Tiểu Long được gửi tới Seattle để làm bồi bàn tại một nhà hàng Trung Quốc. Sau đó, Lý Tiểu Long theo học kịch tại Trường Đại học Washington tham gia các lớp luyện thể chất như judo, thể dục dụng cụ và khiêu vũ.
Sau đó, Lý Tiểu Long mở một chuỗi lớp dạy võ, gặp gỡ các diễn viên Hollywood như Steve McQueen, người đã được Lý Tiểu Long dạy võ và góp phần đưa ông trở thành ngôi sao.
Giả thuyết mới về cái chết
Đặc biệt, trong cuốn Bruce Lee: A Life, Polly đã nêu giả thuyết mới về cái chết của Lý Tiểu Long, tranh cãi rằng do làm việc quá sức, Lý Tiểu Long đã sụt 15% trọng lượng cơ thể trong 2 tháng cuối đời, chỉ còn 54kg.
Ngày 10/5/1973, Lý Tiểu Long đã ngã quỵ ở Hong Kong trong khi đang lồng tiếng cho phim Long tranh hổ đấu trong căn phòng không bật điều hòa nhằm ngăn âm thanh gây nhiễu trong quá trình thu âm.
Ngày 20/7/1973, tại căn hộ của bạn gái, nữ diễn viên Đài Loan (Trung Quốc) Đinh Phối ở Cửu Long, Lý Tiểu Long kêu đau đầu. Ông hút vài điếu cần sa, dùng thuốc giảm đau Equagesic và nằm ngủ vào khoảng 7h45 tối.
Khoảng 9h30 tối, Đinh Phối không thể gọi được Lý Tiểu Long dậy. Lý Tiểu Long không thể chết tại nhà người tình, bởi vậy ông đã được mặc quần áo và một bác sĩ cùng xe cứu thương đã được gọi tới nhà Đinh Bội.
Lý Tiểu Long được đưa tới bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth. Trong hơn 2 tiếng, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã cố gắng hồi sinh một người đàn ông đã chết, không ai muốn tuyên bố người con trai nổi tiếng nhất Hong Kong đã chết.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi sau đó đã có những giả thuyết về cái chết của Lý Tiểu Long, kể cả sau khi đã khám nghiệm tử thi. Cái chết của ông được kết luận là sưng não bất thình lình do phản ứng dị ứng khi sử dụng cần sa với thuốc giảm đau.
Nhưng Polly lại đưa ra nhận định mới rằng Lý Tiểu Long đột tử do sốc nhiệt. Trong lần gục quỵ đầu tiên, Lý Tiểu Long đã đổ mồ hôi, sốt cao, nôn mửa, mất ý thức và đó là những triệu chứng của sốc nhiệt.
Được biết, trước đó vài tháng Lý Tiểu Long đã cắt bỏ các tuyến mồ hôi ở nách (vì cho rằng xuất hiện trên màn bạc nách ướt sũng mồ hôi trông không đẹp mắt), bởi vậy khả năng tiêu tan nhiệt của ông bị giảm đáng kể.
Việt Lâm (lược dịch)
Tags