Bức tranh 2 người chung một mắt

Thứ Bảy, 24/09/2022 06:51 GMT+7

Google News

"Bức tranh tôi vẽ để thiết kế bìa cho cuốn sách là chân dung hai nhân vật một nam, một nữ lồng vào nhau... Hai nhân vật chung một mắt, cũng có thể hiểu là cùng nhìn về một hướng..." - họa sĩ Lê Thiết Cương, người vẽ bìa cho cuốn tiểu thuyết Hương chia sẻ. Là "tri âm" của Nguyễn Thụy Kha, anh có góc nhìn đặc biệt về cuốn sách này. Xin giới thiệu góc nhìn của anh - một họa sĩ - về một tiểu thuyết.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Kiến tạo một 'vũ trụ yêu'

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Kiến tạo một 'vũ trụ yêu'

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha bước vào cuộc rong ruổi thơ ca từ những năm 80 của thế kỷ trước, và nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu tay: Những giọt mưa đồng hành (1987). Sau tổng cộng 12 tập thơ khác nhau, với nhiều giải thưởng khác nhau, lần này anh dự kiến cho ra mắt cùng lúc hai tập thơ nữa: Mây và Cưng, nâng tổng số tập thơ đã xuất bản lên con số 14.

"Hương, nhân vật nữ chính cũng là tên của cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Thụy Kha.Lĩnh, một người lính, người yêu của Hương, có con với Hương. Nhưng chiến tranh, chính xác là đạn bom, máu lửa, “đỏ lửa” của 81 ngày đêm mùa Hè, “mùa Hè đỏ lửa”khốc liệt trong trận đánh ở thành cổ Quảng Trị đã xé tan,chia cắt họ mãi mãi. Và Bao, người bác sĩ ở phía bên kia chiến tuyến, người đã cứu chữa cho Lĩnh khi Lĩnh bị thương, người đã trở thành chồng của Hương, bố của đứa con chung của Hương và Lĩnh…

Tam giác Hương - Lĩnh - Bao là tam giác tình yêu. Tình yêu trong chiến tranh. Đó là một đề tài lớn trong văn học từ Một thời để yêu, một thời để chết của Erich Maria Remarque, Cuốn theo chiều gió của M. Mitchell, Bác sĩ Zhivago của B. Pasternak đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh v.v... Nhưng đề tài chỉ là nguyên liệu. Nghệ thuật là ở cách viết, cách vẽ, cách hát, cách kể chuyện ấy, đề tài ấy, chứ nghệ thuật không nằm trong đề tài.

Chú thích ảnh
Bìa tiểu thuyết "Hương" do Lê Thiết Cương vẽ

Cách kể của Nguyễn Thụy Kha pha trộn giữa hư cấu và phi hư cấu, tự sự và đồng hiện. Bản thân ông cũng là một người lính trực tiếp tham gia những ngày đêm ác liệt ở Quảng Trị. Hồi ức, kỷ niệm ấy đã qua nửa thế kỷ nhưng làm sao quên được. Hư thực đồng hiện trong nhau, quá khứ chiến tranh và hiện tại là hòa bình ở trong nhau. Nếu coi chiến tranh là một con đường thì dứt khoát điểm cuối của con đường ấy phải là hòa bình. Nguyễn Thụy Kha có viết cuốn tiểu thuyết chiến tranh này khốc liệt đến đâu thì cũng là để hy vọng không bao giờ còn chiến tranh nữa. Tác giả không nói ra nhưng người đọc ngầm hiểu thông qua tính cách, số phận của những nhân vật ấy là câu chuyện hòa giải. Hòa giải bằng tình yêu, tình người. Khi bác sĩ Bao băng bó vết thương cho Lĩnh, đấy là hòa giải tự nhiên, hòa giải ngay khi chiến tranh đang diễn ra, hòa giải như không. Chỉ có hòa giải mới là liều thuốc duy nhất để băng bó, chữa lành vết thương hận thù. Hòa giải bằng cái đẹp, cái đẹp của nghệ thuật, thi ca và âm nhạc (cả Lĩnh và Bao đều mê nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, thơ của Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yênvà họ đều cùng yêu Hương). Cái đẹp là một quyền lực, là một sức mạnh đặc biệt. Nó có định nghĩa riêng của nó. Nó đi thẳng từ trái tim đến trái tim, từ lòng người đến lòng người. Nó nói chuyện gì thì cũng là chuyện người, thân phận một dân tộc là thân phận con người. Chuyện chiến tranh, chuyện hòa bình cũng là chuyện con người. Nói cách khác, văn chương nghệ thuật nào mà chả đánh cược vào thân phận con người.

Bức tranh tôi vẽ để thiết kế bìa cho cuốn sách là chân dung hai nhân vật một nam, một nữ lồng vào nhau, đồng hiện, ẩn hiện trong nhau với tông màu chủ đạo là màu xanh hòa bình và màu vàng nhạt của bình minh, của nắng sớm mai. Hòa bình, bình minh, hy vọng… Hai nhân vật nhưng chỉ có một mắt, chung một mắt, cũng có thể hiểu là cùng nhìn về một hướng, cùng hy vọng về ngày hòa giải mà hôm nay đã có những tia nắng - tín hiệu bình minh như chủ đề tư tưởng của cuốn sách.

9/2022

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›