Cuộc khủng hoảng năng lượng đã bao trùm khắp châu Âu trong năm 2022 kể từ Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi đầu năm và những tác động nghiêm trọng của nó được cảm nhận ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế ở các nước EU.
Bức tranh năng lượng u ám được dự báo sẽ còn tồn tại cho đến khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được giải quyết.
Châu Âu chịu tác động nghiêm trọng từ khủng hoảng năng lượng
Cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi đầu năm 2022 đã đẩy giá năng lượng tăng tới 40,8% so với cùng thời điểm này năm 2021. Đặc biệt là giá khí đốt, giá điện và giá dầu, tăng mạnh tại châu Âu. Giá khí đốt tại thị trường châu Âu có thời điểm cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 15 lần.
Từ cuối tháng 8/2022 đến nay, việc tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã tạm khóa van đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc I, được coi là tuyến đường huyết mạch cung cấp khí đốt cho châu Âu, tiếp tục đẩy giá khí đốt tại đây tăng vọt lên tới 3.500 euro/1.000 m3. Thậm chí ngay cả khi tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc I nối lại bình thường sau khi hoạt động bảo trì - lý do dẫn đến việc gián đoạn - kết thúc, công suất vận chuyển của Dòng chảy phương Bắc I cũng chỉ bằng 20% công suất tối đa thời kỳ trước.
Phụ thuộc vào thị trường khí đốt, giá điện ở châu Âu tăng liên tục. Giá năng lượng “điên đảo” khiến giá hàng hóa leo thang không ngừng, dẫn đến lạm phát cao ở nhiều nước EU. Lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9/2022 đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới, làm tăng sức ép đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc nâng lãi suất. Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 30/9 cho thấy giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 9 tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, sau khi ghi nhận mức tăng 9,1% trong tháng 8 - mức tăng cao nhất kể từ khi Eurostat thực hiện thống kê về lạm phát. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 tăng mạnh chủ yếu do giá năng lượng tăng cao. Cho dù, tỷ lệ lạm phát Khu vực Eurozone trong tháng 11 đã giảm xuống 10%, thấp hơn mức cao kỷ lục 10,6% ghi nhận tháng 10, thế nhưng mức lạm phát trên vẫn ở mức quá cao so với mức mục tiêu 2% của ECB đặt ra.
Khủng hoảng năng lượng không chỉ dẫn đến lạm phát cao ở nhiều nước EU mà các loại khoáng sản quan trọng được sử dụng trong sản xuất xe điện và cơ sở hạ tầng tái tạo cũng gặp rủi ro do giá năng lượng cao.
Khủng hoảng năng lượng cũng đang dần “bào mòn” ngành công nghiệp châu Âu. Châu Âu cần các tập đoàn công nghiệp tiết kiệm năng lượng giữa bối cảnh chi phí năng lượng ngày càng tăng cao và nguồn cung thu hẹp song các giám đốc điều hành, các nhà kinh tế và lãnh đạo các nhóm ngành công nghiệp cảnh báo rằng các công ty công nghiệp có thể sẽ phải đóng cửa, ngừng hoạt động nếu tình trạng giá năng lượng cao kéo dài. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như nhôm, phân bón và hóa chất có nguy cơ chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất vĩnh viễn sang các nơi có nhiều năng lượng giá rẻ, chẳng hạn như Mỹ.
Tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga khiến mùa Đông tại châu Âu càng lạnh giá. Để ứng phó với tình hình phức tạp, các nước EU đã tăng cường tích trữ và giảm bớt tiêu thụ. 27 nước EU đã nhất trí phối hợp lấp đầy 85% các kho dự trữ khí đốt vào tháng 11, đồng thời cam kết giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong những tháng mùa đông song thời tiết lạnh có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ trên một cách nhanh chóng và nguy cơ thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng.
Những ngày lễ cuối năm ở châu Âu cũng trở nên bớt "lung linh" bởi khủng hoảng năng lượng. Những ánh đèn rực rỡ là "linh hồn" của lễ Giáng sinh, trong khi quang cảnh trang trí đẹp mắt sẽ thu hút nhiều khách hàng. Tuy nhiên, năm nay, các nhà chức trách tại khắp các thành phố châu Âu đều phải đưa ra quy định về thời gian chiếu sáng, trong bối cảnh khủng hoảng khiến các hóa đơn tiền điện tăng cao.
Những dự báo ảm đạm
Bức tranh năng lượng u ám trong năm 2022 khiến giới chuyên gia không thể lạc quan về triển vọng thị trường năng lượng. Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và những tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này sẽ có thể kéo dài qua mùa Đông và chắc chắn còn tồn tại cho đến khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được giải quyết.
Theo Alessandro Marangoni, một nhà kinh tế kiêm Giám đốc của Irex Monitor, tổ chức tư vấn ở Italy chuyên về lĩnh vực năng lượng, chi phí năng lượng sẽ không bắt đầu ổn định cho đến khi cuộc xung đột ở Ukraine có tín hiệu kết thúc.
Thực tế cho thấy sức ép từ giá năng lượng đã buộc chính phủ nhiều nước châu Âu phải thông qua một loạt biện pháp điều chỉnh chính sách năng lượng từ việc giới hạn giá khí đốt và điện đến việc chi hàng trăm tỷ euro giải cứu các công ty năng lượng đang gặp khó khăn, trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình, ưu tiên chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tác động của các biện pháp này chắc chắn vẫn còn hạn chế.
Để hạn chế nguồn thu nhập từ năng lượng của Nga, ngày 2/12, các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Australia và EU cũng đã đồng ý áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Mức trần này có hiệu lực vào ngày 5/12 và cùng ngày EU sẽ áp đặt tẩy chay đối với hầu hết dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo việc thực thi lệnh các lệnh trừng phạt có thể khiến một lượng dầu thô đáng kể của Nga "bốc hơi" khỏi thị trường.
Điều đó sẽ khiến giá dầu tăng vọt, các nền kinh tế phương Tây chịu nhiều ảnh hưởng, trong khi nguồn thu từ dầu của Nga vẫn có thể tăng từ bất cứ đơn hàng nào nước này vận chuyển đi bất chấp lệnh cấm vận. Các nhà phân tích tại Commerzbank cho rằng lệnh cấm vận và áp trần giá nêu trên có thể dẫn đến sự thắt chặt đáng kể trên thị trường dầu mỏ vào đầu năm 2023.
Ủy ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế EU gồm 27 quốc gia sẽ rơi vào suy thoái trong mùa Đông này, đồng thời tuyên bố rằng khối này là một trong những nền kinh tế tiên tiến dễ bị ảnh hưởng nhất trước tác động của cuộc khủng hoảng.
EC thì cho biết tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay sẽ nâng mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế nói chung trong năm 2022 lên 3,3% ở EU, cao hơn mức dự kiến 2,7% trong Dự báo tạm thời mùa Hè. Tuy nhiên, cơ quan này nhận định rằng "triển vọng tăng trưởng năm 2023 yếu hơn đáng kể và lạm phát cao hơn" so với dự báo trước đó chủ yếu do xung đột ở Ukraine và giá năng lượng tăng vọt.
Tags