(TT&VH) - Mỗi mùa giải Bùi Xuân Phái đến, các thành viên trong Ban tổ chức (BTC) và Hội đồng Giám khảo (HĐGK) lại cảm thấy một áp lực. Phải tìm ra những gương mặt, những tác phẩm, những việc làm thực sự "vì tình yêu Hà Nội", năm sau phải "mãnh liệt" hơn năm trước. Yêu một cách da diết, đau đáu như Bùi Xuân Phái đã từng yêu ấy…. Nhưng trong áp lực ấy lại thấy ngạc nhiên và bất ngờ.
1. Bất ngờ vì hóa ra, bên dưới cái vỏ bình lặng ngày thường của cuộc sống xô bồ, tình yêu Hà Nội vẫn âm thầm chảy…
Vâng, quả thực, nói đến tình yêu Hà Nội trong ngày thường này có vẻ như là điều xa xỉ, khách sáo nhất là trên mạng đang nhan nhản những câu chuyện về "thói xấu người Hà Nội" hay chuyện cãi vã ầm ĩ về người ngoại tỉnh với người "nhà quê"…
Giải thưởng Bùi Xuân Phái được trao vào ngày 31/8 hàng năm đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa nổi bật của Hà Nội.
|
Đã 2 năm rồi, sau cơn sốt 1.000 năm Thăng Long, người ta đâu còn thấy các khẩu hiệu hướng về Hà Nội giăng trên các đường phố, những dòng "tít dẫn" trên bìa các cuốn sách được tài trợ nữa, thậm chí vấn đề "hậu Đại lễ" còn được đặt ra đối với đôi ba công trình có gắn những tấm biển đồng, bia đá "kỷ niệm" ở dưới chân… Tìm "tình yêu Hà Nội" trong ngày thường, giữa những buổi chiều Hà Nội tắc đường liên miên, xe cộ đi lại bát nháo, hố tử thần "sụt toang đê vỡ" ở đường Lê Văn Lương… quả thực là khó.
Thế nhưng tất cả những sự xô bồ đó dường như chỉ là vẻ bề ngoài của một Hà Nội đang gồng mình lên để phát triển. Vẫn có một Hà Nội nguyên vẹn nằm sâu trong các con phố, dưới các mái nhà, hay trong những tấm lòng Hà Nội. Những con người nặng lòng với Hà Nội ấy, không hề ồn ào, không đao to búa lớn, không chen lấn, đôi khi họ đi nép bên lề đường một cách lặng lẽ…
2. Mỗi lần nghĩ đến sự thanh bình của Hà Nội, bao giờ tôi cũng nghĩ tới buổi sáng tinh sương bên Hồ Gươm, nơi các bà các chị tập thể dục, dưỡng sinh, dạo bộ. Họ tranh thủ sống thật chậm, hít thở thật sâu cái không khí Hà Nội "nguyên chất" chưa bị cái oi bức, ầm ào của dòng xe cộ phá vỡ.
Và trong số những người tản bộ ấy tôi lại nghĩ đến anh Nguyễn Ngọc Tiến, người đã đi "5678 bước chân quanh Hồ Gươm" để viết ra tác phẩm cùng tên. Anh viết về một vòng tròn quanh Hồ Gươm nhưng ra biết bao nhiêu cảnh đời, cảnh người Hà Nội và qua đó khúc xạ một phần lịch sử văn hóa Hà Nội. Tác phẩm đó của anh, từng được đề cử giải Bùi Xuân Phái năm 2009, nhưng không đoạt giải.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là từ ngày đó đến nay, anh Tiến vẫn không ngừng "đếm bước chân mình" quanh Hồ Gươm. Anh vẫn tiếp tục mạch khám phá Hà Nội theo cách đó, trong một tác phẩm còn lớn hơn Đi ngang Hà Nội ra mắt năm 2011 và đáng nể hơn, ngay sau đó anh lại bắt tay vào cuốn Đi dọc Hà Nội, dự kiến ra mắt vào đầu tháng 9 này.
Dạo quanh Hồ Gươm, rồi đi dọc, đi ngang Hà Nội (vậy là cả trục tung và trục hoành), những bước chân của anh không chỉ còn gói gọn trong một con số đẹp: 5678 bước chân nữa, mà có lẽ đã đặt vào các vỉa tầng văn hóa của Hà Nội.
3. Trong quá trình "khởi động" giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012, chúng tôi đã nhận ra rằng, chắc chắn không thể dồn dập thành đoàn diễu hành như dịp 1.000 năm Thăng Long, song vẫn còn rất, rất nhiều những bước chân "đi dọc, đi ngang" Hà Nội như anh Tiến. Đó có khi là câu chuyện của một họa sĩ nổi tiếng - anh Quách Đông Phương - 20 năm qua đi chụp cổng làng để rồi năm ngoái anh đã làm một triển lãm Rubic cổng làng với sự sắp đặt các bức ảnh thành các khối vuông rubic đầy ẩn ý. Hay một nhà nghiên cứu trẻ, tiến sĩ Trần Trọng Dương, đã không bằng lòng với những gì dễ nhìn thấy ở chùa Một Cột, để tìm tòi nghiên cứu về biểu tượng thân quen này của Hà Nội và mở ra một hướng nghiên cứu, dù còn gây nhiều tranh cãi, nhưng rõ ràng, nó giúp chúng ta nhìn thấy nhiều tầng giá trị của biểu tượng quen thuộc chùa Một Cột.
4. Từ khoảng dự kiến 30 đề cử cho 4 hạng mục chính của Giải thưởng Bùi Xuân Phái (Giải thưởng Lớn, giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm), qua vòng chấm sơ khảo đã loại đi gần một nửa. Vòng chung khảo, qua 2 lần chấm với những tranh luận, phản biện sôi nổi; lại qua một lần cập nhật, bổ sung đề cử nữa, đến vòng chấm thứ 3, mới đưa ra được kết quả cuối cùng cho giải thưởng. Đơn giản vì "so sánh", "định giá" nghệ thuật đã khó, so sánh tình yêu Hà Nội còn là việc khó khăn hơn.
5. Năm nay, Giải thưởng Bùi Xuân Phái trải qua một mất mát lớn khi nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc qua đời hồi đầu năm. Là người đầu tiên và duy nhất được mệnh danh là Nhà Hà Nội học, ông ủng hộ nhiệt tình sáng kiến lập Giải thưởng Bùi Xuân Phái, và trở thành một trong 6 vị giám khảo đầu tiên, đã trực tiếp tham gia vào việc xây dựng Quy chế giải thưởng hồi tháng 6 năm 2008. Đồng thời ông cũng là người đầu tiên nhận Giải thưởng Lớn - Vì Tình yêu Hà Nội năm 2009. Hà Nội mất đi một "biểu tượng sống". BGK Giải Bùi Xuân Phái cũng mất đi một "đôi mắt xanh" trong việc phát hiện, thẩm định các tác phẩm, công trình về Hà Nội.
Nhưng tình yêu Hà Nội của ông Nguyễn Vinh Phúc vẫn được tiếp nối. Bắt đầu từ năm nay, Giải thưởng vinh dự được đón nhận Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam và nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tham gia Hội đồng Giám khảo (bên cạnh đó là các giám khảo: Nhà báo Ngô Hà Thái, Phó TGĐ TTXVN, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và KTS Đoàn Đức Thành).
GS Phan Huy Lê, như nhiều người vẫn nói là một trong tứ trụ của giới sử học Việt Nam (Lâm, Lê, Tấn, Vượng), nhưng không chỉ thế, ông còn là một tấm lòng "tận trung" với Hà Nội, và cũng rất có duyên với Giải thưởng Bùi Xuân Phái. Ông đã đại diện cho nhóm các nhà nghiên cứu, khai quật, đề cử Hồ sơ Hoàng thành Thăng Long để nhận giải thưởng Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội năm 2010, và sau đó, những cống hiến của ông về Hà Nội đã đưa ông đến với "Giải thưởng Lớn - Vì Tình yêu Hà Nội" năm 2011. Nhà báo Hồ Quang Lợi trước khi là Trưởng ban Tuyên giáo Hà Nội đã có một thời gian làm Tổng biên tập báo Hà Nội mới, và trước đó là cây viết bình luận nổi tiếng của báo Quân đội Nhân dân. Dù ở cương vị nào ông cũng rất gắn bó với các Hà Nội, và thể hiện "đôi mắt xanh" đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các việc làm vì mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị của Thủ đô.
Nguyễn Mỹ