Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng: Biểu tượng chưa 'thất truyền'

07:00:00 31/08/2013

>>> Giải Bùi Xuân Phái lần 6 - năm 2013.

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa trận lụt lịch sử, nước Hồ Gươm tràn bờ, ông lão hơn 80 tuổi vẫn lầm lũi tay chống gậy, tay cầm chiếc Leica đi trong cơn bão. Ông tự nhủ, những người bạn ông, những biểu tượng về tình yêu Hà Nội như Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Văn Cao,… đã đi trọn kiếp người với tình yêu Thủ đô. Còn ông, chừng nào đôi chân chưa mỏi, chừng đó, ông còn tận hiến cho Thành phố mình mê say.


Ông là NSNA Quang Phùng, biểu tượng tình yêu Hà Nội còn sót lại của lớp văn nghệ sĩ một thời vang bóng.

Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi trao Giải thưởng Lớn "Vì tình yêu Hà Nội" cho nhà nhiếp ảnh Quang Phùng

Hà Nội, mưa và gió

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Quang Phùng không phải người hồi cố. Ông sống bằng những cảm xúc rất thật, tươi mới và chiêm nghiệm. Nửa thế kỷ cầm máy, có hai khoảnh khắc đời thường ở Hà Nội ông thích chụp nhất. Đó là những lúc mưa lớn hoặc những ngày trời Hà Nội lộng gió.

Theo Quang Phùng, mưa lớn gột rửa hết những xa hoa phù phiếm của Hà Nội trong buổi giao thời. Đó cũng là lúc, những giá trị thật, những thân phận con người lao động nhỏ bé hay những tình yêu chân chất, ngọt ngào nơi phố thị được khắc họa rõ nhất. Quang Phùng vừa say mê tả cảm nhận Bờ Hồ ngày mưa, vừa liên tay lật từng tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc rất đẹp mà ông lão đã chống gậy, đánh vật với con nước trong cơn bão số 5 vừa rồi để có được. Những bức hình ghi lại cảnh những em bé bán hàng rong tất tả chạy mưa, một vài người nước ngoài trú vội vào cổng đền Ngọc Sơn với nụ cười thích thú hay đôi trai gái dầm mưa nắm tay nhau đi quanh Bờ Hồ giữa cơn bão…

“Chụp xong những bức ảnh này, về nhà, tôi ướt như chuột. Bà nhà tôi cũng càu nhàu nhiều. Nhưng khi rửa ảnh, xem lại những khoảnh khắc đáng yêu ấy, tôi thấy khỏe cả ra” - ông lão tít mắt cười móm mém.



Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sỹ Văn Cao tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 7/12/1989 (Ảnh Quang Phùng)

Còn Hà Nội những ngày trở gió dưới ống kính Quang Phùng có nét duyên khác. Đã có thời điểm, để thực hiện chùm ảnh về vòng đời của một chiếc lá ở Bờ Hồ, ông dành cả tháng chỉ ngửa cổ lên trời chụp 2 chiếc lá bằng lăng trong từng trận gió. Từ độ chiếc lá mới lên mơn mởn, rồi thời gian mài dần nét xanh tươi nơi viền lá, tới trong lòng chiếc lá, cuối cùng là lúc chiếc lá vàng rụng trong cơn gió giao mùa. Ông kết thúc chùm ảnh bằng bức ảnh những mầm non lại nhú lên từ chính nơi chiếc lá cũ vừa rụng…

Quang Phùng thừa nhận, để sáng tác một cách tỉ mỉ như vậy, ông chịu nhiều ảnh hưởng của người Nhật. Cụ thể, trong quá trình làm việc hơn 20 năm ở Đại sứ quán Nhật, Quang Phùng có theo học nhiều khóa học về  trà đạo, thần học và cả…cắm hoa ở Nhật. Tư duy duy mỹ, cung cách làm việc miệt mài, tận tụy, tinh thần sáng tạo nghiêm túc, tỉ mẩn là những điều Quang Phùng bồi đắp được trong khoảng thời gian này.

Bên cạnh hàng vạn bức ảnh chụp nét duyên thầm của Hà Nội, Quang Phùng cũng xả thân chụp nhiều ảnh chính luận mang tính phản tỉnh mạnh mẽ. Những bức ảnh chụp con nghiện phê thuốc, hay những ống xi lanh còn đọng máu tươi vừa cắm ở gốc cây còn chưa kịp đông của Quang Phùng trong triển lãm về đề tài phòng chống ma túy năm 2004 đã tạo được hiệu ứng xã hội rất lớn.

Ngoài ảnh, ông còn viết chú thích rất tỉ mỉ sau những cuộc trò chuyện dài với con nghiện khiến xã hội nhìn họ ở một con mắt khác, bao dung và nhân hậu hơn. Chính tinh thần võ sĩ đạo ấy đã khiến Quang Phùng đặc tả được những mặt trái của sự phát triển khiến nhiều cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ để lành mạnh hóa thủ đô.

Hay triển lãm Hoa rơi mặt hồ năm 2001 của ông chụp mặt hồ Gươm với vẻ quyến rũ của muôn màu sắc hoa song lại có chút xót xa khi thẳng thắn chỉ ra vấn đề ô nhiễm tệ hại ở lòng hồ. Bởi ngoài hoa, những cọng rác được Quang Phùng cố ý để lọt vào khuôn hình đã khiến nhiều người giật mình. Sau triển lãm, một khoản kinh phí không nhỏ đã được chi ra để cải tạo nước hồ.

Bên cạnh đó, Quang Phùng còn nổi tiếng bởi những bức ảnh với đề tài những gánh hàng rong. Với Quang Phùng, những gánh hàng rong không phải là những áp lực cản trở xã hội mà ngược lại, đó chính là hình ảnh đẹp, bảng lảng chút tình của thủ đô nghìn năm. Khi Quang Phùng vừa lật cả 9 quyển ảnh dày cộp, vừa kể về thân phận của từng người bán hàng rong ở Bờ Hồ, dịch giả Thúy Toàn ngồi cạnh thở dài: Chuyện ai cũng buồn, nhưng biết phải làm sao?  


 Bức ảnh Quang Phùng chụp trong cơn bão số 5 vừa qua

Chuyện những biểu tượng tình yêu Hà Nội

Nhắc về những nét đẹp xưa cũ, Quang Phùng lại thoáng buồn nhớ về những người bạn ông, những biểu tượng tình yêu Hà Nội. Quang Phùng kể: “Những năm 1970, do làm công tác ngoại giao, thi thoảng đi xa, tôi hay có rượu ngoại mang về để mấy anh em ngồi đàm đạo. Khi ngồi với nhau, tôi, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tuân chẳng lãng mạn, say đắm nói về tình yêu như một số người trẻ bây giờ hay ồn ào. Chúng tôi gặp nhau chỉ nói chuyện đời. Mà đời ngày ấy là ngô, bánh mì, gạo nấu bánh chưng… Còn tình yêu Hà Nội nơi sâu thẳm cứ tự nhiên tuôn trào qua những sáng tác. Và tới giờ, khi các ông ấy đi hết rồi, tôi vẫn yêu theo cách như vậy thôi”.

Nhớ về những người bạn cũ, những biểu tượng tình yêu Hà Nội của một thuở đã xa, Quang Phùng bỗng trầm giọng: Hồi ấy, do đặc thù ngành nghề, Văn Cao, Nguyễn Tuân chỉ viết, nên vật liệu không chịu áp lực nhiều. Tôi chụp ảnh phục vụ đối ngoại nên cũng được Nhà nước hỗ trợ, chỉ lo sáng tác. “Vật vã” nhất vì tình yêu Hà Nội là Bùi Xuân Phái. Lúc nào cũng thiếu toan, thiếu màu, nhiều lúc ông phải vẽ trên cả bìa các-tông, vỏ bao diêm và rất nhiều vật liệu kỳ cục.

“Nhưng chưa bao giờ Bùi Xuân Phái than thở về điều kiện sáng tác. Hơn thế, dù điều kiện sống của văn nghệ sĩ hồi ấy rất khó khăn, có việc làm thêm để kiếm bánh mì nuôi gia đình là tốt rồi nhưng ông Phái vẫn cố chọn việc gì liên quan tới hội họa. Và công việc ông ấy chọn là… phụ việc kéo phông cho đoàn kịch của Thế Lữ. Nghe cũng kỳ kỳ song đó là công việc làm thêm mà tôi thấy ông Phái cảm thấy hứng thú nhất ngoài vẽ”- Quang Phùng kể.

Nghĩ về những người bạn thiên thu, Quang Phùng khó nhọc di chuyển ra góc nhà, khệ nệ lôi từ trên tủ cao xuống một cuốn sổ to. Cuốn sổ ghi lại kinh nghiệm trong những tình huống chụp ảnh khác nhau mà ông trải qua. Ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm cuốn sổ còn ăm ắp tình cảm của Quang Phùng với Hà Nội để “truyền lửa” cho thế hệ sau.

Đoạn viết về những ngày chụp chùm ảnh Hoa rơi mặt hồ, Quang Phùng chia sẻ cách chụp những cánh hoa mong manh, mà không nhàu nát khi vừa rớt xuống mặt hồ: “Sau cơn mưa, chụp buổi chiều, không năm này, thì năm khác”.

Hay đoạn khác, ông viết: “Những chiếc máy nhỏ như Leica thường phải làm việc quá sức. Chụp chừng 20 hình là nó nóng ngay. Nó cũng như tôi, miệt mài, căng sức suốt ngày. Nhưng cả máy và tôi đều được truyền một nguồn cảm hứng bất tận. Nên như máy Leica D6 vừa rồi, khi bị đọng hơi nước, tôi tắt máy khoảng 2- 3 giờ, hơi nước tan và lại sẵn sàng ghi tiếp những khuôn hình Hà Nội”.


NSNA “hè phố” Quang Phùng sinh năm 1932, tại phố Hàng Gai. Ông là con của quan đầu tỉnh với người thục nữ nức tiếng Hà Thành. Suốt trong những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, ông đã đi đầu đoàn học sinh, sinh viên, biểu tình phản đối chế độ thực dân Pháp ở Hà Nội.

Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, cả gia đình ông vào Nam, mình ông ở lại với chính quyền Cách Mạng. Cũng năm 1954, ông là một trong số ít phóng viên Việt Nam có những khuôn hình sống động về đoàn quân giải phóng trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô trong thời khắc lịch sử.
Năm 1955, Quang Phùng tham gia Ủy ban Quốc tế Giám sát Thi hành Hiệp định Geneve. Với khả năng ngoại ngữ và nhiếp ảnh, trong suốt khoảng thời gian hoạt động của Ủy ban này, Quang Phùng điều kiện để chớp được những khoảnh khắc rất “đắt” về người Hà Nội trong “những năm khẩu súng theo người đi xa” ở mọi miền Tổ quốc.
Đến năm 1970, Ủy Ban Quốc tế Giám sát Thi hành Hiệp định Geneve giải thể, nhiệm vụ chính của Quang Phùng là dùng ngoại ngữ, nhiếp ảnh và tư duy ngoại giao lão luyện để phục vụ các vấn đề đối ngoại và bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Năm 1993, ông về hưu nhưng vẫn cống hiến miệt mài trong lĩnh vực nhiếp ảnh và dạy học.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)