(Thethaovanhoa.vn) - Không khó để nhận thấy nhu cầu cần phải cải tạo, thậm chí là xây thêm những ngôi chợ truyền thống đang xuống cấp tại Hà Nội. Nhưng, chúng cần được khoác một lớp áo mới thế nào cho phù hợp với những lớp giá trị của mình?
Quá trình đô thị hóa cùng sự xuất hiện của hàng loạt siêu thị và trung tâm thương mại, đã tạo ra một sức ép rất lớn lên chợ truyền thống. Nhưng đó cũng chính là cơ hội để loại hình này tự khẳng định sức sống riêng của mình.
Nhiều năm qua, đó vẫn là câu hỏi không dễ trả lời, khi hầu hết các chợ truyền thống tại Hà Nội được xây lại (hoặc cải tạo) từ giai đoạn cuối thập niên 1980 và mang theo những hạn chế nhất định.
Từ lịch sử đến quy luật
Thực tế, điều này phụ thuộc vào lịch sử, cũng như cách hình thành các chợ truyền thống tại Hà Nội.
Như nhiều phân tích, chợ - một trong những xuất phát điểm để đô thị ra đời - thường xuất hiện dưới dạng sơ khai ở những địa điểm rộng rãi, có vị trí giao thông thuận lợi. Từ những gánh hàng đầu tiên, khi mật độ giao dịch tăng dần, lượng người mua kẻ bán dần đông hơn. Tiếp đó, lần lượt, những nếp nhà quanh chợ - hạt nhân của những khối phố đầu tiên - sẽ mọc lên, với chức năng vừa là nơi sinh sống, vừa là kho chứa hàng khi cần cho người bán...
Theo quy luật ấy, một trong những điều quan trọng nhất với kết cấu chợ là thuộc tính “mở”, tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng nhất cho cộng đồng. Và, giữa những khu nhà mãi mọc thêm vòng trong vòng ngoài, chợ chính là không gian dành cho mọi giao tiếp xã hội. Ở đó, không chỉ mua bán, người ta có thể tìm thấy hàng trăm tình huống kết nối giữa người với người, giữa hàng xóm láng giềng cùng tìm ra chợ, giữa người lạ, người quen...
Nhìn lại, chính thất bại trong việc thử “kết hợp” chợ truyền thống và hệ thống trung tâm thương mại tại Hà Nội là một bài học đáng giá về việc không nắm rõ các nguyên lý của “văn hóa chợ”. Đơn cử, việc đặt “chợ” dưới tầng hầm lập tức tạo ra một rào cản cho sự tiếp cận của người tiêu dùng so với mô hình cũ: lần lượt, họ phải gửi xe (có mất phí), rồi đi xuống hầm, sau đó mới có thể tìm đến các quầy hàng cần thiết của mình.
Ở một góc độ khác, sự tồn tại của lớp thị dân ven chợ cũng là điều ít được chú ý trong các kế hoạch xây mới, hoặc di dời chợ truyền thống. Thực tế, khi chợ phát triển tới một giai đoạn ổn định, chính lớp thị dân ấy, cùng những ngôi nhà của mình, đảm nhiệm phần “mở rộng” của lõi chợ trung tâm. Tại khu vực này, người ta có thể tìm thấy các dịch vụ vận chuyển, ăn uống, giao dịch, nghỉ ngơi, thậm chí là các đầu mối bán buôn, khi diện tích các sạp hàng trong lõi chợ không thể chứa đủ số lượng hàng cần thiết.
Nếu muốn tìm một ví dụ, chỉ cần quan sát phần “phố - chợ” liền kề các khu vực lâu năm như chợ Đồng Xuân hay chợ Hôm, chúng ta sẽ hiểu rõ về điều này. Ở đó, chợ truyền thống và các khối phố xung quanh gần như đã hòa làm một, để trở thành một mạng lưới các quầy hàng đa dạng và trọn vẹn...
“Nâng cấp” từ văn hóa
Những gì đã diễn ra cho thấy: việc cải tạo và hiện đại hóa chợ truyền thống chỉ có hiệu quả, khi chúng ta đối xử công bằng với loại hình này từ góc độ một nếp văn hóa với đủ các quy luật hình thành và phát triển. Và, nếu “văn hóa chợ” có những điểm không còn phù hợp với yêu cầu của một đô thị hiện đại, nó cần được từng bước điều chỉnh theo một lộ trình phù hợp.
Chẳng hạn, với người mua, một trong những cách “đi chợ” phổ biến hiện nay là... di chuyển bằng xe máy vào không gian này và lần lượt dừng lại trước mỗi quầy hàng. Thực tế, với bản chất của một nền kinh tế “trên yên xe máy”, ý tưởng thay đổi điều ấy luôn gây ra nhiều tranh cãi, ngay cả với trường hợp có các bãi gửi xe miễn phí dành cho người đến chợ.
“Điều này có thể khắc phục từ những thay đổi trong thiết kế chợ. Những mặt hàng phục vụ người mua có nhu cầu chỉ ghé qua vài phút như thực phẩm, rau tươi... có thể được quy hoạch để xe máy được phép ghé qua. Phần còn lại dành cho đi bộ” - bà Trần Kiều Thanh Hà, cán bộ dự án của Health Bridge, nhận xét. “Làm được vậy, lượng khách vào chợ có thể tăng thêm, nhưng sự di chuyển của các luồng xe máy cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng tới những đối tượng có nhu cầu đi bộ vào chợ như trẻ em, người già”.
Hoặc, ở thời điểm mà Hà Nội vẫn đang thiếu vắng những không gian dành cho cộng đồng, nhiều chuyên gia chỉ rõ: các chợ truyền thống nên phát huy yếu tố “không gian công cộng” sẵn có của mình, để thật sự trở thành một điểm đến của cộng đồng. Theo đó, khi cải tạo hoặc xây thêm, những quảng trường chợ cần được chú ý quy hoạch và lồng ghép với các hoạt động văn hóa phù hợp.
Thực tế, tại Hà Nội, chợ Đồng Xuân là một trong những nơi thực hiện khá tốt điều này. Vào các tối cuối tuần, khu vực quanh chợ đã thật sự trở thành một không gian mở, thu hút cộng đồng và khách du lịch với các hoạt động biểu diễn ca trù, xẩm, hát chèo hay bố trí các trò chơi dân gian.
(Còn tiếp)
Cúc Đường