(Thethaovanhoa.vn) - Vụ nữ idol Hàn Quốc Goo Hara tự tử tại nhà riêng hôm 26/5 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng người nổi tiếng rất dễ bị những suy nghĩ tiêu cực chi phối, dẫn tới hành động dại dột.
Rạng sáng ngày 26/5, sau khi nhận được điện thoại từ quản lý của Goo Hara, cảnh sát đã nhanh chóng ập tới nhà riêng của nữ ca sĩ, phát hiện cô nằm bất tỉnh dưới sàn nhà. Goo Hara được cấp cứu tại bệnh viện sau đó và may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Đây chỉ là trường hợp người nổi tiếng tự tìm đến cái chết mới nhất, sau nhiều vụ việc đáng tiếc từng xảy ra trong quá khứ.
Hàng chục vụ tự tử xảy ra mỗi năm
Riêng trong năm 2018, có ít nhất 10 vụ tự tử được ghi nhận,mà nhân vật chính là người nổi tiếng.
Mark Salling, được biết đến nhiều nhất với nhân vật Puck trong loạt phim truyền hình Glee, đã qua đời vào ngày 30/1/2018 tại Los Angeles (Mỹ). Salling treo cổ tự vẫn trong lúc đối mặt với án tù vì cáo buộc tàng trữ ấn phẩm có nội dung khiêu dâm trẻ em.
Tim Bergling, được thế giới biết đến với nghệ danh Avicci, qua đời vào ngày 20/4 năm ngoái tại Muscat, Oman. Ngôi sao nhạc dance tự kết liễu đời mình với một chai rượu vỡ khi mới 28 tuổi.
Hai trường hợp người nổi tiếng tự sát gây rúng động thế giới khác vào năm ngoái phải kể đến Kate Spade, chủ nhân thương hiệu ví đình đám mang tên cô. Ngày 5/6/2018, Spade được phát hiện đã treo cổ tự vẫn ở tuổi 55.
Tiếp theo, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, người từng cùng Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam năm 2016, đã treo cổ tại phòng khách sạn ở Pháp ngày 8/6/2018.
Những nhân vật khác cũng quyết định rời bỏ cuộc đời năm 2018 có thể kể tới cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Pavel Pergl, người mẫu Playboy Stephanie Adams, nam diễn viên Verne Troyer…
Theo một nghiên cứu năm 2014 của giáo sư tâm lý học Đại học Sydney Dianna Kenny, khả năng các nhạc sĩ và ngôi sao nhạc rock nổi tiếng chết vì những nguyên nhân không tự nhiên cao gấp 5 -10 lần người thuộc ngành nghề khác. Các ngôi sao nhạc pop và rock trung bình chết trẻ hơn tới 25 tuổi so với người bình thường.
Một khảo sát khác năm 2010 của Health.com cũng tiết lộ những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đứng thứ 5 trong số 10 nhóm nghề có khả năng bị trầm cảm cao nhất. 4 nhóm xếp trên lần lượt là nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp, nhân viên dịch vụ thực phẩm, nhân viên xã hội và nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Gánh nặng của người nổi tiếng
Nhà tâm lý học lâm sàng Candice Lam, người sáng lập trung tâm trị liệu Mindcare từ năm 2008, có nhiều năm tận mắt chứng kiến những cuộc điều trị tinh thần của người nổi tiếng và đã chia sẻ về kinh nghiệm sâu rộng của mình khi điều trị cho các ngôi sao.
Dù tuyên bố giữ bí mật danh tính của khách hàng, Lam nói có tới một nửa trong số các bệnh nhân của cô là người nổi tiếng của làng giải trí, CEO ngân hàng, vận động viên chuyên nghiệp hay nhân vật danh tiếng trong giới chính trị.
Lam tiết lộ thêm rằng một số người nổi tiếng dễ bị trầm cảm và rối loạn lưỡng cực do bị truyền thông không ngừng chú ý, cũng như việc phải sống dưới sự giám sát của công chúng trong thời gian dài.
"Đối mặt với áp lực lớn hơn người bình thường, bệnh nhân của tôi hay phải chịu đựng một loạt các rối loạn tâm thần, như hoảng loạn, mất ngủ, mất kiểm soát, lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn ăn uống, hay có suy nghĩ tự tử, nghiện tình dục và có hành vi tình dục lệch lạc"- cô cho biết.
Một nhóm bệnh nhân khác của Lam cũng có thể là những người giàu thuộc thế hệ thứ hai: "Họ cảm thấy tồi tệ vì thế lực của gia đình khiến họ nổi tiếng, chứ không phải nhờ khả năng của bản thân" - Lam nói thêm.
“Những người có sự nghiệp lừng lẫy trong ngành ngân hàng hoặc các lĩnh vực khác đã hy sinh rất nhiều về mối quan hệ gia đình và yêu đương, để vươn lên vị trí dẫn đầu. Mạng lưới hậu phương của họ yếu hơn so với người bình thường" – Lam nhắc thêm một nguyên nhân khác có thể tác động xấu tới tâm lý của những người nổi tiếng và thành công.
Ngoài ra, “việc phải tiếp xúc công khai và liên tục với truyền thông cũng “nuôi dưỡng” xu hướng phải trở nên hoàn hảo, dẫn tới việc phải chịu đựng các áp lực quá lớn” - nhà tâm lý nói thêm về nỗi lo của người nổi tiếng - “Một số bệnh nhân của tôi không thể ngừng so sánh bản thân với những người khác trong lĩnh vực của họ. Họ phải chịu sự tự phê bình liên tục. Một số người rất lo lắng về cách những người khác nhìn họ, đến mức phải uống thuốc để thư giãn".
Trong số những bệnh nhân nổi tiếng mà Lam tiếp xúc, có nhiều người quá sợ hãi việc tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia nên trì hoãn quá trình này. Họ sợ rằng điểm yếu của mình sẽ bị phơi bày.
Lam nhắc tới trường hợp của Kate Spade như một ví dụ, nói rằng chị gái của Spade kể lại việc em mình biết bản thân mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Bệnh này gây ra những thay đổi bất thường về tâm trạng, năng lượng, mức độ hoạt động và khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.
"Nhưng vì lo lắng rằng quá trình điều trị y tế sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu thời trang của mình, cô đã chọn uống rượu như một lối thoát. Những cuộc đấu tranh tinh thần đơn độc cuối cùng đã thất bại và cái giá phải trả chính là mạng sống của cô ấy" - Lam nói.
Đối diện với áp lực tâm lý là điều không thể tránh khỏi trong đời bất kì ai, đặc biệt là người nổi tiếng. Cuối cùng, lời khuyên của bác sĩ dành cho những ai đang cảm thấy mệt mỏi và chới với là hãy “nuôi dưỡng niềm vui sống từ bên trong tâm hồn, thay vì tập trung quá mức vào sự nghiệp, ngừng đổ lỗi cho bản thân và chấp nhận cuộc sống không thể hoàn hảo như bạn kì vọng”.
Duy An (Tổng hợp)
Tags