(Thethaovanhoa.vn) - Việc phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời Finding Dory (Đi tìm Dory) vẫn "làm mưa làm gió" tại các rạp chiếu khiến các nhà bảo tồn lo ngại sẽ làm tăng nhu cầu tìm mua cá cảnh biển về nuôi, điều từng xảy ra khi phần phim trước đó, mang tên Đi tìm Nemo, ra mắt năm 2003.
- Đồng hồ yêu quái (Yo-kai Watch) - series phim hoạt hình ăn khách nhất thế giới 'đổ bộ' Việt Nam
- Phim hoạt hình 'Những câu chuyện không cổ tích' về trẻ em di cư
- ĐỒ HỌA: Những phim hoạt hình được đề cử giải Oscar
Bất chấp thực tế rằng bộ phim có nhắc tới khía cạnh bảo tồn, với chi tiết Nemo phải chịu đựng một thời gian ngắn bị nhốt trong bể cá của một nha sĩ, doanh thu bán loài cá này vẫn tăng mạnh, khoảng 40%, vì sức hấp dẫn của phim. Đến năm 2012, loài cá 2 màu trắng cam này là loài có lượng nhập khẩu lớn thứ 5 tại Mỹ. Trong quá trình đó, các quần thể cá hề hoang dã ở các nước như Philippines đã bị tiêu hao, các nhà sinh thái học cho biết.
"Xét theo khía cạnh nào đó, thông điệp mà phim muốn truyền tải đã bị phớt lờ" - Karen Burke da Silva, đồng sáng lập của Quỹ Bảo tồn Saving Nemo, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, chia sẻ - "Mọi người đã quá say mê vẻ đẹp và tính cách lôi cuốn của chú cá hề, tới mức họ muốn có một con cho riêng mình".
Hiện tại, Finding Dory (Đi tìm Dory), phần tiếp theo của bản gốc năm 2003, lại đang thống trị các phòng vé, điều khiến các nhà khoa học và các nhóm bảo vệ động vật lo ngại rằng sẽ khiến loài cá tang màu xanh (loài của nhân vật chính Dory trong phim) sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự.
"Nhân vật" hoạt hình Dory (màu xanh) đi bên người bạn của mình. Ảnh: MSN
Vì vậy mà Disney, công ty mẹ của hãng phim Pixar, cùng một số nhóm bảo vệ động vật như Humane Society (Xã hội nhân đạo) và For the Fishes (Vì loài cá), đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm giáo dục mọi người trong việc có trách nhiệm khi mua cá làm thú nuôi. Không giống như cá hề, cá cảnh biển (hay còn gọi là cá bắp nẻ) không thể sinh trưởng trong điều kiện nuôi nhốt.
"Loài này sẽ không thể tồn tại nếu nhu cầu tìm mua chúng gia tăng" - Rene Umberger, giám đốc điều hành của For the Fishes nói - "Số lượng loài này trong tự nhiên vốn đang trên đà suy giảm".
Bà lưu ý rằng hầu hết cá cảnh biển có thể đạt tới chiều dài khoảng 0,3 mét. Và dù tuổi thọ có thể đạt tới 20-30 năm nếu sống trong tự nhiên, hầu hết các con các thuộc loài này sẽ không thể sống quá vài năm trong điều kiện nuôi nhốt.
Ngoài ra, việc săn bắt cá hề và cá cảnh biển cũng gây ra nhiều hậu quả tiêu cực về môi trường, do những người đánh bắt loài cá này thường sử dụng chất độc xyanua, khiến các rặng san hô và một số loài động vật khác xung quanh bị giết chết, chưa kể tới nguy cơ bệnh tật và thậm chí tử vong đối với chính những con cá hề hoặc cá cảnh biển bị bắt.
Humane Society và For the Fishes vừa tung ra một ứng dụng điện thoại di động nhằm cung cấp cho người dùng thông tin về việc nuôi cá, đồng thời sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc lùng mua cá cảnh biển làm vật nuôi. Quỹ Bảo vệ Nemo cũng tạo ra một chiến dịch trên Instagram, khuyến khích mọi người gửi hình ảnh hôn các loài cá theo hashtag # FISHKISS4NEMO (Hôn cá vì Nemo) như một cách để thu hút sự chú ý của cộng đồng tới vấn đề bảo tồn.
Về phần mình, Disney đang phân phối một cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật số về "trách nhiệm khi nuôi cá" và hợp tác với các cửa hàng như PetSmart và Petco để thông điệp và các tài liệu của họ có thể được trưng bày ở lối đi tại đó. Hãng phim cũng hợp tác với khu thủy cung Monterey Bay để làm một video về cách chọn nuôi cá tại nhà. Họ sẽ phát hành đoạn phim trên kênh truyền thông xã hội của mình trong tuần này. Ngoài ra, Disney cũng đang làm việc với Hiệp hội các Vườn thú và Bể cá để xây dựng một chương trình hỗ trợ bảo tồn cá cảnh biển bền vững.
Dưới đây là trailer (đoạn giới thiệu phim) của Finding Dory:
Duy An
Theo MSN
Tags