Ca khúc 'Basket Case' của Green Day: Tuổi trẻ lạc lối và nhận thức muộn màng

Chủ nhật, 26/12/2021 19:19 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khi được hỏi làm thế nào để trở lại tuổi trẻ, Oscar Wilde - qua giọng một nhân vật trong Chân dung của Dorian Gray - đã trả lời: Hãy tạo ra những sai lầm. Sai lầm là một đặc ân của tuổi trẻ bởi với tương lai và sức mạnh tuổi trẻ đó, sai lầm nhiều cơ hội sẽ trở thành thành tựu lớn của đời người. Basket Case của Green Day chính là một ví dụ cho điều này.

Bị tẩy chay vì thản nhiên sau cái chết của nghệ sĩ xiếc, Green Day chính thức lên tiếng

Bị tẩy chay vì thản nhiên sau cái chết của nghệ sĩ xiếc, Green Day chính thức lên tiếng

Ban nhạc Green Day đã đáp trả những chỉ trích mình phải đối mặt vì thản nhiên biểu diễn ngay sau khi một nghệ sĩ xiếc tử vong do gặp sự cố trên sân khấu.

Basket Case, một ca khúc về sự hoảng loạn, đã thật sự đưa Green Day vào hoảng loạn sự nghiệp: Họ được tâng lên trời rồi dìm xuống vực. Nhưng như người xưa nói, sự thật là con gái của thời gian. Chỉ có thời gian mới trả lại giá trị thật của Basket Case.

Chứng rối loạn hoảng sợ

Album thứ 2 của Green Day, Kerplunk (1991) sẽ là một thành công ngầm. Bán hết 10.000 bản trong ngày đầu, đó là thành công rực rỡ nhất của hãng đĩa Lookout! khi đó, nhưng theo thời gian, nó còn trở thành album bán chạy bậc nhất lịch sử indie, nằm trong Top những album indie vĩ đại nhất mọi thời đại.

Tuy vậy, quay lại những năm đầu thập niên 1990, album chỉ mang lại thành công tầm trung cho Green Day.

Trước khi phát hành Dookie (1994), album sẽ thật sự đưa Billie Joe Armstrong - ca sĩ, guitar, sáng tác của Green Day - vào guồng quay của ngôi sao nhạc rock với xe buýt tầng đi lưu diễn và khách sạn 5 sao, anh sống trong tầng hầm của nhà sinh viên đổ nát của Đại học California, Berkeley. Tầng hầm này không chỉ là nơi Armstrong ăn, ngủ, hút mà còn như đại bản doanh của Green Day.

Chú thích ảnh
Hình ảnh ngơ ngác của Billie Joe Armstrong trong “Basket Case”

Những chiếc ống hút, hộp pizza rỗng và chiếc ghế dài xập xệ là nhân chứng cho những cuộc tụ tập triền miên của cả 3 chàng trai trẻ, nơi từ đây họ gọi tới các hãng thu âm, tập dợt nhạc và phục hồi sau lịch trình lưu diễn của mình. Đó là nơi Armstrong viết Basket Case trên cây guitar Fernandes màu xanh của mình. Khi đó, anh 22 tuổi và gần như phát điên.

Từ “Basket Case” vốn dùng để chỉ những người đang ở trạng thái thần kinh căng thẳng quá độ đến mức không thể hoạt động bình thường được. Nó bắt nguồn từ Thế chiến I trong quân đội Anh, khi một binh sĩ bị thương, mất chân tay và được khiêng đi trong một cái giỏ.

“Tôi đã bị chứng rối loạn hoảng sợ trong cả đời mình. Tôi đã nghĩ mình mất trí” - Armstrong giải thích sau này. “Cách duy nhất để tôi có thể biết cái quái gì đang diễn ra là viết một ca khúc về nó. Mãi nhiều năm về sau, tôi mới biết mình mắc chứng rối loạn hoảng sợ”.

Như vậy, Basket Case là cuộc tấn công vào trầm uất của một “gã khờ làm lố” đang không biết mình bị hoang tưởng hay say thuốc. “Đôi khi tôi tự tạo cho mình những thứ quái đản, đôi khi tâm trí lại giở trò với tôi” - Armstrong hát ở điệp khúc - “Tất cả cứ thế dồn lại, tôi nghĩ mình đang vỡ vụn ra…”.

Không riêng Armstrong, cả tay bass Mike Drirnt cũng dễ lên cơn hoảng loạn và lo âu. Các triệu chứng cực đoan khiến họ sợ sẽ đánh mất mình. Punk là một lối thoát tuyệt vời bởi khái niệm xa rời thế giới cũng là chủ đề đóng đinh của dòng nhạc này.

Chú thích ảnh
“Basket Case” từng khiến sự nghiệp của Green Day lên bờ xuống ruộng nhưng sau cùng, là một tác phẩm lớn và là một cú hích thành công

Với xuất xứ như vậy, rõ ràng là có rất ít khả năng rằng Green Day cho Basket Case là mạnh hơn các hit tiềm năng khác trong Dookie. Càng không có bằng chứng nào cho thấy họ biết nó sẽ trở thành hiện tượng ra sao. Nếu biết, có khi họ chẳng bao giờ thu âm nó.

Basket Case không phải dạng thành công một sớm một chiều. Khi lần đầu phát hành vào năm 1994, đĩa đơn này đứng ở vị trí 55 trên BXH Anh trước khi chìm vào quên lãng, trong khi album Dookie lờ đờ ở vị trí 141 trên Billboard Mỹ.

Tuy nhiên, MV mang bối cảnh nhà thương điên phát trên MTV và màn biểu diễn điên loạn của Green Day ở Wookstock năm 1994 phần nào đã giúp ca khúc có một lượng khán giả trung thành. Thu hết động lực, ban nhạc tái phát hành đĩa đơn ở Anh (nơi nó vươn lên No.13 vào tháng 2/1995) và tạo dựng được chỗ đứng vững chãi với suất diễn bốc lửa ở liên hoan Reading mùa Hè năm đó.

Cả 2 bờ Đại Tây Dương đều đang nhảy theo giai điệu của Green Day.Nhưng coi thành công của Basket Case là nhờ chiến dịch tiếp thị thì hoàn toàn sai lầm. Nó là thánh ca pop punk hoàn hảo, những cú đập 3 hợp âm bùng cháy từ đầu tới cuối khiến mọi người bị cuốn theo không thể chối từ. “Tôi thậm chí còn chẳng hát lời nữa” - Armstrong chia sẻvề phản ứng của khán giả với ca khúc - “Mọi người tự hát theo cách của họ”.

Ý thức về chủ nghĩa quân bình này có nghĩa là Basket Case có thể được yêu thích bởi bất cứ ai. Trớ trêu thay, điều này sẽ sớm được chứng minh là sự hủy diệt.

MV lấy bối cảnh nhà thương điên của “Basket Case”:

Cơn hoảng loạn của Green Day

Nếu như Basket Case là cách để Armstrong thoát khỏi hoảng loạn thì nó lại chính là nguồn cơn gây ra sự hoảng loạn trong sự nghiệp của Green Day. Ngay giữa bão doanh thu bạch kim, Armstrong cũng nhận thấy cơn bão sắp tới.

Trước Basket Case, Green Day là một ban nhạc thành công khiêm tốn, những người tuân theo từng từ trong tín điều về punk, chơi ở những tụ điểm mà ngày trẻ họ hay tới nghe (như Gilman Street ở Berkeley). Giờ đây, họ chơi những chuyến lưu diễn sân vận đông với những kẻ mông muội chè chén, đánh nhau và bỏ đi sau Basket Case.

“Khi ca khúc ra mắt, chúng tôi không kiểm soát được ai sẽ thích nó” - tay trống Tré Cool nhớ lại. “Từng có đoàn lính thủy đánh bộ nói: Ngầu đấy, các bạn là ban nhạc yêu thích chết tiệt của tôi. Vì không thể kiểm soát được, nên ta chỉ có thể: Dù thế nào thì cũng thật tuyệt vời. Chúng tôi chơi quá nhiều chương trình kiểu đấu trường La Mã. Tất cả những sân băng quanh châu Âu, Mỹ và Canada. Rồi tới lúc, nó trở nên vô nghĩa. Các chương trình trở thành: Nào, chơi Basket Case lần nữa thôi”.

Nếu ca khúc giúp Green Day có đông khán giả hơn, nó lại chẳng giúp tăng lượng hâm mộ punk kỳ cựu. Nhiều người hâm mộ trung thành đã lên tiếng lo ngại khi ban nhạc rời hãng Lookout! vào năm 1993 để ký với Reprise. Với những đĩa đơn dễ dãi điên rồ để thoát khỏi underground, chính Armstrong cũng thấy mình đang đi quá đà. Người hâm mộ thì cười khẩy. Báo chí ẩn ý khi hỏi đĩa mới có cháy hàng không.Ngay cả Gilman Street cũng quay lưng với những đứa con hoang đàng của mình, thông qua một thông điệp nặc danh vẽ trên tường nhà tắm: “Billie Joe phải chết”.

Bị đặt giữa cơn cuồng loạn của mainstream và sự khinh khỉnh từ underground, không ngạc nhiên khi Green Day điên cuồng chống lại chính Dookie. Họ sẽ không lặp lại một Basket Case nữa. Và đúng như vậy, album Insomniac (1995) tăm tối hơn, ít phổ thông hơn với thông điệp bữa tiệc đã kết thúc. Đó là giai đoạn tạm lắng trong sự nghiệp của Green Day mà chỉ kết thúc với sự ra mắt của American Idiot và khó có thể lay chuyển cảm giác rằng Armstrong đang nỗ lực bù đắp cho người hâm mộ punk. Bão tan và Green Day lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Nhận thức muộn màng

Sau khi trở thành ca khúc MTV được yêu thích bậc nhất thập niên 1990, Basket Case bị chính cha đẻ thất sủng trong một thời gian dài, bất chấp thực tế rằng nó là một ca khúc hay. Tuy nhiên, giờ đây, Green Day tuyên bố rằng họ thích chơi lại Basket Case lần nữa. Một phần có lẽ nhờ chuỗi đĩa đơn phát hành sau American Idiot đã giảm bớt áp lực về định danh và Green Day cũng đủ trưởng thành để không cần bám vào những nguyên tắc thời trẻ. Nhưng phần lớn hẳn là bởi Billie Joe Armstrong cuối cùng cũng chấp nhận rằng đó là ca khúc tuyệt vời để khiến đám đông phát cuồng.

Cũng như người ta vẫn nói, sự nhận thức muộn màng bao giờ cũng chính xác nhất.“Bây giờ nó là về những người khác” - Amstrong nói với Rolling Stone năm 2014 - “Tôi nhìn vào mọi người khi chúng tôi chơi ca khúc này, thấy họ đang có thời khắc của riêng mình. Khi đó, chính tôi lại trở thành khán giả”.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›