Ca khúc 'I Will Always Love You': Mãi mãi nghĩa là chẳng bao giờ…

Chủ nhật, 19/05/2019 07:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dolly Parton đã trở lại bên Porter Wagoner trong những giờ cuối cùng của đời ông vào năm 2007. Bên giường của người sắp ra đi mãi mãi, Dolly một lần nữa và là lần cuối, hát I Will Always Love You cho người đặc biệt, như lời vĩnh biệt thứ hai trong đời của họ.

'Jolene' - cơn ghen 'tế nhị' của Dolly Parton

'Jolene' - cơn ghen 'tế nhị' của Dolly Parton

Sự xuất hiện của một cô bồ nhí có thể trở thành cú “dội bom” vào mối quan hệ của cặp vợ chồng. Với Dolly Parton thì khác, “kẻ thứ ba” với mái tóc đỏ quyến rũ ấy không những không “công phá” được mối quan hệ của cô mà ngược lại,đem đến cho Dolly một “bom tấn” để đời.

Có ý nghĩa gì nữa không khi thốt lên câu “I will always love you” (Em sẽ luôn yêu anh) vào giây phút biết sẽ phải chia xa?

Em sẽ ra đi, nhưng em biết…

Trước đó 34 năm, vào năm 1973, khi Dolly lần đầu hát I Will Always Love You cho Porter nghe, đó cũng là thời điểm trước khi bà nói lời từ biệt ông.

Khi ấy, Dolly đang muốn rời The Porter Wagoner Show, một chương trình về nhạc đồng quê của Porter. Bà đã cộng tác với ông từ năm 1967 và ngay từ đầu, đã nói sẽ rời đi sau 5 năm. Trong một thời gian dài, bà ở bên ông, “học hỏi được nhiều điều từ Porter”, thường xuyên tranh cãi, đối đầu, “nhưng chúng tôi yêu nhau”. Một tình cảm khó định nghĩa, xuất phát từ đam mê chung với âm nhạc cũng như sự kính trọng về nghề nghiệp dành cho nhau.

Chú thích ảnh
Porter Wagoner đã khóc khi Dolly Parton hát "I Will Always Love You" cho ông vào năm 2007, năm ông qua đời

Sau 7 năm, họ đã có nhiều bản song ca đình đám, một chương trình thành công; tuy vậy, bà muốn rời đi bởi sau cùng, đây là chương trình của ông. Đó là một quyết định khó khăn bởi “Làm sao tôi có thể làm anh ấy hiểu rằng tôi đánh giá cao mọi điều thế nào, nhưng tôi vẫn phải ra đi? Anh ấy sẽ không nghe đâu. Anh ấy sẽ không chấp nhận lý do tôi muốn ra đi”. Rồi bà về nhà và chợt nghĩ: “Ồ, mình giỏi nhất cái gì? Mình viết nhạc”. Thế là bà ngồi xuống và bắt đầu viết I Will Always Love You.

Thế nên, ca khúc mới bắt đầu bằng những nuối tiếc: “Nếu như em ở lại/ Em sẽ chỉ cản đường anh thôi/ Thế nên em sẽ ra đi nhưng em biết/ Em sẽ luôn nghĩ về anh trên mỗi bước đường đời”.

Ngay ngày hôm sau, bà mang ca khúc tới văn phòng và nói với Porter: “Porter, ngồi xuống đi anh. Em mới viết cái này. Em nghĩ anh cần phải nghe nói”. Rồi bà bắt đầu hát I Will Always Love You còn ông bắt đầu bật khóc. Đó là “Ca khúc đẹp nhất em từng viết” - ông nghẹn ngào.

Sau lời từ biệt đẹp nhưng đẫm nước mắt này, hai người lạc mất nhau trong dòng đời nhưng thời gian trôi đi “Tôi luôn yêu Porter, và anh ấy luôn yêu tôi” và họ trở thành bạn tốt của nhau. Trước khi Porter qua đời, cũng vào năm 2007, họ còn biểu diễn I Will Always Love You trong đêm nhạc kỷ niệm 50 năm Nhà hát Grand Ole Opry. Trong lần tái hợp đặc biệt này, Porter lặng im ngồi nhìn người cũ và mỉm cười khi Dolly vừa lau nước mắt cho ông, vừa hát: “Vậy nên, tạm biệt anh. Xin anh đừng khóc”.

Định mệnh cho Whitney Houston

Khá lâu trước khi Whitney Houston làm nên lịch sử với bản thu I Will Always Love You, Dolly đã vài lần gợi ý Patti Labelle thử vì bà cảm thấy Patti có thể thể hiện nó rất hay. Tuy nhiên, Patti đã bỏ qua cơ hội và sau này thú nhận là cực kỳ hối tiếc khi nghe bản cover của Whitney.

I Will Always Love You dường như là định mệnh cho Whitney bởi Dolly đã từ chối cả Elvis Presley khi ông hoàng RnR ngỏ ý muốn thu lại ca khúc. Thú vị là, I Will Always Love You ban đầu cũng chỉ là một phương án thay thế với Whitney.

Năm 1992, giọng ca R&B dự định thu ca khúc What Becomes Of The Brokenhearted của Jimmy Ruffin làm đĩa đơn mở đường cho phim The Bodyguard nhưng sau khi phát hiện nó đã được dùng trong phim Fried Green Tomatoes, cô đã yêu cầu một bài khác. Chính bạn diễn Kevin Costner, người vào vai vệ sĩ/người yêu của Whitney đã gợi ý chọn I Will Always Love You và bật cho cô nghe bản thu năm 1975 của Linda Ronstadt.

Chú thích ảnh
“I Will Always Love You” cũng là lời từ biệt mà nhân vật của Whitney Houston trong “The Bodyguard” dành cho người vệ sĩ của mình

Nhưng khi nghe tin Whitney dùng bản của Ronstadt làm mẫu, Dolly đã liên hệ với nhà sản xuất David Foster, yêu cầu nhất định phải đưa thêm đoạn kết ca khúc, vốn thiếu trong bản thu của Ronstadt, mà bà thấy là rất quan trọng.

Bản thu đã lập kỷ lục Billboard Hot 100 khi đó với 14 tuần đứng đầu, là đĩa đơn bán chạy nhất của một nữ nghệ sĩ trong lịch sử âm nhạc. Theo Nielsen SoundScan, tính đến năm 2009, nó đã bán được hơn 4,5 triệu bản dù đây không phải ca khúc mới lạ khi trước đó, nó đã từng kinh qua nhiều bản thu âm, trong đó có bản của Dolly.

Whitney đã biến một bản ballad đồng quê thành một dòng thác âm thanh, có dồn nén rồi vỡ òa. Những gì với Dolly là nhạt nhòa và nước mắt diễm tình thì với Whitney là kịch tính và thiêng liêng.

Bản thân Dolly khi lần đầu nghe bản thu này, bà đã suýt nữa thì mất lái. Khi đó, bà đang lái xe từ văn phòng về nhà. Tình cờ, bà bật đài và phần a cappella mở màn vang lên: “Nếu như em ở lại…”. Khi đó bà vẫn chưa nhận ra bởi không biết Whitney đã ghi âm, nhưng rồi, “trái tim tôi như bật khỏi lồng ngực”, “một cảm giác choáng ngợp khi nghe nó được thực hiện tuyệt vời như thế. Thật vĩ đại cái cách nó được sản xuất, với giọng của cô ấy”.

Và quan trọng nhất, đoạn kết của bà đã được thực hiện đầy đủ.

Đoạn kết của “I Will Always Love You”

Rất nhiều nghệ sĩ đã bỏ qua đoạn kết của ca khúc kinh điển này. Thành ra, nó chỉ còn là: “Em phải đi, mang theo những ký ức cay đắng ngọt bùi, nhưng em sẽ luôn yêu anh”. Ngay trong bản ghi của Dolly năm 1974, nó cũng chỉ ở dạng một đoạn nói chuyện, như một lời tâm sự giữa lời hát, nên mới gây ra nhầm lẫn.

Whitney đã đưa nó lên một đỉnh cao mới, xứng đáng với kỳ vọng của Dolly về một cái kết không được phép bỏ qua. Đó là đoạn: “Em mong đời sẽ tử tế với anh/Em mong anh sẽ có được mọi điều anh mơ ước/Em mong anh vui vẻ và hạnh phúc/Nhưng trên hết, em mong anh sẽ yêu ai đó khác”.

Chẳng phải rất giống bài thơ Tôi yêu em của Puskin sao? Rằng “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.

Nhưng những lời cầu chúc và hứa hẹn khi tình yêu kết thúc để làm gì? Dù Dolly và Porter yêu mến (hay yêu?) nhau, bà đã rời bỏ ông. Ngay trong bộ phim The Bodyguard, nhân vật của Whitney cũng bỏ ngỏ một chuyện tình dù rõ ràng cô với vệ sĩ yêu nhau và vẫn có cánh cửa cho tình yêu.

Phải chăng đúng như Oscar Wilde nói, rằng những người nói chỉ yêu có một lần trong đời chẳng qua là do thờ ơ hoặc thiếu trí tưởng tượng. Cái “mãi mãi”, hay như trong trường hợp này là “Em sẽ luôn yêu anh” chỉ là một ảo vọng về tình yêu không tồn tại, hoặc không đủ lớn.

Ai dám nói chắc về tình yêu nhưng ít nhất, trong trường hợp này, I Will Always Love You rõ ràng không phải một ca khúc về tình yêu, mà chỉ là một lời chào từ biệt dễ nghe.

Vài nét về Dolly Rebecca Parton

Dolly Rebecca Parton (sinh ngày 19/1/1946) là ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn đa nhạc cụ, nhà sản xuất thu âm, diễn viên, tác giả, doanh nhân, nhà từ thiện người Mỹ, được biết tới rộng rãi qua những sáng tác nhạc đồng quê.

Bà có 25 ca khúc đứng đầu Billboard, 41 album thuộc Top 10 Album đồng quê, thắng 9 giải Grammy, 10 giải của Hiệp hội Âm nhạc Quốc gia, 7 giải của Viện Âm nhạc Đồng quê, 3 giải Âm nhạc Mỹvà được đề cử 2 giải Oscar.

Trong sự nghiệp, bà đã sáng tác hơn 3.000 ca khúc, trong đó có I Will Always Love You, Jolene, Coat Of Many Colors9 To 5. Đặc biệt, ca khúc I Will Always Love You sáng tác cùng ngày với Jolene.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›