(Thethaovanhoa.vn) - Nói tới ban nhạc rock chói sáng nước Anh Led Zeppelin, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới ca khúc Stairway To Heaven. Thế nhưng, giọng ca chính của nhóm là Robert Plant lại có lần bộc bạch: “Tôi ước chúng tôi được nhớ tới bởi Kashmir hơn là Stairway To Heaven”.
“Đúng thế thật! Không có gì quá mức, không có giọng hát cuồng loạn. Một Zeppelin hoàn hảo” - Plant trầm ngâm sau hơn 30 năm Kashmir ra mắt công chúng.
- 50 năm ban nhạc Led Zeppelin: Những huyền thoại đã làm nên lịch sử rock
- Hợp âm khiến Led Zeppelin bị tố đạo nhạc có từ… 300 năm trước
Một phần rock, một phần punk và một phần bụi mù châu Phi...
Thật thế, với tất cả những khoảnh khắc âm nhạc bùng sáng mà Led Zeppelin đã tích lũy trong suốt sự nghiệp với 8 album phòng thu đình đám, Kashmir vẫn luôn là một trong những ca khúc nổi bật của họ. Nó cùng đẳng cấp với những hit trước đó như Whole Lotta Love hay Stairway To Heaven - tức là, mang định mệnh vượt qua mọi rào cản của âm nhạc và được toàn thế giới công nhận là tác phẩm kinh điển; thậm chí, có thể coi là đỉnh cao nhất của Led Zeppelin, như Plant nhận định.
Lãng du, mơ hồ, hoang dã như một chân trời xa xôi không thể cưỡng lại sức hút (sử dụng cùng công thức đặc trưng DADGAD mà tay guitar Jimmy Page trước đó đã dùng để sáng tạo nên những tiết mục độc tấu bất hủ của ông như White Summer và Black Mountain Side), Kashmir phô bày tất cả những yếu tố đặc trưng tạo nên âm nhạc của Led Zeppeline, như tay bass John Paul Jones nói: một phần rock, một phần punk và một phần bụi mù châu Phi.
Châu Phi ư? Ai cũng nghĩ Kashmir là vùng đất vẫn đang nóng bỏng trong các bản tin thời sự thế giới, từng được khắc họa trong Những đứa con của nửa đêm của “thầy phù thủy” Salman Rushdie, với hồ nước xanh thẳm giữa rặng núi phủ tuyết, đàn cừu trên đồng cỏ xanh ngát, những con người huyền bí khiến thế giới đắm chìm?
Hóa ra, Kashmir, với tựa gốc ban đầu là Driving To Kashmir (Tới Kashmir), lại chẳng liên quan gì tới vùng đất đó. Thay vào đó, nó khởi đầu bằng ca từ mà Plant lấy cảm hứng từ một chuyến đi dài, dường như không bao giờ kết thúc vào mùa thu năm 1973, băng qua “những vùng hoang dã” ở miền Nam Morocco. Plant, cũng như các thành viên còn lại của Led Zeppelin, thậm chí chưa bao giờ tới Kashmir.
Tuy vậy, đất Kashimir vẫn là luôn là một biểu tượng, khắc họa những hình ảnh rõ nét với cả những ai chưa từng đặt chân tới đó. Như Plant giải thích sau này, Kashmir là về một hành trình lang thang hơn là một vị trí địa lý cụ thể: “Nó là độc đạo cắt ngang sa mạc. Hai dặm về phía Đông và Tây là những rặng núi đá cát. Con đường đổ nát này khiến bạn như đang lái xe xuống một con kênh và dường như không có kết thúc”. Thế nên, Plant mới mở đầu ca khúc bằng câu: “Ôi, hãy để mặt trời rọi xuống mặt tôi, hãy để những ngôi sao lấp đầy giấc mộng tôi”.
Bản sắc Led Zeppelin
Giai điệu của Kashmir đến ngay sau đó, vào một đêm muộn giữa Page và tay trống John Bonham, trong khoảng thời gian Led Zeppelin đang ở Headley Grange, một biệt thự ma quái ở Đông Hampshire, nơi nhóm đã ghi âm nhiều ca khúc vào đầu những năm 1970.
Đoạn riff (chơi trên đàn guitar 12 dây) của ca khúc sử dụng vòng hợp âm lệch chuẩn, ảnh hưởng bởi đam mê khi đó của Page với các hợp âm kiểu modal cũng như âm nhạc Ả Rập và phương Đông. Đoạn riff nổi tiếng này, như Page nói, “tạo nên thách thức, đảm bảo tất cả các yếu tố khác của ca khúc phải thật hoàn hảo”. Thực tế, đây là đoạn riff có sức mê hoặc tới tận giờ, nghe không biết chán, ngay cả khi chơi trên nhạc cụ đơn giản chứ chưa cần màu sắc dàn nhạc hay giọng Plant.
Tất nhiên, sản phẩm cuối cùng, dài tới hơn 8 phút rưỡi, đã được bồi đắp cho hoàn chỉnh: Jones khi đó không tham gia sáng tác do vẫn còn kinh hoàng trước một số cảnh “sống động” ngoài sân khấu trong chuyến lưu diễn của nhóm ở Mỹ mùa Hè năm 1973, đã trở lại vào đầu năm 1974 và thêm cả dàn nhạc vào ca khúc.
Page và Plant, tuy chưa tới Kashmir nhưng từng du lịch Bombay vào năm 1972 và ở đó, họ có cộng tác với một số nghệ sĩ Ấn Độ. Những nghệ sĩ này được mời tham gia vào bộ dây và bộ hơi cho Kashmir.
Led Zeppelin vốn lừng danh bởi những phá cách không giới hạn của họ trong giai điệu cũng như cách sử dụng nhạc cụ, tuy nhiên, Kashmir vẫn là đột phá trong những đột phá. Kashmir kết hợp những nhịp khác nhau: riff của guitar thì là nhịp 3 trong khi hát lại ở nhịp 4. Plant thích mê ca từ mình viết, vẫn thừa nhận rằng ông “hóa đá” và “gần như rơi nước mắt” khi cố hát theo nhịp điệu bất thường của ca khúc.
“Một tác phẩm tuyệt vời được viết và là một thử thách không tưởng với tôi” - ông sau đó nhớ lại. “Nhìn chung, ca khúc không thuộc kiểu hùng vĩ, nhưng mạnh mẽ: nó đòi hỏi tính sử thi, ca từ trừu tượng mang ý tưởng rằng cuộc đời là một chuyến phiêu lưu và là một chuỗi những khoảnh khắc khải thị”.
Đây hẳn là điều tuyệt vời nhất ban nhạc từng làm? Plant nói rằng đúng là vậy. Nhiều năm sau, Page xác nhận: “Ồ, nó là một trong số đó”.
Kashmir là ca khúc nguyên bản và progressive nhất mà Led Zeppelin từng thu âm, đáp ứng khao khát cháy bỏng của Page là chứng minh khả năng của nhóm trước những nhà phê bình đầy hoài nghi. Physical Graffiti là album phá vỡ xiềng xích, và Kashmir là viên kim cương trên vương miện. Page quyết tâm thể hiện “bản sắc lớn hơn” của Led Zeppelin, khi so sánh với những đối thủ nặng ký cùng thời.
Bên cạnh dó, Kashmir cũng phản ánh những ám ảnh của Page về sự huyền bí, thể hiện qua ẩn dụ “nói và hát từ chiếc lưỡi du dương được ân sủng” hay “hoa tiêu của cơn bão, rời đi không dấu vết, như những ý nghĩ trong giấc mơ”.
Biểu diễn lần đầu trong chuyến lưu diễn tại Mỹ năm 1975, Kashmir trở thành hình ảnh mới của Led Zeppelin với Page giậm chân trong bộ cánh được thiết kế đặc biệt với hình thêu rồng, trăng lưỡi liềm, ngôi sao lấp lánh, hoa anh túc nở đỏ rực cùng biểu tượng “ZoSo” của ông.
Sự thần thánh của Kashmir còn thể hiện ở chỗ Led Zeppelin cảm thấy nó lớn hơn chính họ. “Tôi nghĩ tôi sẽ tới Kashmir một ngày nào đó, khi một sự thay đổi lớn lao nào đánh thức tôi, khiến tôi thật sự phải đi xa và nghĩ về tương lai như một người đàn ông hơn là một cậu trai vênh váo” - Page nói lúc đó, khi đã ngoài 30.
Tới nay, gần nửa thế kỷ sau khi Kashmir phát hành, những đỉnh cao khác của âm nhạc cũng lần lượt ra đời. Đỉnh nào cao hơn, chẳng ai định lượng được nhưng có một điều chắc chắn, thể hiện đúng khao khát bản sắc của Page, đó là Kashmir vẫn mãi là khoảnh khắc không thể bắt chước trong di sản rock kinh điển.
Những người sáng tạo nên heavy metal Led Zeppelin thành lập năm 1968 tại London, gồm bốn thành viên là giọng ca Robert Plant, guitar Jimmy Page, bass/keyboard John Paul Jones và trống John Bonham. Cùng với Black Sabbath và Deep Purple, nhóm được coi là những người sáng tạo nên dòng heavy metal. Tuy ban đầu không được các nhà phê bình ưa chuộng nhưng theo thời gian, Led Zeppelin đã chứng tỏ được khả năng bằng những thử nghiệm ngày một nhiều qua 8 album phòng thu. Led Zeppelin 8 lần liên tiếp đứng đầu BXH album của Anh. Các album của họ cũng đều lọt top 10 Billboard Mỹ, trong đó có 6 lần đứng No.1. Với 200 tới 300 triệu đĩa bán ra, họ là một trong những nghệ sĩ có đĩa bán chạy nhất lịch sử. Tuy nhiên, sự nghiệp của nhóm kết thúc sớm vào năm 1980 khi Bonham qua đời do bị ngạt, liên quan tới rượu. Ngày nay, Led Zeppelin được công nhận là một trong những nhóm nhạc thành công, sáng tạo và có ảnh hưởng nhất lịch sử nhạc rock. Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm ra mắt Physical Graffiti, Led Zeppelin đã tung bản đĩa than của album này, trong đó, Kashmir nằm ở cuối cùng của một mặt đĩa, giống như ở phiên bản gốc. Tất cả đều có lý do. Kashmir, là thế đó, như Page nói: “Không có gì theo sau nó. Bởi bạn cần thời gian để lấy lại hơi sau tất cả”. |
Thư Vĩ (tổng hợp)
Tags