Kiss ngày nay có thể coi là một trong những âm thanh biểu tượng nhất của Prince, thế nên, có thể nhiều người sẽ bất ngờ khi ca khúc không hoàn toàn là của ông và đã có cả một vụ bê bối nhỏ để Prince giành lại nó.
Với những cú phẩy tay phép màu mà Prince đặt lên Kiss, ngay cả người bị phũ phàng tước đi ca khúc cũng cảm thấy hài lòng. Sau tất cả, nghệ thuật không phải là thứ hoàn hảo.
Nguồn sáng tạo dào dạt
Vào giữa thập niên 1980, Prince là một cỗ máy tạo hit thật sự. Album và bộ phim Purple Rain đã đưa ông vào hàng ngũ những tượng đài và, sau khi chứng minh bản thân có khả năng viết nhiều tài liệu chất lượng để cho các nhóm dự án phụ như The Time, Vanity 6 và Apollonia 6 lọt BXH, rất nhiều nghệ sĩ đã tới xin nhạc của Prince.
Khi làn sóng Purple Rain vẫn đang cuộn trào vào cuối năm 1984, danh ca hát nhạc Bond Sheen Easton cũng đang đứng đầu BXH Hot Dance/Disco của Billboard nhờ ca khúc Sugar Walls do Prince chấp bút.Một năm sau, The Bangles tạo nên đột phá khi hát lại ca khúc Manic Monday của Apollonia 6 - cũng do Prince viết. Ca khúc leo tới No.2 ở cả hai bờ Đại Tây Dương, chỉ đứng sau quán quân thuộc về chính Prince với ca khúc Kiss - một kiệt tác mà suýt nữa lọt khỏi tay Prince và chỉ được lôi về vào phút chót.
Ví von mà nói thì Prince có thể coi là cha đẻ của Kiss nhưng ông cần một người mẹ mang nặng đẻ đau nó và đó là Mark Brown.
Được biết tới nhiều hơn với biệt danh Brownmark, Brown sớm nổi danh với tư cách là thành viên của The Revolution, ban nhạc lưu diễn thời đầu của Prince. Trong số vô vàn nhạc sĩ luôn vây quanh chờ sủng ái của Prince, Brown nổi bật nhờ phong cách funk đậm đặc và độc đáo của mình.
Khi Brown tách ra lập ban nhạc funk-rock riêng Mazarati vào năm 1986, lẽ thường tình, ở album ra mắt, ông đã cầu cạnh Prince nhón tay cho mình xin một ca khúc, "Một lớp mứt phủ mà chúng tôi cần để tung album", như Brown kể trong cuốn hồi ký My Life in the Purple Kingdom.
Ban đầu, Prince đưa cho tay bass của mình một ca khúc ông đã làm vào mùa Hè năm ngoái, 100 MPH, nhưng khi bản thu của Mazarati sắp xong, Prince lại chuyển bản demo một ca khúc khác hoàn toàn mới, khởi sinh cho cả một thiên chuyện loằng ngoằng về sau.
Giai điệu kinh điển, đậm phong cách Prince, “Kiss”
Chuyện là, Prince khi đó đang thu âm Parade, nhạc phim cho bộ phim điện ảnh kỳ lạ đầu tay do ông đạo diễn là Under the Cherry Moon, một bộ phim hẳn ngày nay sẽ là ứng viên sáng giá cho Phim dở nhất của giải Mâm xôi vàng (bù lại, nhạc phim lại bán được một triệu bản, đúng là thượng vàng hạ cám!).
Trong một phút ngắn ngủi thoát khỏi phòng thu chói tai, Prince cầm lên cây đàn guitar acoustic của mình, phác lên phiên khúc đầu và điệp khúc cho một điệu blue ngắn, mở đầu bằng tuyên bố hờ hững: "Em không cần phải xinh đẹp để khiến anh điên đảo" và kết lại bằng lời cầu xin tha thiết: "Xin em cho anh thêm thời gian và một nụ hôn". Đó là khởi đầu trầm ngâm bất thường cho một trong những kiệt tác lớn nhất của Prince, mà như Brown nói là "chỉ có giọng hát và tiếng guitar, nghe như giai điệu hát quanh đống lửa trại".
Quá tuyệt vời để trách móc
Có trong tay bản demo - được Prince thu vội từ một máy ghi âm mini - Brown liền bước vào phòng thu bên cạnh, nơi cộng sự lâu năm - nhà sản xuất huyền thoại David "Z" Rivkin - anh trai tay trống Bobby của The Revolution - đang giám sát các buổi thu của Mazarati, và bắt tay vào việc ngay. Thu âm vào rạng sáng hôm sau, Brown và Rivkin đã tái thiết lại ca khúc, neo nó bằng tiếng bass, phủ lên trên một lớp nhạc tổng hợp và kích hoạt bằng trống máy, tạo nên một bản funk thượng hạng.
"Nó có giai điệu khá ngầu, liên tục thay đổi tông, phức tạp nhưng vẫn ổn định" -như Rivkin nhớ lại sau này.
Ở phía bên kia bức tường, Prince không hay biết gì khi Brown bước vào xin ông viết phần lời đầy đủ. Khi nghe phiên bản của Mazarati, thái độ của Prince cơ bản là: Tôi thích những gì mọi người đã làm và tôi sẽ lấy lại nó! "Ông ấy chẳng buồn quan tâm ai nghĩ thế nào" - Brown kể.
Thật vậy, Prince mang Kiss phiên bản mới về phòng thu, cải biên lại, bỏ đi phần bass của Brown, thêm vào đoạn guitar riff mở màn kinh điển -một trong những intro dễ nhận ra nhất trong lịch sử âm nhạc- và thu âm giọng của mình vào.
Prince thỏa thuận với Brownrằng hãy để ông thu âm ca khúc này, đổi lấy phí bản quyền sáng tác, một thỏa thuận có thể mang tới khoản tiền tấn cho tay bass. "Tôi thấy có vẻ là một thỏa thuận ngon lành. Tôi lan tin xấu này cho Mazarati và họ khá tức giận. Cuối cùng, tôi cũng chẳng được trả cho gì. Ông ấy làm tôi đớ người toàn tập" - Brown kể khổ.
Là một trong những ca khúc cuối cùng được thêm vào album Parade, Kiss được phát hành dưới dạng đĩa đơn mở đường cho album vào ngày 5/2/1986. Ca khúc đạt vị trí quán quân tại Mỹ - thứ ba của Prince, sau When Doves Cry và Let's Go Crazy - và thậm chí mang về cho Prince giải Grammy năm 1986 cho Màn trình diễn giọng Rhythm & Blue xuất sắc nhất và nhận một đề cử cho Ca khúc R&B hay nhất.
Về phía Brown, ít lâu sau, ông rời ban nhạc. Prince rõ ràng đã xử tệ với ông nhưng Brown "chẳng quan tâm. Ông ấy đã cho tôi hàng tấn cơ hội nên tôi chỉ nhìn vào những điều tốt đẹp hơn". Brown cũng thích phiên bản Kiss của Prince hơn. "Ông ấy đã đặt dấu ấn của mình lên ca khúc, thật sự khiến nó thay đổi đáng kể. Với giọng cao vút của ông ấy, đúng là đã tạo nên một cảm giác hoàn toàn khác"- Brown thừa nhận, thêm rằng Prince hẳn "đã đặt hết tâm huyết vào nó". Phải chăng vì thế nên Kiss, dù không hoàn toàn của Prince, lại mang đậm dấu ấn của ông tới vậy.
Nên trách Prince cư xử tệ với bạn bè hay cảm ơn ông đã mang lại cho nhân loại một kiệt tác? Rất khó để có câu trả lời hoàn hảo.
Bị hãng đĩa từ chối
Không chỉ "gây lộn" với bạn bè, Prince cũng phải chiến đấu với hãng đĩa để bảo vệ niềm tin chắc nịch về một kiệt tác đã ra đời. Kiss, mang phong cách tối giản, theo góc độ kinh doanh của hãng đĩa Warner Bros. là rất khó bán. "Tuy nhiên, thời đó, Prince đã có đủ quyền lực để làm gì mình muốn, "Đâysẽ là đĩa đơn và nếu không phát hành nó thì các ông sẽ chẳng có thêm đĩa nào hết". Phần còn lại là lịch sử" -Rivkin nhớ lại trong một buổi phỏng vấn - "Ca khúc hoàn toàn rực lại sự nghiệp của ông ấy, và một năm sau, Warner Bros. cố tìm cách ký hợp đồng với những người có âm thanh na ná vậy".
Thời gian đã chứng minh cho sự tinh nhạy của Prince. Kiss luôn là ca khúc trọng tâm trong những hòa nhạc sau này của Prince với một phần thường do người hâm mộ dưới khán đài đồng thanh hát. Sau hơn ba thập kỷ, Kiss vẫn chệm chệ đứng vị trí No.85 trên danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone.
Tags