(Thethaovanhoa.vn) - Tri thức và sức mạnh luôn tồn tại quanh ta nhưng dần bị chìm đi dưới vẻ hào nhoáng của thời đại mới. Từ rất lâu trước khi biến đổi khí hậu là chủ đề nóng toàn cầu, và Earth Song của Michael Jackson làm thức tỉnh bao người, đã có một ca khúc tiên phong về môi trường, đó là Mercy, Mercy Me (The Ecology). Nó đã rất đình đám một thời cho tới khi bị thời gian quên lãng.
Năm 1970, thế giới bắt đầu lo lắng về tương lai của môi trường toàn cầu khi lần đầu công bố Ngày trái đất vào 22/4. Một năm sau, đĩa đơn Mercy, Mercy Me (The Ecology) (Xót thương, xót thương tôi - Sinh thái học) được phát hành trong What’s Going On- album phòng thu thứ 11 và cũng là album thành công nhất của Marvin Gaye. Ngay lập tức, bài hát trở thành một trong những quốc tế ca đầu tiên trong phong trào về môi trường, đứng No.1 trong BXH Đĩa đơn R&B và No.4 trên BXH Billboard Đĩa đơn Pop.
Tri thức của mẹ thiên nhiên
Vào thời điểm trước năm 1971, Gaye đã là nghệ sĩ đình đám, nổi danh là “Hoàng tử của Motown” hay “Hoàng tử nhạc soul” với những ca khúc trữ tình, lãng mạn. Thế nhưng, tới What’s Going On, khi lần đầu tiên tích cực tham gia vào quá trình sáng tác, sản xuất album, Gaye đã thêm vào đó nhiều tuyên bố chính trị, xã hội mà nổi bật là trong Mercy, Mercy Me (The Ecology).
Gaye đã viết ca khúc này cùng 2 nhạc sĩ tạo hit của hãng đĩa Motown là Al Cleveland và Renaldo “Obie” Benson, còn lời hoàn toàn do ông viết dựa trên những câu chuyện mà người anh Frankie kể sau khi trở về từ chiến tranh.
Với tư cách khi đó là đại diện số một của nhạc soul, Gaye đã dùng sức ảnh hưởng của mình để cảnh báo người nghe về những thảm họa môi trường đang bắt đầu, một vấn nạn mà ở những năm 1970, nhân loại chưa để tâm nhiều tới. Trong ca khúc, mà tới nay vẫn là một trong những “thánh ca” bi sầu nhất về môi trường, Gaye cầu xin: “Ôi, hãy xót thương, xót thương tôi/ Mọi thứ chẳng còn như xưa nữa/ Những trời xanh đã đi đâu hết rồi?/…Chất độc trong gió thổi từ phía Bắc, phía Nam và phía Tây/…Dầu thải trên đại dương và biển, cá đầy thủy ngân…Trên đất này giờ đã quá đông đúc/Mẹ thiên nhiên còn chịu đựng nổi sự lạm dụng của loài người thêm bao nhiêu nữa”?
Thật đáng buồn khi những ca từ cảnh cáo của nửa thế kỷ trước, giờ là lời phán xét.
Trong những buổi phỏng vấn, Gaye cũng kêu gọi mọi người lắng nghe lời kêu gọi từ thiên nhiên: “Tôi là học trò của Don Juan và Carlos Castaneda. Đọc nhiều sách của nhiều tác giả. Lý tưởng sống của tôi là, tôi muốn trở thành một chiến binh hoàn hảo, người không cần những thứ trần tục như rượu, đàn bà, phục sức hay kim cương, những thứ đẹp đẽ khoác lên người. Tôi muốn phát triển sự chán ghét với những thứ đó và chỉ còn đam mê, dành thời gian và công sức cho tri thức và sức mạnh mà trái đất này mang đến cho chúng ta.
Tôi muốn rời bỏ giới giải trí để theo đuổi tri thức và sức mạnh, món quà nhiệm màu thật sự. Sức mạnh ở đây, nó ở trong đá, trong không khí, trong các loài vật. Có những người có tri thức có thể đưa những lực lượng, yếu tố, những điều bí ẩn này vào cơ thể, biến đổi bản thân họ và làm được nhiều điều kỳ diệu. Tôi muốn trở thành một người có sức mạnh và dùng nó vì những điều tốt đẹp.
Tri thức mà ta có đủ để tự phóng chúng ta vượt lên siêu-tri-thức, nơi chúng ta trở thành siêu nhân. Nhưng tới lúc đó, ta luôn tự hủy hoại mình. Điều đó xảy ra bởi siêu-tri-thức chỉ dành cho một số ít người. Nhưng số ít này có thể trở thành một con số lớn hơn, và đó là lý do tại sao tôi nói về nó. Chỉ khi chúng ta tuân thủ theo những quy tắc nhất định của mẹ thiên nhiên… Đó chính là chìa khóa!
Chúng ta có vẻ đã đi đến điểm mấu chốt. Và, như Bunny nói (ở đây, Gaye đang đề cập tới nhạc sĩ người Jamaica Bunny Wailer - PV), thông thái và tự do tuân theo quy luật của tự nhiên. Những ca khúc không viết ra vô ích. Chúng đưa mẹ thiên nhiên vào bức tranh toàn cảnh, như You Are The Sunshine Of My Life”.
Đáp lại lời kêu gọi của Gaye
Đúng là những ca khúc không bao giờ vô ích. Âm nhạc luôn là sự nhiệm màu với sức mạnh vũ trụ. Một ca khúc có thể giúp độc giả vượt qua những thời khắc khó khăn. Một ca khúc cũng có thể đưa bạn tới với sự nghiệp đời mình, như trường hợp bà Kathryn D. Lynnes -một tên tuổi gạo cội về môi trường; hiện là thành viên cấp cao, quản lý các chương trình khắc phục sự cố môi trường của Không quân Mỹ - và ca khúc Mercy, Mercy Me (The Ecology).
Lynnes lớn lên ở Muskegon, Michigan, nơi có nhiều ngành công nghiệp nặng phát triển, nhưng khi nhỏ, như nhiều người lớn, bà không thật sự để tâm. Những gì bà thấy chỉ là hồ nước đẹp, nơi bà cùng gia đình bơi lội, câu cá, chèo thuyền.
Cho tới một ngày, nhờ một người bạn của bố có máy bay hạng nhẹ Piper Cub, bà được bay qua hồ và khi nhìn xuống, bỗng thấy luồng nước ô nhiễm chảy ra từ các nhà máy hóa chất. “Rồi đột nhiên, hồ nước xinh đẹp bỗng biến thành thứ gì đó ô nhiễm, bị hủy hoại và đáng sợ. Tôi giật mình và không bao giờ quên được hình ảnh đó” - bà nhớ lại.
Nhưng phải tới vài năm sau, vào mùa Hè năm 1971…
“Tôi đang rửa bát. Tôi bật radio và ca khúc vang lên”, Lynnes hồi tưởng. “Những trời xanh đã đi đâu hết rồi?”, giọng Gaye kêu than.
Lynnes khóa nước, đứng lặng đi. Đó là giây phút mặc khải của đời bà. Tất cả quá khứ kết nối và Lynnes nhận ra con người đang giết chết hành tinh này. “Tất cả những nghĩ suy từng khởi lên trong bộ óc 8 tuổi của tôi đã kết tinh lại trong lời ca tuyệt vời này”, là cảm xúc của bà.
Ngay sau đó, Lynnes lập câu lạc bộ sinh thái tại trường. Bà lên đại học, trở thành kỹ sư, thành nhà tư vấn giải quyết các vấn đề về môi trường và giờ là thành viên cao cấp về môi trường trong chính phủ Mỹ.
Tới nay, Lynnes đã làm công tác dọn dẹp này trong 36 năm. Mỗi khi hoang mang tự hỏi tại sao mình vẫn làm mãi điều này - vì ai cũng có những lúc tức giận và cảm thấy bất lực trong công việc - Lynnes lại bật Mercy, Mercy Me và gào theo hết mình trong xe. Khi đó, bà sẽ được nhắc lại tại sao mình tiếp tục nỗ lực, bởi đây là cách giúp hành tinh của chúng ta tốt đẹp hơn.
Con người ngày một tách mình ra khỏi mẹ thiên nhiên, không nghe được những tiếng gọi nguyên thủy và do đó, đang phải gánh chịu hậu quả. Lynnes chỉ là một trong vô vàn người đã nghe và nhận ảnh hưởng của Mercy, Mercy Me, còn bản thân ca khúc chỉ là mốc mở màn cho hợp xướng bất tận về môi trường, cũng như lời nỉ non muôn đời của mẹ thiên nhiên. Tất cả đều ở quanh ta, chỉ là ta có chịu lắng nghe và thay đổi hay không.
Vài nét về tác giả của “Mercy, Mercy Me” Marvin Gaye (Marvin Pentz Gay Jr) sinh ngày 2/4/1939, mất ngày 1/4/1984, là ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất ghi âm người Mỹ. Ông là người góp phần định hình âm thanh của Motown những năm 1960, ban đầu dưới vai trò nghệ sĩ khách mời còn sau đó là nghệ sĩ solo với hàng loạt hit. Các bản hit ở Motown của ông bao gồm Ain’t That Peculiar, How Sweet It Is (To Be Loved By You) và I Heard It Through The Grapevine cũng như những bản song ca với Mary Wells, Kim Weston, Diana Ross và Tammi Terrell. Những bản thu của ông sau này đã có ảnh hưởng lớn tới nhiều nhánh R&B đương đại. Album năm 1982 Sexual Healing giúp ông đoạt 2 giải Grammy đầu tiên. Trong sự nghiệp của mình, Gaye đã để lại 17 album phòng thu, 6 album cộng tác với nhiều nghệ sĩ khác. Đặc biệt, album What’s Going On đoạt Giải Đại sảnh danh vọng Grammy năm 1998 và đứng thứ 6 trong danh sách 500 album vĩ đại nhất mọi thời đại theo bình chọn của tạp chí Rolling Stone năm 2003. Riêng ca khúc Mercy, Mercy Me cũng đoạt giải tương tự của Grammy vào năm 2002. Bản thân Gaye từng nhiều lần được trao giải và tôn vinh, bao gồm Giải thành tựu trọn đời Grammy, được giới thiệu vào Đại sảnh danh vọng nhạc Rhythm and Blue, Đại sảnh danh vọng cho nhạc sĩ và Đại sảnh danh vọng Rock and Roll. |
Thư Vĩ
Tags