Trong Top 10 BXH nhac.vn tuần 50 có một ca khúc đứng thứ 9 vốn đã rất nổi nhiều chục năm trước, đó là Người tình mùa đông qua sự thể hiện của nam ca sĩ Hà Anh Tuấn.
Ca khúc này nằm trong khuôn khổ tập 3 thuộc dự án See Sing & Share 2 được Hà Anh Tuấn ra mắt 12/6/2017. Sau hơn 5 năm ra mắt trên kênh YouTube cá nhân với 959 ngàn người đăng ký, ca khúc thu hút gần 33,628 triệu lượt xem
Cùng với Người tình mùa đông, trong bảng xếp hạng nghe nhạc trực tuyến nhac.vn tuần 50 (từ 12 đến 19/12/2022) còn xuất hiện khá nhiều ca khúc rất nổi tiếng một thời, nhưng gần như rất ít khi xuất hiện trong Top 10 ca khúc nhiều người nghe nhất trong tuần, như Đoạn tuyệt (giọng hát Lệ Quyên), Một thời đã xa (giọng hát Thùy Chi), Cỏ úa (Lệ Quyên, Hoàng Hiệp), Chờ đông (giọng ca Hoàng Châu)… Theo thứ tự trong Top 10 các ca khúc này lần lượt ở các vị trí số 4, số 5, số 8 và số 10.
Nửa thế kỷ luôn hot
"Em có biết Người tình mùa đông không?", tôi hỏi ca sĩ trẻ kiêm MC Hoàng Chung, người cầm cây đàn guitar đảm nhận vai trò dẫn dắt cho cuộc sinh hoạt âm nhạc nho nhỏ giữa nhóm nghệ sĩ chúng tôi với các bạn đến từ thành phố Vũng Tàu tại Côn Đảo. Câu trả lời là "có" và Hà Anh Tuấn là giọng ca gắn với bài hát này mà nam nghệ sĩ trẻ nhắc tên. MC Hoàng Chung cho biết thêm: "Thế hệ bọn em hầu như chỉ biết đến bài hát qua sự thể hiện của anh Hà Anh Tuấn".
Đấy là với Hoàng Chung thuộc thế hệ 9X. Còn với lứa 8X trở về trước, khi nhắc đến Người tình mùa đông, mọi người còn gọi cái tên đầu tiên là Như Quỳnh.
Người tình mùa đông phiên bản tiếng Việt đầu tiên được biết đến do nhạc sĩ Anh Bằng viết lời, nữ ca sĩ Như Quỳnh thể hiện. Phiên bản này lần đầu xuất hiện vào năm 1994 và ngay lập tức trở nên phổ biến trong cộng đồng người yêu nhạc trong nước và hải ngoại. Dẫu thế, ít ai biết, ngoài phiên bản do nhạc sĩ Anh Bằng viết lời, còn nhiều phiên bản tiếng Việt khác như Thuyền tình trên sóng (Khúc Lan đặt lời), Còn mãi mùa đông (Thái Thịnh đặt lời), Đam mê (Minh Tâm đặt lời)…
Vẫn ca khúc này nhưng xuất hiện trước 2 năm (1992) là trường hợp của phiên bản tiếng Trung Người phụ nữ dễ bị tổn thương có phần lời do Antonio "Tony" Arevalo Jr soạn dựa trên ý của Yuen-Leung Poon do ca sĩ Faye Wong (Vương Tịnh Văn) thể hiện bằng tiếng Quảng Đông. Sau thành công ngoài sức tưởng tượng, chính nữ ca sĩ này đã thể hiện tiếp ca khúc này bằng tiếng phổ thông của Trung Quốc. Cũng giống như ở Việt Nam, tại Trung Quốc, ca khúc này cũng có nhiều bản cover khác nhau, nhưng thành công nhất vẫn là phiên bản cover đầu tiên, Người phụ nữ dễ bị tổn thương.
Sự thành công của phiên bản này còn mạnh mẽ tới mức, khi phiên bản tiếng Việt Người tình mùa đông ra đời, nhiều người Việt Nam còn tưởng đây là ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Nhưng trên thực tế, bài hát gốc là của Nhật Bản. Bài hát mang tên Rouge (Son hồng) được nữ nhạc sĩ Nakajima Miyuki sáng tác vào nửa cuối thập niên 1970 và ra mắt vào năm 1977.
Có thể nói, bản gốc Rouge (Son hồng) của Nhật Bản hay Người phụ nữ dễ bị tổn thương của Trung Quốc và Người tình mùa đông của Việt Nam là bản hit quốc dân của… 3 nước.
Một ca khúc hay
Tính thời điểm là một trong những lý do chính giúp nhiều ca khúc xưa cũ hồi sinh. Không phải ngẫu nhiên, trong cùng một tuần nhiều ca khúc nhạc tình yêu đã ra đời từ lâu lại khiến người nghe tìm tới và thưởng thức nhiều. Những ca khúc này đều có tính chất lãng mạn, ít nhiều gợi lên một không gian liên quan đến mùa Đông. Và chính vì thế, ở thời điểm chuẩn bị đón chào Noel trong tiết trời se lạnh, nó bỗng khiến cho con người ta xao xuyến.
Riêng với ca khúc Người tình mùa đông, với nhiều người yêu nhạc Việt Nam, nhất là thế hệ 8x trở về trước, từ lâu những câu hát: "Đường vào tim em ôi băng giá/ Trời mùa đông mây vẫn hay đi về/ Vẫn mưa mưa rơi trên đường thầm thì/ Vì đâu mưa em không đến" đã trở nên quá quen thuộc. Một thời, nó gần như không thể không vang lên trong các đêm nhạc tại các phòng trà, cà phê ca nhạc khắp Hà Nội, TP.HCM.
Ca khúc được viết ở khuôn khổ hai đoạn, có tái hiện. Ca từ vừa được trích ở trên là câu nhạc thứ nhất của đoạn một. Ở đoạn một này, câu nhạc thứ hai là sự nhắc lại giai điệu của câu nhạc thứ nhất có thay đổi một chút về giai điệu ở cuối mỗi câu. Câu nhạc thứ hai ứng với ca từ: "Đường vào tim em mây giăng kín/ Bàn chân anh trên lối đi không thành/ Những đêm khuya mưa buồn một mình/ Có khi cho ta quên cuộc tình".
Trong khi đó, đoạn hai là sự phát triển có tái hiện so với đoạn thứ nhất. Cũng như cách xây dựng nên đoạn nhạc đầu tiên, thủ pháp tái hiện tiếp tục được sử dụng để xây dựng nên đoạn nhạc thứ hai...
Ngoài bố cục hai đoạn chính, ca khúc còn có câu nhạc kết có giai điệu là sự tái hiện nét giai điệu chủ đề xuất hiện ở đoạn nhạc đầu tiên: "Đường vào tim em bao cơn sóng/ Đẩy tình anh xa bến xuân hoa mộng/ Trái tim em muôn đời lạnh lùng/ Hỡi ơi trái tim mùa đông".
Nói chung, Người tình mùa đông được sáng tác ở hình thức hai đoạn nhạc có thêm câu kết, và thủ pháp chính là phát triển và tái hiện. Ca khúc có tính trữ tình nhưng không buồn, thậm chí có phiên bản còn mang không khí tươi vui, trong sáng. Nét giai điệu đẹp, đơn giản, dễ nghe, như đang kể chuyện với khán giả...
"Không chỉ có Người tình mùa đông, Hà Anh Tuấn còn cover rất nhiều ca khúc cũ và thổi vào đó một sức sống mới. Sức sống mới mà Hà Anh Tuấn mang đến thực ra không phải một điều gì đó quá xa lạ mà ngược lại, nó đã rất quen thuộc với khán giả. Đó là thứ âm nhạc mộc nhất, gần gũi nhất" - nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Và một lối đi
Khác với bản cover đình đám đầu tiên được nữ ca sĩ Như Quỳnh thể hiện trên nhịp điệu chachacha có độ tươi vui trẻ trung, phiên bản cover của Hà Anh Tuấn có giai điệu trữ tình mang tính tự sự tạo sự gần gũi, chia sẻ.
Có thể nói, với cách thể hiện này cùng phong thái lịch lãm từ con người đến giọng hát, Hà Anh Tuấn đã khoác lên mình cho ca khúc một chiếc áo mới. Mặc dù vẫn là giai điệu đó, lời ca đó nhưng nó đã mang một hương vị mới cho Người tình mùa đông. Và điều đó đã được minh chứng bằng sự đón nhận của khán giả thông qua việc ca khúc Người tình mùa đông phiên bản Hà Anh Tuấn đạt được lượng lượt xem trên YouTube lên tới hơn 33 triệu.
Với một ca khúc, thành phần sáng tạo luôn bao gồm 3 yếu tố người sáng tác ca khúc, người hòa âm và người thể hiện. Chính việc lấy ca khúc cũ hoà âm và thể hiện theo phong cách mới là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo hơi thở mới, nối dài sức sống cho các ca khúc Việt. Có nghĩa, việc ca sĩ thể hiện cũng đã là tham gia sáng tạo trước khi ca khúc đó đến với công chúng. Vì vậy, việcNgười tình mùa đông có hơi thở mới tiếp tục chinh phục những khán giả cũ và mới có phần quan trọng của Hà Anh Tuấn và ê-kíp.
Không chỉ có Người tình mùa đông, Hà Anh Tuấn còn cover rất nhiều ca khúc cũ và thổi vào đó một sức sống mới. Sức sống mới mà Hà Anh Tuấn mang đến thực ra không phải một điều gì đó quá xa lạ mà ngược lại, nó đã rất quen thuộc với khán giả. Đó là thứ âm nhạc mộc nhất, gần gũi nhất - kiểu âm nhạc acoustic cùng với phần thể hiện mang đậm tính trữ tình, tự sự như đang kể những câu chuyện tình yêu bằng âm nhạc.
Có điều thú vị, quen như vậy nhưng tại sao lại tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ ? Có lẽ bởi giữa những năm âm nhạc dành cho giới trẻ phát triển một cách mạnh mẽ, những thể loại âm nhạc thiên về tiết tấu, pha trộn âm thanh điện tử cùng với rap bùng nổ, âm nhạc mà Hà Anh Tuấn mang tới lại giúp khán giả lắng xuống, sống chậm lại và thưởng thức những nét đẹp mà đôi khi nhịp sống hiện đại, âm nhạc hiện đại khiến người ta tưởng chừng quên mất.
Hồi sinh những tác phẩm đã ra đời trước đó theo cách mình muốn, tạo một hướng đi riêng, một con đường riêng và thu hút được rất nhiều khán giả đi theo mình trên con đường đó như trường hợp Hà Anh Tuấn là những nỗ lực đáng được nhìn nhận. Sự xuất hiện và cách hoạt động của những nghệ sĩ như Hà Anh Tuấn góp phần cân bằng lại mặt bằng chung cho đời sống âm nhạc đại chúng trong giai đoạn trăm hoa đua nở và đầy tính tự phát như hiện nay.
Bài hát gốc của "Người tình mùa đông"
Bài hát gốc mang tên Rouge (Son hồng) được nữ nhạc sĩ Nakajima Miyuki sáng tác vào nửa cuối thập niên 1970 và ra mắt vào năm 1977. Bài hát có nội dung nói về một cô gái quê bị cuốn vào nhịp sống thị thành và một ngày chợt nhận ra mình đã đánh mất con người thôn quê ngày xưa. Cũng ở Nhật Bản trong suốt khoảng 2 thập niên kể từ khi ra đời, ca khúc này được cover nhiều lần bởi nhiều nghệ sĩ khác nhau.
Điểm 9,0
Tags