Ca khúc 'Redemption Song' của Bob Marley: Giải phóng những gông cùm tinh thần

15/08/2021 19:13 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày tự biết là cuối đời mình, dù mới ngoài 30, nhưng với cả một đời lăn lộn, dưới bùn rác và trên vinh quang, Bob Marley đã làm được điều mà Lev Tolstoy từng làm ở tuổi 80: Tìm kiếm sự giải phóng trong tinh thần. Ở Tolstoy là cuốn sách Suy niệm mỗi ngày, còn ở Bob Marley là ca khúc Redemption Song (Khúc ca cứu chuộc).

30 năm ngày mất của Bob Marley - Bị lu mờ ở chính quê nhà...

30 năm ngày mất của Bob Marley - Bị lu mờ ở chính quê nhà...

Hôm 11/5, người hâm mộ dòng nhạc reggae đã kỷ niệm 30 năm ngày mất của Bob Marley - siêu sao âm nhạc quốc tế đầu tiên của Thế giới thứ 3, người qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 11/5/1981 ở tuổi 36.

1. Những kiệt tác này đều được cất lên ở ngoài thời gian, nơi giá trị của nó trường tồn, bất biến. Một cơn gió phiêu bồng thổi lên ngọn lửa lý trí, thui trụi những xiềng xích gông cùm của tinh thần.

Dường như tất cả những ai đam mê âm nhạc đều biết tới Redemption Song. Nó là thánh ca trong các thánh ca của Bob Marley, là minh chứng truyền tới công chúng vào cuối đời ông để nhắc nhở mọi người hãy tới nơi cần tới, là tinh thần thay thế sự vắng mặt xác thịt của huyền thoại reggae. Nếu tìm kiếm trên Google: Có vô vàn người trên thế giới vẫn đang nhờ nhạc của Bob Marley để có thể tiếp tục vượt qua những đòi hỏi của cuộc sống khắc nghiệt và khó khăn.

Jesus đã xuống thế gian, chịu nạn để cứu chuộc nhân loại dưới ách thống trị của tội lỗi. Ý tưởng về những ca khúc cứu chuộc cũng đã vang vọng trong nhiều thế kỷ. Kẻ khốn cùng trong Amazing Grace đã được giải thoát khỏi địa ngục bởi một ca khúc, một thanh âm mới ngọt ngào làm sao. Tội ác mà anh ta phải chịu cũng giống như tội ác gây ra cho Bob Marley trong Redemption Song: Tác giả Amazing Grace là một nô lệ còn Marley là hậu duệ của những nô lệ. Các ca khúc của Marley giải phóng anh, biến anh trở thành một người mang ý nghĩa nào đó - dù anh nhận thức rõ tình trạng nô lệ tinh thần vẫn tồn tại ngay cả khi con người nói rằng mình tự do.

Chú thích ảnh
Bìa đĩa đơn “Redemption Song” của Bob Marley

Trong Redemption Song, Marley một mình tự đệm guitar, vốn là ngoại lệ trong quy chuẩn của anh, nhưng không phải lạc đường. Marley, cũng như hầu hết các nhạc sĩ ở thế hệ anh, bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ nhạc dân gian đầu thập niên 1960. Anh biết về Bob Dylan và nhóm anh, The Wailers, đã chuyển thể Like A Rolling Stone thành Rolling Stone của riêng họ.

Nhưng đối với những người Jamaica nghèo đói, sở hữu một cây đàn guitar acoustic - dù đã cũ mòn vẹt hay chỉ là một chiếc “hộp xì gà” tự chế - là tất cả những gì họ cần để biểu lộ âm nhạc. Marley cũng từng viết những ca khúc trên một chiếc guitar acoustic kiểu đó, và ghi âm theo phong cách lãng đãng như vậy trong lán trại rách rưới cùng The Wailers. Chỉ tới khi ký hợp đồng với hãng đĩa Island vào năm 1973, có thể huy động cả ban nhạc trang bị đầy đủ, khía cạnh này mới bị gạt sang một bên.

Đối với ca từ Redemption Song, chúng cũng theo khuôn mẫu quen thuộc với chủ đề không chút xa lạ ở reggae. Marley có quan hệ với những nhạc sĩ từ Jamaica và Mỹ, những người đã viết bao tác phẩm cảm động về chủ đề tương tự. Bob Andy, người mà Marley cùng thu âm ở Studio One hồi đầu thập niên 1960, từng đề cập tới khái niệm tinh thần nô lệ trong ca khúc xuất sắc năm 1977 Ghetto Stays In The Mind: Một khi anh trải qua tranh đấu dai dẳng, nó sẽ không bao giờ rời anh.

James Brown, người đàn ông của soul có ảnh hưởng rất lớn tới Marley hồi thập niên 1960, đã nói về “cuộc cách mạng của tâm trí” trong tiêu đề một album và trong phiên khúc cuối của đĩa đơn chống ma túy năm 1972 King Heroin, miêu tả nghiện ngập như một hình thức nô lệ.

Toots & The Maytals, những người có sự nghiệp song hành với Bob Marley và The Wailers, không có sự nghiệp đột phá như Marley, cũng có ca khúc cảm động nhưng lạc quan Redemption Song năm 1973, ngợi ca Chúa.

Thánh ca Redemption Song của Marley cũng lấy cảm hứng từ Marcus Garvey, đặc biệt từ câu “Giải phóng bản thân khỏi tinh thần nô lệ… không ai khác ngoài chính bạn có thể giải phóng tâm trí mình” trong bài phát biểu năm 1937 của nhà hoạt động - triết học gốc Phi sinh ra ở Jamaica. Chính Marley, năm 1978, đã phát hành ở Jamaica, một đĩa đơn bao trùm những vấn đề tương tự, Blackman Redemption. Do đó, Redemption Song, không phải một ngoại lệ mà nằm trong chính trái tim âm nhạc Jamaica và những ảnh hưởng của nó, dù nội dung và nhịp điệu của nó khá khác so với nhạc reggae nói chung.

Chú thích ảnh
Tinh thần tự do của Bob Marley được đúc kết trong kiệt tác cuối đời “Redemption Song”

2. Redemption Song là tâm huyết cả đời đúc rút của Marley bởi khi viết, anh biết thời gian của mình trên Trái đất chẳng còn nhiều. Mùa Hè năm 1977, Marley bị chẩn đoán có khối u ác tính dưới ngón chân. Anh đã quyết định không cắt cụt ngón chân như đề nghị của bác sĩ. Anh vẫn tiếp tục lưu diễn, viết lách, thu âm, nhưng chỉ trong 2 năm, anh trở nên ốm yếu, gầy mòn, khác hẳn ngôi sao bùng nổ giữa thập niên 1970. Cái chết nằm ở trong tâm trí anh, mà vợ anh, Rita, nói rằng anh đau đớn và đã viết để “giải quyết cái chết của chính mình… đặc biệt trong ca khúc này”.

Những bản thu âm đầu tiên của Redemtion Song có sự hỗ trợ của The Wailers. Marley đã gạt bỏ ít nhất 15 phiên bản với nhóm nhạc trung thành của anh trong năm 1980. Cũng có một đoạn acoustic, vài đoạn với ca từ được sửa để hợp với hệ thống âm thanh reggae, như thường lệ trong âm nhạc Jamaica. Một số phiên bản này khá lạc quan, gần giống nhịp ska.

Ông chủ Island, Chris Blackwell, gợi ý rằng phiên bản acoustic có lẽ sẽ để lại tác động hơn. Marley đồng tình - và họ đã đúng, ca khúc không cần bất cứ điểm trang nào. Vì vậy, phiên bản acoustic của Redemption Song trở thành ca khúc cuối cùng trong Uprising, album cuối cùng của Bob Marley & The Wailers phát hành khi anh còn sống. Một minh chứng cuối cùng về tinh thần tự do, có thể nói vậy.

Bài hát thể hiện cảm xúc của Marley về cái chết cận kề, chế độ nô lệ và tác động của nó tới thế hệ con cháu, tôn giáo và số phận, nhưng không quên gửi gắm lời động viên tới người hâm mộ. Đừng sợ, ca khúc nói. Sự tồn tại của bạn không được định nghĩa bởi những sức mạnh thế giới, bởi sự hủy diệt, bởi cái ác; mục đích của bạn không phải do thế lực hùng cường lệnh cho, mà bởi Đấng toàn năng. Những người hùng của bạn có thể chết, bạn có thể bị áp bức, bạn có thể cảm thấy mình không thể ngăn chặn những điều sai trái đang xảy ra, nhưng vũ trụ lớn hơn thế. Hãy cùng hát vang ca khúc này. Cuộc chiến lớn nhất của con người, để có thể thanh thản đối mặt với cái chết, là giải phóng tinh thần mình. Bạn có sức mạnh để giải phóng trí óc và tâm hồn mình. Bạn có thể được cứu chuộc.

“Chiến thắng chính mình thì vinh quang hơn là đánh bại hàng ngàn quân sĩ trên chiến trường” - như Lev Tolstoy viết trong cuốn sách chiêm nghiệm cuối đời của mình - Suy niệm mỗi ngày.

Giai điệu nhẹ nhàng, du dương của triết lý thượng thừa “Redemption Song”:

“Thánh ca” về giải phóng

Redemption Song với giai điệu đầy ám ảnh đã lan rộng thông điệp của nó. Ung thư cướp đi thân thể Marley vào tháng 5/1981, 11 tháng sau khi album Uprising của anh được phát hành. Anh ra đi khi mới 36 tuổi. Nhưng những bản thu và hình ảnh của Marley vẫn tiếp tục sự nghiệp, và Redemption Song được coi như thánh ca về giải phóng, bản thu hay bậc nhất và mang thông điệp sống còn. Nó làm được điều này mà không gây chút khó chịu. Một người đàn ông sinh ra trong đói nghèo, đang mang trong mình căn bệnh nan y nhưng hát lên những lời nhẹ nhàng nhất.

Có nhiều phiên bản của Redemption Song, trong đó, cảm động nhất là phiên bản được ghi tại buổi diễn cuối cùng của Marley ở Pittsburgh ngày 23/9/1980. 2 ngày trước đó, anh gục ngã khi đang chạy bộ ở New York. Trong cơn bạo bệnh, anh giới thiệu Redemption là “ca khúc nhỏ này”. Tay trống Conga tham gia cùng anh và họ lại như những ngày đầu của The Wailers, cùng trở lại tinh thần cốt lõi trong âm nhạc của anh giữa thập niên 1960. Một màn biểu diễn như thâu tóm cả một đời chiêm nghiệm.

Redemption Song được chơi trong nhiều bộ phim Hollywood. Nhiều huyền thoại khác hát lại nó, như Joe Strummer, Stevie Wonder, Ian Brown, Eternal, Madonna, Alicia Keys; và John Legend trước cái chết của Nelson Mandela… Nó mãi mãi là nguồn vỗ về, động viên cho những người bị áp bức trong cuộc chiến tìm kiếm tự do tinh thần.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm