(Thethaovanhoa.vn) - Rivers Of Babylon không cần đến Boney M. để được ghi tạc vào lịch sử. Còn Boney M., họ đã được xếp vào hàng ngũ “huyền thoại” nhờ bản hit này.
Boney M. chỉ đơn thuần phối lại và cover Rivers Of Babylon. Nhưng khách quan mà nói, ngay cả người được đề là nhạc sĩ của ca khúc này, cũng không hoàn toàn sáng tác ra nó kể cả về giai điệu lẫn lời ca.
Khúc ai oán của những người con xa xứ
Rivers Of Babylon được viết bởi Brent Dowe và Trevor McNaughton, hai nghệ sĩ thuộc nhóm The Melodians và thể hiện đầu tiên cũng bởi chính ban nhạc này vào năm 1970.
Brent Dowe và Trevor McNaughton đã tận dụng đoạn “Thánh thi” nổi tiếng của người Do Thái nói về nỗi đau khi bị đày ải nơi xứ người, để than khóc về chính tình cảnh hiện tại của họ cũng như hàng triệu người da đen khắp thế giới. Cùng nhau, họ tạo thành cộng đồng “Rastafarian”, được các nhà nghiên cứu định nghĩa như một “tôn giáo mới” hay một “phong trào xã hội” với sức ảnh hưởng mạnh mẽ.
Ban nhạc The Melodians xuất thân từ những con phố của Jamaica - một quốc đảo nằm ở biển Caribbean - nơi mà việc mua bán nô lệ da đen diễn ra khá tấp nập vào đầu thế kỷ 20. Và cũng chính tại nơi đây, tôn giáo Rastafarian nảy nở.
Rastafarian, theo đó kêu gọi sự giải phóng dành cho người da đen và đưa họ trở lại với châu Phi quê hương. Mặc dù tất cả thành viên đều sùng bái Kinh thánh, song người thuộc phong trào Rastafarian lại có khái niệm thiên đường riêng cho mình. Với họ, châu Phi chính là thiên đường, và bởi vậy phong trào này còn có thêm một sứ mệnh thiêng liêng khác là xây dựng lục địa đen phát triển đến đúng tầm vóc của “thiên đường”.
Rivers Of Babylon kể từ thời điểm ra đời đã được cộng đồng Rastafarian tôn vinh như bản “thánh ca” của họ. Song để đến được địa vị đó, Rivers Of Babylon đã từng bị chính phủ Jamaica (bị kiểm soát bởi chính phủ Vương quốc Anh) cấm tiệt như một hình thức “phản động, kích động quần chúng”. Một nỗ lực ngăn cản Rastafarian bởi những hệ quả khó lường đối với chính quyền.
Tuy nhiên nhà sản xuất của The Melodians - Leslie Kong đã nghĩ ra một lý lẽ rất thông minh khiến chính phủ cũng phải “cứng họng”. Anh bảo, Rivers Of Babylon lấy lời từ Kinh thánh, mà Kinh thánh thì đã được cất lên từ ngàn đời nên việc cấm đoán chẳng khác gì hình thức báng bổ.
Hậu lệnh cấm, Rivers Of Babylon chỉ mất đúng 3 tuần để leo lên đỉnh BXH âm nhạc của Jamaica.
Khao khát giải phóng trên nền nhạc tự do
Rivers Of Babylon dựa trên Thánh thi, thể hiện những khát khao của người Do Thái khi bị bắt lưu đày ở Babylon trong suốt 70 năm, sau cuộc chinh phục của vua Nebuchadnezzar Đại đế ở Jerusalem vào năm 568 TCN. Những câu thơ phản ánh trực diện nỗi đau ai oán qua lời tâm sự gửi đến Chúa như: “Bên những dòng sông của Babylon, chúng con ngồi và khóc khi nhớ lại Zion… Những kẻ bắt chúng con làm phu tù yêu cầu chúng con hát … Làm thế nào chúng con có thể hát bài ca của Chúa trên đất ngoại bang?”.
Zion ở đây chính là tên gọi cũ của vùng đất Jerusalem ngày nay. Nhà thơ viết nên Thánh thi này có lẽ chẳng thể tưởng tượng được tác phẩm của ông có một ngày không chỉ ảnh hưởng đến người Do Thái, người Ki tô giáo mà còn cả “tôn giáo mới” Rastafarian. Các nghi thức truyền thống của Rastafarian thường bao gồm việc hát, họ cũng hay biến tấu ngôn ngữ để phù hợp với tư tưởng của mình, trong đó Thánh thi 137 rất thường được sử dụng.
Tuy nhiên điều không ngờ hơn là tác phẩm mang tính linh thiêng ấy cuối cùng lại được phổ biến khi đặt trong lớp giai điệu sặc mùi đường phốcủa loại nhạc reggae.
Nhạc sĩ Brent Dowe nói, anh chắp nối Thánh thi với reggae vì muốn gia tăng nhận thức của công chúng về phong trào Rastafarian kêu gọi giải phóng người da đen cũng như công bằng xã hội. Một lý do nữa khá hiển nhiên là The Melodians chuyên hát reggae, đây cũng là thể loại nhạc bắt nguồn từ Jamaica.
Song chất reggae chủ yếu nằm ở phần đệm và cách hát phóng khoáng của The Melodians. Còn giai điệu thì có vẻ đã được hai nhạc sĩ lấy từ bản nhạc How Dry I Am của Irving Berlin, sáng tác năm 1919. Hai bài giống nhau đến gần như tuyệt đối nhưng lại chưa có ai từng lên tiếng về việc này.
Từ Jamaica ra thế giới
Công lao của The Melodians là đưa Rivers Of Babylon lên đầu BXH của Jamaica. Còn phổ biến nó ra thế giới thì lại không nằm ở phần việc của họ.
Sau2 năm phát hành, Rivers Of Babylon được chọn đưa vào soundtrack của bộ phim The Harder They Come do Perry Henzell đạo diễn. Phim kể về một chàng trai từ ngôi sao âm nhạc trở thành tên tội phạm khét tiếng, ra mắt tại Anh năm 1972 và tại Mỹ 1 năm sau.
Ban đầu The Harder They Come không được chú ý nhiều, trừ ở thị trường Jamaica. Tuy nhiên 1 năm sau khi ra mắt tại Mỹ, phim bỗng lọt vào danh sách những lựa chọn hàng đầu của các suất chiếu đêm và từ đó dần phổ biến khắp thế giới. Loạt soundtrack cũng theo đó mà nổi tiếng, kéo theo sự “lên ngôi” của loại nhạc reggae khắp thế giới khi nó được dùng chủ yếu trong phim này.
Thế rồi 5 năm sau, một lần nữa Rivers Of Babylon “trở lại” với một hình hài mới khi Boney M. hát lại nó. Được làm mới với sắc thái pop mang tính đại chúng cao hơn, phiên bản Rivers Of Babylon của Boney M. đạt thành công vượt trội và đến nay được xếp ở vị trí thứ 5 những ca khúc bán chạy nhất tại Anh, đứng đầu danh sách này là Candle In The Wind của Elton John. Đây cũng là một trong số 7 đĩa đơn duy nhất bán được trên 2 triệu bản tại Anh.
“Loại nhạc reggae lên ngôi khắp thế giới khi Rivers Of Babylon được dùng trong phim The Harder They Come. |
Người Palestine ghét “Rivers Of Babylon”? Vào năm 2010, Boney M. đến Palestine biểu diễn trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế của đất nước này. Giọng ca chính của nhóm - Maizie Williams - tiết lộ, trưởng ban tổ chức chương trình đề nghị nhóm loại Rivers Of Babylon ra khỏi nhạc mục. Lý do được người này đưa ra là Rivers Of Babylon xuất phát từ Thánh thi đề cập đến việc người Do Thái khao khát trở lại quê hương mà ở đây có ý chỉ Israel. Người Palestine cũng luôn nghi vấn về mối liên kết lịch sử giữa người Do Thái và “đất thánh” Jerusalem. “Tôi không rõ đây là vấn đề chính trị hay gì, nhưng bị yêu cầu như vậy khiến tôi hơi thất vọng” - Maizie Williams nói -“Người phụ trách đã nhấn mạnh: Rivers Of Babylon không phù hợp với không khí tại Palestine”. |
Hà My
Tags