(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc tới Charlie Chaplin, điều đầu tiên nhiều người nghĩ tới hẳn là hình ảnh hài hước về “vua hề Sác-lô” . Bản thân Chaplin lại nói: “Tôi có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Nhưng môi tôi là không biết điều đó. Chúng luôn cười”. Thế nhưng, nụ cười nhiều khi chính là cách để giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống.
Trong cảnh cuối cùng của bộ phim câm cuối cùng Chaplin làm-Modern Times (1936), khi nhân vật lang thang bị đời vùi dập mà ông hóa thân hăm hở bước tới cuộc sống mới cùng người yêu, khi họ cùng đứng lên từ bãi cỏ, khi ông chỉ vào khóe miệng mình để nói cô cùng cười, nhạc Smile đã vang lên thay cho lời kết.
Chàng “thư ký âm nhạc”
Thiên tài Charlie Chaplin không chỉ viết, đạo diễn và đóng vai chính trong phim của ông, ông còn sáng tác cả phần nhạc. Với những bộ phim câm, không có lời thoại, thì âm nhạc chính là tiếng nói của nhân vật, nó đóng một vai trò rất lớn.
Là một “con quái vật” trên phim trường - như Marlon Brando nhận xét - cầu toàn tới khắc nghiệt, không lạ khi Chaplin muốn kiêm nhiệm luôn cả vị trí người soạn nhạc phim. Tuy nhiên, trên thực tế, đúng là Chaplin đã viết Smile, nhưng chỉ gián tiếp. Mặc dù Chaplin được ghi nhận là tác giả hoàn toàn của ca khúc, ông vẫn phải dựa vào một “thư ký âm nhạc” để chuyển ý tưởng của ông thành nhạc phổ. Nhà soạn nhạc David Raksin, người tự thân viết hàng trăm ca khúc khác, trong đó có nhiều bản đình đám như Laura, là người giữ vai trò này trong Modern Times.
Nhưng chặng đường gian nan để ra đời ca khúc kinh điển Smile mà mọi người biết tới hiện nay vẫn chưa dừng lại ở đó. Cả Chaplin lẫn Raksin đều không hề có ý định biến bản nhạc này thành ca khúc. Chuyện chỉ xảy ra vào năm 1954, khoảng 8 năm sau Modern Times, khi bộ phim được công chiếu.Phần lời ca khúc là sáng tạo tuyệt vời của nhạc sĩ John Turner và Geoffrey Parsons, những người đã chuyển thể giai điệu du dương chủ đề của bộ phim, thay đổi đôi chút, để thành ca khúc Smile.
Nhưng mỗi khi thảo luận về ca khúc thuộc hàng nổi tiếng nhất nước Mỹ này, mọi người thường chỉ nhắc tới một mình tên Chaplin. Phải chăng vì danh tiếng của ông quá lớn? Hay cần phải tô vẽ thêm vinh quang cho một huyền thoại?
Có lẽ là không, nếu nhìn lại toàn bộ vai trò phủ bóng của Chaplin trên ca khúc này.
Chàng “thư ký âm nhạc” Raksin -về sau được mệnh danh là “ông tổ của những nhà soạn nhạc phim” - sau khi nghỉ hưu, đã lui về dạy học và dành nhiều năm viết cuốn tự truyện khổng lồ của mình, The Bad And The Beautiful: My Life In A Golden Age Of Film Music. Trong một lần gặp phóng viên Paul Zollo của American Songwriter, Raksin vô cùng thích thú và hài lòng khi thấy có người yêu mến và ngưỡng mộ Chaplin nồng nhiệt như vậy. Chính trong lần này, ông đã chia sẻ những chi tiết chưa từng tiết lộ về mối giao hảo giữa ông và Chaplin cũng như quá trình thai nghénSmile.
Raksin, ban đầucũng giống như tất cả những người từng là “thư ký âm nhạc” của Chaplin: Sớm bị sa thải trước khi hoàn thành công việc. Nhưng sản phẩm của ông may mắn được cứu, không phải bởi bất kỳ ai mà bởi chính nhà soạn nhạc phim huyền thoại Alfred Newman, chú của Randy Newman. Từ đây, nảy nở mối quan hệ đặc biệt giữa Raksin và Chaplin, đồng thời hé lộ một phần con người thật của người đàn ông luôn cười trên màn ảnh.
Hiện thân của ca khúc
“Ca khúc Smile xuất phát từ bộ phim Modern Times của Chaplin. Ông ấy vẫn được ghi nhận là tác giả viết nhạc nhưng thật ra chúng tôi đã viết cùng nhau. Chuyện xảy ra khi Harms Music mời tôi hợp tác làm nhạc với Charlie trong phim mới của ông. Lần đầu tôi gặp ông là ở xưởng phim của ông tại La Brea & Sunset. Từng có một ngôi nhà ngay cạnh đó. Em trai Sydney của Charlie sống tại đó. Hồi đó, đây là một nơi tuyệt đẹp của thị trấn.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Chaplin là: Ông là người nhỏ con ăn vận cực kỳ đẹp. Một bộ vest tuyệt đẹp cùng đôi giày có mũi như ghệt. Bảnh bao vô cùng! Tôi chưa bao giờ thấy ông giống như ông trong những bức ảnh, tứckẻ lang thang cơ nhỡ. Thoạt đầu, ông dường như là người khác hẳn so với một kẻ lang thang, nhưng rồi sau đó, anh sẽ lại thấy điều đó ở ông. Tôi ngồi đó với ông trong phim trường. Ông ở đó, nhưng ông cũng đồng thời là nhân vật trên màn ảnh.
Ngoài đời, ông đôi khi cũng vui đùa, nhưng không nhiều. Chúng tôi làm việc ở phim trường. Chúng tôi lao vào việc ngay khi mới gặp. Lúc bắt đầu, ông ấy vẫn còn đang chỉnh sửa phim. Ông cho tôi xem phim trước. Tôi thấy nó tuyệt vời.
Ông có chút khái niệm về âm nhạc. Ông chơi chúng. Đôi khi, ông chơi vài hợp âm nhỏ 3 ngón, đôi khi chỉ chơi giai điệu. Chúng tôi thảo luận về nó. Tôi sẽ ghi chú và đôi khi ra đề xuất, nói với ông tôi nghĩ gì.
Sau khoảng một tuần rưỡi, ông sa thải tôi. Ông không thích một đứa trẻ kiểu 23 tuổi dạy bảo một người đàn ông vĩ đại ở Hollywood phải làm gì. Ông hoàn toàn chuyên quyền và không quen nghe ai nói: Này, đợi chút, Charlie. Chúng ta có thể làm tốt hơn thế.
Nhưng Alfred Newman đã xem phác thảo những giai điệu nhỏ tôi làm với Charlie và nói lại với ông: Ông điên rồi mới sa thải chàng trai này.Thế là, họ yêu cầu tôi trở lại nhưng tôi nói tôi không thể trở lại khi chẳng hiểu gì về Charlie. Tôi nói tôi phải được nói chuyện riêng với Charlie. Bởi điều tôi phải nói với ông, nếu tôi nói trước mặt cả nhân viên thì có thể gây ảnh hưởng tới vị thế của ông.
Thế là chúng tôi được gặp riêng và tôi nói với Charlie: Này, nếu ông cần một thư ký âm nhạc thì đó không phải tôi. Ông không cần một con rối chạy việc. Ông đã thừa mứa người như vậy rồi. Không ai dám nói không với ông, hay thay đổi bất kỳ điều gì ông làm. Nhưng nếu ông cần ai đó dám mạo hiểm mọi lúc để đảm bảo bản nhạc đúng như nó nên vậy thì tôi sẵn sàng làm. Và ông ấy thích vậy.
- Vua hề Charlie Chaplin đã trở thành ngôi sao lớn nhất thế giới như thế nào?
- Lộ diện sự 'độc ác, bạc bẽo' của Charlie Chaplin trong hồ sơ ly dị
Chúng tôi cùng làm việc bên dương cầm. Ông sẽ chơi dương cầm bằng 2 ngón. Ông có những ý tưởng đẹp nhưng không biết cách mở rộng hay diễn giải chúng và đó là việc tôi phải làm. Ông biết rất nhiều nhạc. Ông có nhiều bản thu nhưng không phải nhạc sĩ. Ông không có khái niệm về khóa nhạc hay bất cứ gì. Ông không chọn C trưởng hay gì cả. Ông chỉ chơi “ding ding ding”, kiểu vậy, rồi tôi phải tự tìm ra.
Ông sẽ chơi gì đó và tôi nói: Ý ông là vậy à? Rồi chúng tôi sẽ nói nó cần ra sao tiếp theo. Ông học cách chấp nhận những gợi ý của tôi và rất biết ơn. Chúng tôi nói về dàn nhạc. Ông ấy như con chim ác là. Ông học mọi thứ, ông hiểu về dàn nhạc và có ý tưởng khá hay về hòa âm phối khí”.
Chính Chaplin là người đã chơi những nốt mở đầu Smile rồi cùng Raksin, họ sinh ra những biến thể phía sau. Họ đã cùng nhau viết nhưng Raksin thừa nhận ông không thấy phiền khi không được ghi nhận là tác giả. Vai trò của ông có thể là người cải biên. Và khi là người cải biên, đôi khi cũng phải sáng tác thêm. Nhưng người giữ vai trò chủ đạo, tinh thần của bản nhạc, tất nhiên vẫn là Chaplin.
Ngay cả phần lời của Smile cũng vậy, dù Chaplin hoàn toàn không tham dự vào quá trình viết lời. Sẽ rất dễ hiểu khi đọc phần lời này: “Cười lên dù trái tim bạn đang đau/ Cười lên ngay cả khi tan vỡ/…Nếu bạn cười trong sợ hãi và buồn đau/ Có thể vào ngày mai, bạn sẽ thấy mặt trời chiếu sáng mình”.Turner và Parsons đã viết lời này dựa trên hình ảnh và tinh thần đáng quý của Chaplin - ở cả nhân vật trong phim lẫn người thực ngoài đời: Một người thường cười trên khuôn mặt buồn khổ.
“Smile” và các huyền thoại âm nhạc Nằm trong hàng kinh điển của lịch sử âm nhạc, ca khúc Smile đầu tiên được ghi âm bởi Nat “King” Cole năm 1954 và trở thành hit đầu tiên của huyền thoại này. Judy Garland cũng có màn biểu diễn Smile tuyệt vời trên The Ed Sullivan năm 1963, tạo tiếng vang vọng xuyên qua những tăm tối năm đó và về sau. Michael Jackson thường nói đây là ca khúc yêu thích của ông và từng ghi âm trong phiên bản dàn nhạc, phúc âm tuyệt đẹp. Các anh em trai ông cũng chọn chính Smile để biểu diễn trong tang lễ của ông như tiếng ai điếu cuối cùng. Gần đây nhất phải kể tới phiên bản của Jimmy Durante - nổi tiếng bởi cái mũi hơn là âm nhạc - năm 1959, được dùng trong bom tấn năm 2019 Joker, do Joaquin Phoenix thủ vai chính. Khi buồn, nên thả mình theo nỗi buồn hay cười lên? Đó là câu hỏi tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng đã có nhiều trường hợp - đặc biệt ở các nhà khắc kỷ và thiền sư - nụ cười đã được chứng minh là tiên dược để vượt qua mọi khốn khó cuộc đời. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Tags