Ca khúc 'Subterranean Homesick Blues': Bob Dylan - Lao vào vùng băng giá

Chủ nhật, 20/03/2022 19:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bí quyết để duy trì sự hợp thời, đó là đừng bám vào những công thức. Cũng tốt thôi nếu ở yên trong địa hạt đang thành công.

'Tangled Up In Blue' của Bob Dylan: Cánh chim chấp chới bay giữa trời xanh buồn

'Tangled Up In Blue' của Bob Dylan: Cánh chim chấp chới bay giữa trời xanh buồn

Bất chấp sau giải Nobel Văn chương 2016, khi dân tình đổ xô vào mổ xẻ (một lần nữa) từng chữ trong ca từ của Bob Dylan, ông vẫn luôn là một bí ẩn, một bức tranh trừu tượng khiến khán giả bị bỏ bùa nhưng “bất khả tư nghị”.

Nhưng nếu đẩy bản thân ra ngoài những ranh giới đã biết, thách thức mình chinh phục những lãnh thổ xa lạ với tất cả sự tin tin và thông thạo - đó là cách khiến một người không chỉ hợp thời mà còn dẫn đầu. Di sản của Bob Dylan cho thấy ông là người vô cùng am tường bí quyết này.

1. Vào một ngày mùa Đông lạnh giá ở New York, với nhiệt độ xuống tới gần 0 độ C, Bob Dylan bước vào phòng thu A của hãng Columbia để thay đổi lịch sử bằng một ca khúc có tên Subterranean Homesick Blues.

Vào thời điểm đó, ngày 14/1/1965, Dylan được cả thế giới biết tới như một nghệ sĩ folk ào ào tung ra những bản nhạc bom tấn đậm tính chính trị. Chất giọng thô mộc không chút điểm trang của ông có vẻ ngổ ngáo hơn tiếng đàn guitar acoustic nhịp nhàng và tiếng kèn harmonica chói tai nhưng du dương đi cùng, đã làm nên bản sắc này. Đó là chiêu bài Dylan tung ra từ khi xuất hiện ở Greenwich Village 4 năm trước. Một thanh niên 19 tuổi đến từ Minesota với quần Jean rách bươm nhưng ngạo nghễ gần như bước ra từ thần thoại, cất tiếng hát về bất công xã hội và chính trị, nêu bật chủ nghĩa cấp tiến, giúp nâng cao nhận thức công chúng.

Chú thích ảnh
Bob Dylan trên bìa đĩa đơn “Subterranean Homesick Blues”

Chiếc vỏ bọc này được đón nhận cuồng nhiệt tới mức Dylan hoàn toàn có thể sống lừng lẫy với nó trong suốt phần đời còn lại như khuôn mẫu cho mọi ca sĩ - nhạc sĩ nửa thế kỷ tới. Nhưng giậm chân tại chỗ không phải con người của Dylan. Sau 4 album gây dựng hình tượng thành công, Dylan nhận ra đã đến lúc phải bước ra ngoài nơi trú ẩn.

Với Subterranean Homesick Blues, ông tiến vào cú rẽ lớn đầu tiên, tạo nên bước ngoặt sự nghiệp, cắm dây điện vào cây đàn guitar: “Không ai bảo tôi chơi đàn điện cả. Tôi cũng chẳng hỏi ai. Không ai hết”. Mặc dù không hẳn đồng tình với cú bẻ lái này, khán giả folk của ông cũng phải nhướn mày và ca khúc thật sự khiến Dylan linh hoạt hơn trong tư cách nghệ sĩ.

Thật ra, trước đó, Dylan đã nhúng thử chân vào dòng rock ‘n’ roll tuôn trào mãnh liệt với đĩa đơn năm 1962 Mixed-up Confusion. Tuy vậy, cái lạnh tê buốt đã khiến ông phải rụt chân lại, lui về vùng ấm áp của mình. Nhưng ông không hoàn toàn từ bỏ thử nghiệm, nhất là sau sự xuất hiện gần như đồng thời của The Beatles và The Stones khiến ông chú ý, cũng như màn cải biên của Animals cho The House Of The Rising Sun- vốn truyền cảm hứng cho album đầu của ông- leo lên đầu BXH ở Mỹ và Anh năm 1964.

Nói đúng hơn, ông đã dấn tới bằng những tiếp xúc nhỏ để dần thích nghi, chờ ngày lao ra khỏi cái kén. Ví dụ, ông đã kết hợp blues trong album thứ 2 Freewheelin’ Bob Dylan, phát hành ngay sau đĩa đơn thảm hại về thương mại. Tuy nhiên, một ca khúc sẽ thay đổi tất cả. Subterranean Homesick Blues cho phép ông trở lại với thế giới rock ‘n’ roll bằng một cú nổ lớn.

Thánh ca thế kỷ “Subterranean Homesick Blues”:

2. May mắn, Bob Dylan không phải đơn độc trong cuộc dấn thân có thể sẽ là thêm một lần nữa thất bại. “Đồng phạm” của ông, nhà sản xuất mới Tom Wilson, là người thúc đẩy ông đi theo hướng mới. Wilson đã tập hợp một số nhạc sĩ về phòng thu A của Columbia vào ngày thứ 2 trong chuỗi 3 ngày Dylan thu âm album mới - rồi sẽ tung ra vào tháng 3 với tên Bring It All Back Home.

Có một sự khác biệt so với ngày hôm trước: Sự hiện diện của John Sebastian, một nghệ sĩ folk khác ở Village. Sebastian sẽ chịu trách nhiệm guitar bass đệm cho 2 trong 6 ca khúc Dylan thu âm vào hôm đó. Một trong số đó được Wilson nói trên băng. “Giữ yên lặng trong phòng thu” - ông ra lệnh. “Quay” - kỹ sư đáp và nhà sản xuất giơ lên tấm bảng như làm phim Hollywood: “CO 85275, Subterranean Homesick Blues No 10, lần 1”.Hậu tố “No 10” cho thấy ban đầu, Subterranean Homesick Blues được lên ý tưởng như phần tiếp theo loạt ca khúc talking-blues từng mang lại sự khuây khỏa vui tươi cho những tác phẩm trước của Dylan. Nhưng như mọi người đã biết: Một số phận khác đang tới!

Với micro trước mặt, Dylan bắt đầu tuôn ra những câu hát được viết theo dòng ý thức, nơi ông cố gắng kết hợp mọi suy nghĩ của bản thân với mọi thứ đang diễn ra trên thế giới vào những năm giữa thập niên 1960 trong một ca khúc dài 3 phút. Lúc đó, Dylan đã hoàn toàn xa rời những ca từ mang tính thời sự nói chung, dấn thân vào những góc độ cá nhân hơn. Tuy nhiên, ca khúc này chứng kiến sự hợp nhất của cả 2.

Chú thích ảnh
Hình ảnh biểu tượng của MV “Subterranean Homesick Blues”

Chuyển từ ám chỉ này sang ám chỉ khác, nhanh hơn mức tiếp nhận của não, Subterranean Homesick Blues nói về nạn buôn ma túy, sự bất mãn trong xã hội, cảnh sát bạo lực trước người biểu tình, dân quyền hay những thử thách, khổ nạn của thập kỷ mới đè lên thanh thiếu niên… Dylan cũng nỗ lực đi theo phong cách của những nhà thơ Thế hệ Beat - luôn là một thành trì trong trí tưởng tưởng của ông - trong ca khúc. Dylan đã bị Beat mê hoặc trong những ngày học đại học: “Đó là Jack Kerouac, Ginsberg, Corso và Ferrlinghetti” - Dylan có lần giải thích. Ngay cả tên ca khúc cũng được mượn từ cuốn tiểu thuyết bán hư cấu The Subterraneans năm 1958 của Kerouac.

Trong khi ca từ phản ánh sự ảnh hưởng của Kerouac cũng như từ ca khúc Taking It Easy của Woodie Guthrie-Pete Seeger, phần âm nhạc, như Dylan giải thích, là từ Chuck Berry: “Đó là từ Chuck Berry, một chút của Too Much Monkey Businesss và vài điệu ngâm nga những năm 40”.

Phần blues này lại cũng độc đáo như ca từ. Thay vì sử dụng 8 hay 12 ô nhịp như tiêu chuẩn, Dylan đã làm tới 18 ô để chứa tất cả những phiên khúc của mình. Ông thậm chí còn bắt đầu phiên khúc cuối sớm để thêm 1 ô nhịp nữa. Cấu trúc phức tạp này đã khiến tay bass Bill Lee (cha của nhà làm phim Spike)bối rối, vấp váp nhiều lần trong quá trình thu. Tuy nhiên, sự thiếu chính xác và thô ráp đó lại làm tăng sức hấp dẫn của ca khúc và làm nổi bật lập trường kiên định của Dylan là chống lại truyền thống. Bài hát cũng thu xong chỉ với 1 lần thu duy nhất!

Việc có thêm clip quảng bá, vốn là tiền thân của MV biểu tượng sau này, càng khiến ca khúc thêm choáng váng với nhiều người. Đoạn clip gốc có Don’t Look Back - phim tài liệu về chuyến lưu diễn ở Anh năm 1965 của Dylan. Trong clip, Dylan đứng ở trong con hẻm sau khách sạn Savoy ở London và lật các tấm thẻ viết các cụm từ trong ca khúc với lối chơi chữ và lỗi chính tả chủ đích. Thẻ được viết bởi nhà thơ Beat Allen Ginsberg, nhạc sĩ Bob Neuwirthand và nghệ sĩ folk Donovan -2 người cũng xuất hiện trong khung hình, đứng góc phía sau Dylan.

Cùng với R&B của Berry và những nguồn ảnh hưởng khác, ca khúc kết hợp tính cấp bách, biểu tượng và chủ nghĩa siêu thực xuất thần của các nhà thơ Beat. Đây là tiếng hú điềm báo cho một thế hệ, rộn ràng năng lượng điện. John Lennon nằm trong số những người ngưỡng mộ ca khúc cuồng nhiệt, tới mức ghen tị. Lennon, vốn “nằm vùng” rock ‘n’ roll, cảm thấy rất lo lắng rằng mình không thể viết được gì đủ cạnh tranh với Subterranean Homesick Blues. Tuy vậy, ông đã giữ được tinh thần giống Dylan khi phát biểu: “Nghe này, chẳng có gì sai khi đi theo những hình mẫu. Chúng ta có thể có những người đứng đầu và ngưỡng mộ họ, nhưng chúng ta không cần lãnh đạo!”.

“Thánh ca” của thập kỷ

Khi Subterranean Homesick Blues mới ra mắt, thế giới dường như vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Ở Anh, ca khúc đạt vị trí No.9 còn ở Mỹ chỉ là No.39 (nhưng vẫn là hit Top 40 đầu tiên của Dylan). Thời gian dần trả lại công bằng khi ca khúc dần trở thành thánh ca của thập kỷ, được cover bởi những nghệ sĩ trẻ lừng lẫy, lấy cảm hứng và ám chỉ rất nhiều.

Jet đặt tên album đột phá năm 2003 Get Born theo lời ca khúc, Radiohead có cả ca khúc mang tên Subterranean Homesick Blues trong album Ok Computer…Gần đây nhất, ban nhạc lớn nhất thế giới hiện nay là BTS đã tái hiện MV Subterranean Homesick Blues trong thông điệp bảo vệ hành tinh ở khung giờ đắt đỏ nhất thế giới là giải lao Super Bowl.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›