Ca khúc 'The Thrill Is Gone': Định hình 'dòng chảy' blues

Thứ Sáu, 02/03/2018 12:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Blues được sáng tạo ra bởi những người da đen tại Mỹ. Đã từng có thời, thể loại này bị người da trắng cố tình lãng quên trong nỗ lực gạt đi một quá khứ nhuốm sắc thái đen của những xung đột, những cuộc nội chiến. Và hơn hết, văn hóa của người Mỹ gốc Phi, thậm chí cho đến tận bây giờ, luôn bị đặt ở “chiếu dưới” bởi những định kiến và phân biệt chủng tộc. Nhưng dẫu sao, dòng chảy lịch sử xám xịt ấy cũng không thiếu những điểm sáng, và The Thrill Is Gone của “ông vua nhạc Blues” BB King là một trong số đó.

Chưa khi nào văn hóa của người da đen được quan tâm đặc biệt như những ngày gần đây, cùng với sức nóng từ phim bom tấn Black Panther. Một tương lai mới đang mở ra với người Mỹ gốc Phi khi bằng dấu mốc của người anh hùng Báo Đen. Và BB King cũng từng làm được điều đó trong địa hạt âm nhạc với The Thrill Is Gone.

Chiến tích vĩ đại của “ông hoàng”

BB King được tôn vinh là “ông vua nhạc blues”, bởi chính ông đã “khai đường mở lối” đưa thể loại này hòa vào dòng chảy âm nhạc đại chúng. The Thrill Is Gone là “chìa khóa” BB King dùng để mở cánh cửa đó, đây cũng chính là ca khúc gắn liền với tên tuổi ông.

Thật ra, The Thrill Is Gone không phải sáng tác của BB King. Ông biết đến ca khúc này vào đầu những năm 1950 khi đang khởi nghiệp với vị trí ca sĩ kiêm DJ tại đài phát thanh ở Akansas, miền Nam nước Mỹ. Vị trí đã đem đến cho ông danh tiếng cùng lượng khán giả ban đầu.

Chú thích ảnh
Album “Completely Well” của BB King chứa ca khúc “The Thrill Is Gone”

Ngày ấy BB King phụ trách chuyên mục King Biscuit Time. Trong số những ca khúc được ông lựa chọn để lên sóng, BB King đặc biệt thích sáng tác của Roy Hawkins.

The Thrill Is Gone được Roy Hawkins phát hành năm 1951. Bản thu của Roy Hawkins ban đầu mang nhiều chất jazz hơn, với việc sử dụng piano và âm thanh của saxophone, mặc dù thời điểm ấy Roy Hawkins cũng là một tên tuổi của blues.

Bài hát đặc tả cảm xúc của người đàn ông vừa “dứt áo” khỏi một mối tình nặng nề, mối quan hệ mang đến cho anh ta cảm giác “sợ hãi”. Anh ta miêu tả người tình như một “mối kinh sợ”. Và chia tay, đồng nghĩa với việc “mối đe dọa đã qua”, người đàn ông này “thoát khỏi bùa mê”.

BB King mê mẩn sáng tác này nên muốn làm lại nó một cách hoàn hảo nhất. Theo lời kể của Bill Szymczyk (nhà sản xuất về sau hợp tác với Eagles), BB King thu âm vô số lần nhưng đều vứt xó vì không hài lòng.

Mất kiên nhẫn, Bill Szymczyk một hôm quyết định gọi cho BB King vào lúc 4h sáng. “Mắt nhắm mắt mở”, BB King bắt máy và đồng ý ngay với gợi ý của Bill Szymczyk rằng nên bổ sung thêm đàn dây.

Về sau BB King thú thật là với một cuộc điện thoại vào giờ đó, ông sẽ đồng ý với bất cứ điều gì, chỉ cần nhanh chóng để được… ngủ tiếp.

May cho “ông hoàng nhạc blues”, Bill Szymczyk với phẩm chất của một nhà sản xuất “có tâm” đã không lợi dụng điều đó. Sự bổ sung của Bill Szymczyk được đánh giá là yếu tố quan trọng “đánh bóng” lại bản thu The Thrill Is Gone, giúp nó đạt đến đẳng cấp mới so với phiên bản gốc và với chính phong cách của BB King trong quá khứ. Thành công của BB King và Bill Szymczyk nằm ở chỗ đã chuyển thể The Thrill Is Gone thành ca khúc thuần blues đẳng cấp.

The Thrill Is Gone phiên bản BB King chính thức được ra mắt năm 1971, nằm trong album Completely Well. Ngay lập tức, ca khúc vươn lên vị trí thứ 2 trên BXH Billboard R&B, đứng thứ 15 tại BXH Billboard đại chúng, một vị trí chưa từng thấy đối với một ca khúc nhạc blues.

Đầu năm 1970, The Thrill Is Gone đưa BB King lên bục nhận giải Grammy cho Giọng ca nam R&B xuất sắc nhất. Tiếp tục đến năm 1998 ông ghi danh tại Sảnh danh vọng Grammy.

Nhiều người sẽ cho rằng, thứ hạng trên, thậm chí cả giải thưởng Grammy là quá ít ỏi so với tầm ảnh hưởng của The Thrill Is Gone. Sự thật là nhiều học trò của BB King như Eric Clapton hay Michael Bloomfield về sau giành được những thứ hạng cao hơn. Nhưng ảnh hưởng của The Thrill Is Gone lại không nằm ở BXH, mà ở công lao định hình nên dòng chảy nhạc blues từ những năm 1970 trở về sau.

Chú thích ảnh
“Ông vua nhạc Blues” BB King và cây đàn Lucille

BB King và Bobby Baland “lần đầu cùng nhau”

5 năm sau thời điểm phát hành lần đầu, The Thrill Is Gone tiếp tục được đưa vào album khác của BB King. Album live thực hiện cùng người đồng nghiệp tài danh Bobby Bland, Together For The First Time…Live.

Trước khi thực hiện album này, BB King và Bobby Baland đã có thời gian dài không ưa nhau theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” khi cả hai cùng tạo dựng tên tuổi ở thể loại R&B. Sau rồi mối hiềm khích được hóa giải và họ trở thành bộ đôi thân thiết sát cánh trên “cuộc chiến” gìn giữ nhạc blues trong sự tẩy chay của người da trắng. Cả hai đã thực hiện rất nhiều show diễn, concert trong khoảng thời gian những năm 1970 và 1980. Bobby hát trên nền đàn của BB King, và cứ như vậy trên cuộc hành trình đưa nhạc blues đến từng ngóc ngách của nước Mỹ.

Sau thành công của album Together For The First Time…Live, BB King và Bobby Baland tiếp tục thực hiện album live tiếp theo, Together Again…Live vào năm 1976. Địa điểm họ lựa chọn để thực hiện là tại hộp đêm The Grove ở Los Angeles (địa điểm hộp đêm này cũng chính là nơi Tổng thống Kennedy bị ám sát).

Rất nhiều người da màu đã đến xem buổi thu âm này, và cũng không thiếu những bóng người da trắng trẻ tuổi, những người sinh ra sau cuộc nội chiến không bị ảnh hưởng bởi định kiến của quá khứ. Những giai điệu blues giàu cảm xúc đã xóa mờ khoảng cách, họ cùng nhảy múa, nâng những ly Scotch và để cho tình yêu âm nhạc xóa mờ đi khoảng cách chủng tộc.

Theo một câu chuyện mà Bobby Baland kể lại, ông đã phải thuyết phục rất nhiều, thậm chí chịu đựng một vài sự càu nhàu nhẹ để BB King đồng ý thu âm The Thrill Is Gone cho album thứ hai này. Và nếu để ý trong bản thu này, có thể nhận thấy một giọng nữ ngân nga ở khúc giữa. Đó chính là giọng của một nữ khán giả được Bobby Baland mời lên sân khấu sau khi thấy cô đứng ở dưới hát theo một cách say sưa.

“Ông vua nhạc Blues” BB King

BB King (1925 - 2015), tên thật là Riley B.King, là nghệ sĩ guitar, ca sĩ và nhạc sĩ nhạc blues người Mỹ.

Cùng với Albert King và Freddie King, ông lập nên “Bộ 3 King của blues guitar” và được công nhận là nghệ sĩ nhạc blues có ảnh hưởng nhất tới nền âm nhạc đại chúng.

Theo nhận xét của nhà phê bình âm nhạc Edward M. Komara, BB King “đã mang tới phong cách chơi guitar đầy tinh vi kết hợp giữa việc chơi solo miết dây và cách tạo rung huyền ảo, từ đó ảnh hưởng tới tất cả những nghệ sĩ guitar nhạc blues kế cận”.

Ông tạo cho mình một ngón đàn đặc trưng mà chỉ cần nghe có thể nhận ra đó chính là BB King. Kỹ thuật rung và miết dây của ông được nhiều nghệ sĩ guitar về sau lấy làm bài học “vỡ lòng”.

Suốt khoảng thời gian sự nghiệp, BB King đều đặn tổ chức mỗi năm 200-300 buổi biểu diễn và chỉ ngừng lại khi ông đã lớn tuổi (70 tuổi). “Ông vua nhạc blues” qua đời ngày 14/5/2015 tại nhà riêng ở Las Vegas, Nevada bởi biến chứng cao huyết áp và tiểu đường.

BB King được vinh danh tại Sảnh danh vọng Rock and Roll vào năm 1987.

Nghi vấn “Vua nhạc blues

Nghi vấn “Vua nhạc blues" B.B. King bị đầu độc

2 cô con gái của huyền thoại nhạc blues B.B King vừa cáo buộc các cựu nhân viên của ông là LaVerne Toney và Myron Johnson đã sát hại cha đẻ.

Hà My

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›