(Thethaovanhoa.vn) - Xuân sang, đất trời giao hòa, vạn vật bừng tỉnh, lòng người cũng rộn ràng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc không định danh treo trên từng chiếc lá non, vẩn vơ theo ngọn gió xuân mát dịu. Nếu có một giai điệu nào thích hợp hàng đầu để “tâng bốc” thứ cảm xúc lâng lâng ấy, hẳn là Top Of The World của anh em nhà Carpenter.
Gây kích thích từ những nốt dạo đầu tiên rồi vỡ òa theo nhịp “nhún nhảy” của điệp khúc, Top Of The World không chỉ chiếm trọn không gian hạnh phúc của những người đang yêu, mà sau gần nửa thế kỷ, giai điệu này vẫn tiếp tục gây thương nhớ cho ngườiyêu nhạc trên toàn thế giới. Một bài ca của hạnh phúc, của tình yêu tươi đẹp và trong sáng.
Tâm huyết và chỉn chu
Những ca khúc của The Carpenters trong suốt 14 năm sự nghiệp đến từ mọi nguồn có thể. Từ tự sáng tác, đến mua lại sáng tác và thậm chí cover lại sản phẩm của người khác cũng đem đến cho họ 2 trong số 3 bản hit đạt đến vị trí quán quân tại BXH Billboard. Đó là (They Long To Be) Close To You, Please Mr Postman. Bài hát còn lại trong nhóm quán quân chính là Top Of The World.
Top Of The World được Richard Carpenter đồng sáng tác với John Bettis. Bản thân Richard Carpenter đã có nhiều năm học piano chuyên nghiệp và là nhà sản xuất âm nhạc tài danh. Nhưng ông lại không tự tin để tự viết lời và vì thế đành phải nhờ đến John Bettis, vị nhạc sĩ về sau này đã thổi hồn văn chương cho nhiều ca khúc bất hủ khác, không chỉ cho The Carpenters (Yesterday Once More, Goodbye To Love...) mà còn những tên tuổi khác như Michael Jackson (Human Nature), Madonna (Crazy For You) hay Diana Ross (When You Tell Me That You Love Me)...
Top Of The World nằm trong album phòng thu thứ tư của The Carpenters là A Song For You, ra mắt vào tháng 6/1972. Giai đoạn đầu những năm 1970 là thời kỳ đỉnh cao và sung sức nhất của The Carpenters. Năm 1971 họ có trên 150 buổi biểu diễn riêng và sang đến năm 1972 cũng tổ chức đến 174 concert.
Những người từng làm việc với anh em nhà Carpenter giai đoạn này đều có chung ấn tượng về sự cẩn thận, chỉn chu như chính hình ảnh “sạch sẽ” họ có được trên sân khấu.
Joe Osborn, tay bass thân thiết của nhóm đề cập đến sự cẩn thận đến mức có vẻ thiếu tự tin của Richard và cả KarenCarpenter trong cuộc phỏng vấn với Billboard vào năm 1973: “Richard có thể ngồi bên piano hàng giờ để sang âm... quá nhiều thời gian lãng phí không cần thiết”. Sau rồi ông cũng bổ sung: “Nhưng có thể đó chính là bí quyết của họ... bởi nó cho kết quả xứng đáng”.
Để hoàn thiện album A Song For You, The Carpenters đã phải mất đến 5 tháng đầu năm 1972. Tâm huyết và chỉn chu như vậy, thế mà vì một lý do nào đó họ đã bất cẩn khi đánh giá tiềm năng của Top Of The World.
“Báu vật” suýt bị lãng quên
Tháng 6/1972, Top Of The World chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong album A Song For You. Không có đĩa đơn riêng phát hành tại Mỹ và cũng không có vị trí nổi bật trên bìa album. Top Of The World chỉ xuất hiện dưới dạng đĩa đơn ở thị trường Nhật Bản. Richard Carpenter về sau giải thích rằng ê-kíp đã đánh giá thấp tiềm năng của ca khúc này.
Chẳng mất nhiều thời gian để The Carpenters phải “giật mình” nhận ra lỗ hổng họ đã bỏ quên ấy. Ngay trong buổi biểu diễn quảng bá album mùa Hè năm 1972, khán giả gần như vỡ òa khi nghe đến Top Of The World.
“Bỗng dưng, mọi người đứng cả dậy và hò reo” -theo lời kể của nhạc sĩ John Bettis trong cuốn sách Cuộc đời của Karen Carpenter -“Richard thốt lên: Cái gì thế này và vò đầu bứt tai”.
Tiếp tục là tin vui liên tục bay về từ thị trường Nhật Bản khi đĩa đơn Top Of The World phát hành tại đây nhanh chóng chiếm giữ vị trí quán quân trên các BXH và đạt danh hiệu đĩa vàng. Đài phát thanh tại Mỹ cũng “nhặt” riêng ca khúc này để cho phát liên tục.
Chưa hết, khi mà The Carpenters vẫn còn mải mê với những chuyến lưu diễn cùng hàng loạt chương trình truyền hình để xây dựng hình ảnh thì ca sĩ nhạc đồng quê Lynn Anderson đã “nhanh tay” thực hiện riêng cho mình một bản cover Top Of The World. Vị trí thứ 2 trên BXH Billboard dành cho nhạc đồng quê đến với Lynn Anderson vào năm 1973 như một “cú tát mạnh” khiến The Carpenters phải sực tỉnh.
Đến lúc này, Richard Carpenter mới vội vàng bắt tay vào quá trình cấp tập để ra mắt lại Top Of The World. Với phong cách của Richard, tất nhiên ông sẽ không bê nguyên một Top Of The World đã cũ ra thị trường Mỹ. Ông làm lại bản phối mới trong khi Karen Carpenter thu âm lại phần hát. Top Of The World, một lần nữa, sẵn sàng để được ra mắt, lần này với tiến độ thần tốc.
Dù vậy thì việc ra mắt cũng phải đình lại, tránh việc cạnh tranh với Top Of The World của Lynn Anderson vẫn còn đang trên đà công phá. “Chúng tôi không muốn phật lòng ai vì “giết chết” kỷ lục của họ. Phải chờ đến khi Lynn Anderson ra khỏi BXH” - John Bettis kể.
Việc ra mắt lại Top Of The World trong năm 1973 cũng “tiện cả đôi đường” cho The Carpenters. Bởi sau nhiều năm liên tục “chạy sô” không mệt mỏi,cả hai có phần đuối sức, đuối cả cảm hứng để cho ra sản phẩm mới. Thay vào đó họ dành tặng người hâm mộ một tuyển tập các bản hit, album mang tên The Singles.
Và cái gì đến cũng phải đến, đĩa đơn Top Of The World đã “lên đỉnh” BXH tại Mỹ vào tháng 7/1973, giữ vị trí trong vòng 4 tuần. Ca khúc được sử dụng trong hàng loạt phim điện ảnh, phim truyền hình tại nhiều nước trên thế giới, điển hình là trong phim hoạt hình Shrek Forever After và một cảnh nổi bật của Dark Shadows.
Vài nét về The Carpenters The Carpenters là nhóm nhạc Mỹ gồm 2 anh em Richard Carpenter và Karen Carpenter. Sự nghiệp âm nhạc của họ thành công nhất vào những năm 1970 đến đầu những năm 1980. Trong suốt 14 năm hoạt động, hai anh em nhà Carpenter đã cho ra mắt 10 album cùng hàng loạt đĩa đơn. Richard Carpenter yêu thích âm nhạc từ nhỏ, sau này theo học piano chuyên nghiệp tại Đại học Yale danh tiếng. Karen Carpenter bị ảnh hưởng từ anh trai, học chơi trống và về sau cùng với Richard lập nhóm nhạc jazz Richard Carpenter Trio và Spectrum. Sự nghiệp của hai anh em chỉ thực sự chắp cánh khi họ ký hợp đồng với hãng thu âm A&M Records vào năm 1969, nơi họ được tin tưởng và thỏa sức bay nhảy trong không gian sáng tạo cũng như toàn quyền quyết định về sản phẩm âm nhạc (Năm 1969 Karen mới chỉ 19 tuổi, phải để cha mẹ đại diện ký hợp đồng). |
Sự ăn ý hoàn hảo của 2 thành viên The Carpenters The Carpenters chơi kiểu nhạc pop nhẹ nhàng, mộc mạc, dễ nghe đồng thời xây dựng hình ảnh chỉn chu, sạch sẽ. Giữa cuộc lên ngôi của nhạc rock với phong cách bụi bặm cùng việc thể hiện cái tôi lớn thì kiểu cách của The Carpenters bỗng bị cho là “giả tạo”, việc yêu thích nhóm này còn bị cho là đáng xấu hổ. Đáp lại, Richard Carpenter nhiều lần lên án công chúng vì thiển cận đánh giá họ bởi bề ngoài, thay vì âm nhạc. Ông cũng phủ nhận ý kiến cho rằng The Carpenters cố tỏ ra “sạch sẽ”, cho rằng đấy là tính cách tự nhiên. Vượt lên những thị phi, âm nhạc của The Carpenters nhận được nhiều đánh giá tích cực nhờ sự ăn ý đến hoàn hảo giữa giọng nữ trầm đa cảm “không lẫn vào đâu”, tuyệt đẹp dù không nhiều nội lực của Karen Carpenter, với khả năng hòa âm phối khí tài giỏi của Richard Carpenter. The Carpenters sở hữu tổng cộng 3 giải Grammy. Sự nghiệp của họ chấm dứt đột ngột vào năm 1983 vì cái chết của Karen ở tuổi 32, xuất phát từ một cơn đau tim do biến chứng bệnh biếng ăn. Nguyên nhân được cho là do áp lực từ lịch làm việc dày đặc và nỗ lực giảm cân của Karen. Cái chết của Karen đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn thế giới về mối hiểm họa từ bệnh biếng ăn. |
Hà My
Tags