Ca kịch 'Khát vọng Dam Săn': Bắc nhịp cầu tới bộ sử thi lớn của Tây Nguyên

Thứ Năm, 16/12/2021 19:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dù còn vài điểm có thể hiệu chỉnh, nhưng ca kịch Khát vọng Dam Săn (kịch bản: Hồng Hoa, tổng đạo diễn: Nguyễn Cường, tổng biên đạo: NSND Y San Aliô) vẫn là một nỗ lực đáng ghi nhận của Sở VH,TT&DL Đắk Lắk, Sông Thương Garden và các ê-kíp dàn dựng.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Không dám nghĩ sẽ làm ca kịch Dam Săn

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Không dám nghĩ sẽ làm ca kịch Dam Săn

Vào lúc 20h tối nay (15/12), tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk sẽ công diễn vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn" (kịch bản: Hồng Hoa, tổng đạo diễn: Nguyễn Cường).

Các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã thể hiện khá tốt thông điệp và nghệ thuật mà vở diễn đặt ra, để tạo nên một tác phẩm lạ của sân khấu ca kịch Việt Nam hiện nay.

Liệu cơm gắp mắm

Vở diễn có kinh phí được tiết lộ là khiêm tốn. Sự khiêm tốn này có thể nhìn thấy qua cảnh trí, trang phục, âm thanh, ánh sáng… còn thiếu thốn và thiếu sự tinh tế cần thiết. Và, nó còn được thấy qua sự chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Cường về những thiếu thốn của dàn nhạc giao hưởng, ca vũ kịch cần thiết cho một vở opera. Thế nhưng, vượt qua tất cả, ca kịch đã cống hiến nhiều hơn những gì đã nhận về.

Đầu tiên, chỉ riêng 5 aria cho 5 nhân vật chính với ca từ mới, sự tập luyện, dàn dựng, trình diễn… đã xứng đáng với đồng tiền bát gạo. Hồng Hoa đã dựa khá sát vào cái tứ trong sử thi gốc để viết lời mới, Nguyễn Cường đã đưa phần lớn này vào các đoạn độc thoại bằng lời ca.

Chú thích ảnh
Song ca của Dam Săn và nữ thần mặt trời là một trường đoạn hay, chỉn chu về ca và diễn

Cũng cần nói thêm, nguyên bản sử thi Dam Săn vốn đồ sộ, phức tạp, nhưng biên kịch Hồng Hoa đã chắt lọc khá gọn gàng, với một cái tứ câu chuyện mang tính hiện đại để người xem hôm nay dễ dàng tiếp nhận. Điều này có thể làm cho những ai đã yêu mến sử thi thấy chưa đủ và chưa đã, tuy nhiên lại tránh được sự dài dòng, lê thê trên sân khấu. Hơn nữa, như sự chia sẻ của Nguyễn Cường, họ không chuyển thể, mà chỉ là lấy cảm hứng từ cốt truyện mà sáng tạo, nên đây là một tác phẩm dạng phái sinh - “dạng F1”.

Suốt 70 phút, với 5 chương, vở này còn ca múa liên tục, với hầu hết là lời ca và chuyển soạn mới. Gắn bó với Tây Nguyên và âm nhạc Ê Đê từ đầu thập niên 1980, Nguyễn Cường đã có nhiều ca khúc, một số hợp xướng - trong đó có viết về Dam Săn - nếu sử dụng lại cũng hợp lý, thuận lợi. Nhưng Nguyễn Cường đã chọn đi con đường khó hơn rất nhiều, đó là viết mới, với sự kết hợp dàn giao hưởng điện tử - hợp xướng được thu âm và hát diễn trực tiếp, pha trộn hương vị đặc sắc của âm nhạc Tây Nguyên. Phần hợp xướng, ca diễn tại chỗ của các diễn viên cũng được đầu tư dày dặn, nhất quán từ đầu đến cuối. Nghĩa là phần thu âm sẵn và ca diễn tại sân khấu đã kết hợp mượt mà, tạo được cảm xúc, sự rành mạch.

Ở chương 4, màn song ca của Dam Săn và nữ thần mặt trời dài khoảng 10 phút là một trường đoạn đáng kể. Nó tạo ra ấn tượng về tình yêu và sự dùng dằng nửa ở nửa về của Dam Săn, với lời mời gọi nữ thần cùng về buôn chung sống với dân làng.

Chú thích ảnh

Dấu ấn đoàn ca múa tỉnh

Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk tuy không bề thế, nổi tiếng, nhưng là chọn lựa hợp lý nhất cho vở diễn này. Đầu tiên, đó là chất Ê Đê và Tây Nguyên sẵn có của họ thể hiện qua hình dáng, chất giọng. Điều này giúp khắc phục một hạn chế nhỏ từ kịch bản - ca từ, đó là dùng hơi nhiều từ vựng của Bắc bộ.

Các diễn viên vào vai Dam Săn, H’nhí, nữ thần mặt trời… tuy hơi đứng tuổi, nhưng bù lại, đa số họ có chất giọng trung cao, mạnh mẽ, quãng rộng. Có thể nói khó có diễn viên kịch nào hiện nay thay thế nổi NSƯT Y Joel Knul trong vai Dam Săn.Cũng như, khó có biên đạo múa nào thay thế được NSND Y San Aliô, người đã lột tả được sự hào sảng, anh dũng của anh hùng Dam Săn, cũng như lối sống vốn thuận tự nhiên, giao hòa với đất trời, với tinh thần mẫu hệ của người Ê Đê.

Chú thích ảnh
Cảnh đám cưới của Dam Săn và H’Nhí trong vở diễn

Vì đoàn ở tại chỗ, ít nổi tiếng, thù lao còn thấp, nên mới có thể bỏ ra vài tháng ròng tập luyện. Chính vì vậy mà ngay suất diễn đầu tiên, họ đã có được sự nhuần nhuyễn, đạt được những hiệu quả biểu cảm.

Nhìn một cách tổng thể, kịch bản và phần ca diễn khá khó, khá nặng. Nếu không có đủ thời gian thẩm thấu và tập luyện hơn 6 tháng, các nghệ sĩ hẳn sẽ khó mà chuyển tải hết các yêu cầu nghệ thuật.

Nếu có gì đáng tiếc, đó là giá như đưa thêm được một số ca dao, dân ca bằng tiếng Ê Đê vào vở diễn thì sẽ tạo thêm cảm xúc cho người xem trong và ngoài nước. Nhưng nhìn chung, vở đã bắc được nhịp cầu cho khán giả ngày nay về với một trong những bộ sử thi lớn nhất.

Chú thích ảnh
Dam Săn mang ánh sáng về cho dân làng, trước khi chết, là một tình tiết mới của kịch bản

Được biết, vở diễn sẽ được lên lịch biểu diễn khi dịch bệnh Covid-19 được khắc phục về cơ bản. Với thời lượng chừng 70 phút, nếu chăm chút hơn về phục trang, đạo cụ, âm thanh ánh sáng,Khát vọng Dam Săn hoàn toàn có thể phù hợp với các đoàn khách du lịch.

Nhiều sử thi, hiếm ca kịch

Theo số liệu của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, riêng khu vực Tây Nguyên đã sưu tầm và phát hiện 622 sử thi, thuộc các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, M'nông, Ba Na, Chăm-hơ-roi, Xơ Tiêng, Xê Đăng, Cơ Ho, Mạ. Tinh thần của các bản sử thi này rất gần với ca kịch, nhưng rất hiếm hoi vở ca kịch được dàn dựng từ chúng trên thực tế. Có lẽ, đây là mảnh đất màu mỡ cho các cuộc chuyển soạn, lấy cảm hứng sáng tạo ca kịch về sau này.

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›