(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (28/9) là một ngày không biết nên vui hay buồn, liên quan đến phát ngôn gây bão “… mình sống ở quận 1 thì phải biết luật, chấp hành luật, còn không thì về rừng U Minh sống” của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau gửi văn bản đề nghị ông Đoàn Ngọc Hải, phản hồi về phát ngôn trên.
- Về Cà Mau, sống giữa đất trời sông nước Năm Căn
- Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vụ cầu mới xây đã sập ở Cà Mau
Tất nhiên, ông Đoàn Ngọc Hải đã “nói lại” rất rõ trên báo chí ngay sau khi ông nói câu trên. “Không có ý gì đối với nhân dân U Minh thân thương hết! Mình khùng, mình điên hay sao mà sỉ nhục người dân của mình. Có điều, các tài xế vận dụng luật rừng rú cãi ngang khi phạm luật. Nâng quan điểm, phức tạp vô cùng” - ông Hải giãi bày.
Trước đề nghị của Cà Mau, trong chiều hôm qua, 28/9, Bí thư Quận ủy quận 1 (TP.HCM) Huỳnh Thanh Hải đã thay mặt Thường trực Quận ủy quận 1 ký thư xin lỗi Cà Mau và huyện U Minh, vì phát ngôn của ông Đoàn Ngọc Hải là không có chủ ý bỉ bôi Cà Mau.
Đây là sự vụ phải nói rất hy hữu, khi phát ngôn của một lãnh đạo địa phương (cấp quận), đã bị một địa phương (cấp tỉnh lẫn huyện) coi là xúc phạm, yêu cầu phải giải thích.
Thực ra, nếu hai địa phương đã nâng tầm kết nghĩa, nếu phản ứng nhanh hơn nữa có thể sự việc đã không bị đẩy đi quá xa để nổi sóng dư luận. Thậm chí, nhiều khi chỉ một cuộc điện thoại giữa ông Hải (hoặc lãnh đạo khác của quận 1), với lãnh đạo huyện U Minh và tỉnh Cà Mau, là xong. Những cuộc điện đàm đường dài xử lý công việc quan trọng nhưng hiệu quả giữa các lãnh đạo là chuyện không hiếm. Ai cũng cảm nhận được ông Hải chỉ bức xúc nhất thời mà phát biểu một câu mang phong cách “thành ngữ dân dã”, chứ ông có “ăn gan trời” mới dám xúc phạm U Minh - Cà Mau.
Quan chức bên Tây cũng như ta, dù nghiêm cẩn từ ngữ đến đâu cũng khó tránh khỏi có lúc phát ngôn “vạ miệng”. Ở cuộc chiến vỉa hè vốn quá nhiều phức tạp ai cũng thấy, bất cứ cá nhân, tổ chức bị phạt nào cũng có thể là một “đối thủ” của ông Hải. Trong 7 tháng đã xử phạt đến 8 nghìn trường hợp vi phạm, nhận được 4 nghìn tin nhắn khích lệ, 40 tin nhắn đe dọa (thậm chí dọa giết), thì ông Hải không bị soi, không bị nâng quan điểm, không phức tạp mới lạ.
Nói thế chúng tôi không có ý bênh ông Hải, nhưng đặt trong nhiều phát biểu gây bão khác, thậm chí phản cảm, thiếu trách nhiệm”, “như nghỉ hưu rồi muốn xử sao thì xử”; như tài sản có được là do “nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm, bán chổi…”, của không ít quan chức gần đây, thì phát ngôn của ông Hải quận 1 xem ra vẫn có thể thông cảm vì trong lúc bức xúc, người vi phạm cãi tay đôi.
***
Dù thế, đây sẽ là bài học bổ ích cho tất cả chúng ta về cái gọi là văn hóa phát ngôn, nhất là liên quan đến địa phương, hay có tính phân biệt người nhà quê, người thành phố.
Tháng 6/2013, trên tờ New York Times có một bài viết dưới nhan đề “Cuộc Apartheid đô thị ở Việt Nam” của tác giả Lien Hoang, khiến nhiều người suy ngẫm. Trong cuộc Apartheid này, độc giả sẽ dễ dàng đoán ra rằng New York Times nói đến sự kỳ thị người ngoại tỉnh ở các thành phố lớn ở ta rất sâu sắc.
Người nhà quê vốn giàu tự trọng, danh dự địa phương rất quan trọng. Do đó, bất cứ những phát ngôn nào mang tính “kỳ thị” đều trở nên nhạy cảm với họ. Cách đây 3 năm, một tờ báo cũng đã “điêu đứng” vì đăng bài “gái miền Tây và 3 chữ N”.
Đấy chỉ là báo chí, phát ngôn chủ quan nhất thời. Những động thái mang tính kỳ thị mới đáng lên án. Đáng buồn, thực tế này đã xảy ra. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương từng không nhận hồ sơ người Thanh - Nghệ - Tĩnh. Những chuyện đó mới là “to”, cần phải sớm hóa giải, chứ một lời nói trong lúc bức xúc của cá nhân như ông Hải mà ầm ĩ đến mức như thế, ông làm gì báo chí cũng săm soi, khai thác tối đa, đấy mới đáng bàn.
Nếu so phát ngôn ông Hải với câu: “Miền Trung cứ nói mạnh nhất cái này, mạnh nhất cái kia nhưng thực chất ở đây mạnh nhất là mạnh ai người đấy làm” của PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì vẫn còn nhẹ. Vậy mà, có thấy quan chức và người dân miền Trung nào nhảy dựng lên đâu?
Hữu Quý
Tags