(Thethaovanhoa.vn) - Trong suốt 10 ngày theo Đoàn công tác số 12 "công du" qua 15 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tôi chưa hề thấy lính đảo khóc. Các em luôn mỉm cười, dù đang trần mình dưới cái nóng kinh hoàng hay đang ngụp lặn trong nước biển mặn chát để để lao động, tập luyện... Trong khi đó, người ra thăm đảo lại mắt đỏ hoe, nhiều chị em bật khóc.
Nước mắt không đơn thuần là cảm thương mà là cảm phục và ngưỡng mộ thực sự.
Cô cựu sinh viên nghệ thuật hay khóc
Trong đoàn công tác, tôi ấn tượng với Phạm Thị Thương, trợ lý chính trị Ban quản lý điều hành các dự án của Tập đoàn Viettel. Cô cựu sinh viên trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội này tạm giã từ sự nghiệp ca hát để theo đuổi nghề viễn thông. Nhưng bất kỳ cuộc gặp mặt nào trên đảo cũng thấy cô hát hay tổ chức trò chơi âm nhạc để kéo các em lính đảo cùng vui. Trong cuộc làm việc tại đảo Thuyền Chài, khi kết thúc, cô giơ tay xin phát biểu và ai cũng bất ngờ khi bài phát biểu của cô là: "Cho em hát một bài tặng lính đảo". Mọi người ồ lên vui vẻ, chỉ huy đảo lập tức cho mời anh em lính đảo lên cùng vui. Lát sau, ngồi với các anh em trên đảo có người đồng hương Nghệ An, cô lại xin phép hát bài về củ khoai, niêu cá xứ Nghệ khiến lòng ai cũng rưng rưng...
Không phải cô thích hát, mà có lẽ, đó là cách cô muốn tri ân, không nói quá khi dùng từ “hiến dâng”, với tất cả tấm lòng của một người chị, người em và tiếng hát của một nghệ sĩ cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Tôi để ý thấy Thương khóc nhiều nhất trong đoàn. Trên tàu Khánh Hòa 01 chở Đoàn công tác số 12 đi Trường Sa và DK1, buổi tối thường có bản tin nội bộ phát trên loa truyền thanh tới toàn tàu. Thương đã xuất hiện trên bản tin và bật khóc khi kể lại kỷ niệm chiều hôm đó trên đảo... Chẳng là, một em lính đảo đã tâm sự với cô rằng: "Các anh chị đến thăm và hát cho chúng em thế này, vui biết bao. Em không dám nghĩ tới phút sắp phải chia tay, xa các anh, chị, chỉ còn chúng em với đảo..." Thương đã khóc lần nữa trước các thành viên trên tàu khi kể lại với toàn tàu câu chuyện "như không có gì" đó.
Hồn nhiên, yêu đời trong gian khổ
Tôi chưa từng nghe lính đảo kể khổ, than buồn. Tôi không tin họ muốn "giữ ý" với đoàn công tác, bởi khi cuộc vui lên cao, cùng vui chơi, ca hát, lính đảo cũng hồn nhiên, máu lửa chẳng kém ai. Họ coi gian khổ là lẽ tất nhiên, không dám đương đầu thì đã không xung phong ra biển đảo.
Khi chiếc xuồng CQ đưa đoàn công tác rẽ sóng chạy vào đảo Đá Tây, ai cũng phải sửng sốt nhìn lên bầu trời. Sửng sốt vì bỗng dưng thấy một cánh diều. Vâng, một cách diều màu đỏ cờ với đuôi diều dài phấp phới, bay lượn giữa bầu trời xanh biếc và trên mặt biển biếc xanh. Một cảnh tượng quá đẹp và quá đỗi thanh bình. Anh lính gác bên tấm bia có dòng chữ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở), cười hiền lành, giải thích: Ngày nào chúng em cũng thả diều lên anh ạ.
Tôi cười ứa nước mắt khi một em lính đảo Tốc Tan chụp ảnh kỷ niệm xong, nghe tôi đề nghị cho địa chỉ để gửi ảnh về cho mẹ hoặc người yêu... em cười ngượng nghịu: "Dạo này mặt em hơi... đen, để bữa khác bớt nắng, em gửi sau cho đỡ xấu, ở nhà đỡ thương".
Tôi quay mặt đi khi anh lính thông tin trên nhà dàn DK1-21 xách xô nước nhỏ lên nói rằng 2-3 ngày anh mới có một xô này để tắm, mà phải tắm trong chậu để còn giữ nước tưới rau. Mới 3h trưa, Đại tá Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân đội 175, Trưởng đoàn công tác bỗng xồng xộc xuống bếp đòi mở nắp nồi cơm, canh xem lính đảo ăn gì, và rồi buổi tối trên tàu, ông đến bên bàn ăn và nói rằng: Từ bữa nay, chúng ta hãy bớt khẩu phần rau, thịt trên tàu để chia cho lính đảo.
Rau trên đảo đã trồng được, nhưng có lẽ chỉ đủ cho bữa ăn có thêm màu xanh, chứ không thể nói là đã đủ. Lính đảo phải thái ra nấu canh, chứ luộc xào thì được mấy gắp? Chứng kiến cuộc sống thường ngày ở Trường Sa khiến chúng tôi quên đi khoảng cách với đất liền. Mọi thứ ở đây gần gũi, ấm áp, thân thương như chính ở đất liền vậy. Cánh diều trên đảo Đá Tây. Mái gà đang ấp trứng trên đảo Trường Sa Đông. Tiếng chim gù ở đảo Phan Vinh…Lính đảo rất chịu khó tăng gia, không chỉ trồng rau nuôi lợn, gà, vịt theo cách thông thường. Nhìn đàn vịt bì bõm bơi và bắt cá dưới biển mà vừa buồn cười vừa thương. Lính đảo huấn luyện cho vịt thích nghi với nước mặn từ khi mới nở, nên chúng hệt như… hải âu.
Ổ chó mới đẻ được 7 con chưa mở mắt. Tôi cũng ứa nước mắt khi nhìn lính đảo vỗ về đàn chó hiền khô và nói, chúng em toàn phải cho chó ăn nhạt, vì chúng cũng phải tiết kiệm khẩu phần nước.
Cuộc hội ngộ cảm động
Trong chuyến đi, chúng tôi còn được chứng kiến cuộc gặp gỡ cảm động của cha con bác Nguyễn Hùng (ở tổ dân phố Trà Long 1, phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Con trai bác là Trung uý Nguyễn Trọng Nhân, y sĩ của Bệnh viện Quân đội 175, hiện công tác ở Bệnh xá thị trấn đảo Trường Sa. May mắn được có mặt trong Đoàn công tác ra Trường Sa thăm con trai và quá hồi hộp được gặp con, nên suốt hai ngày, hai đêm ròng rã trên tàu, bác thao thức gần như không ngủ.
Tàu cập bến, đứng trên boong nhìn từ xa trên đảo thấy con trai ra đón, bác Hùng đã hét lớn: “Ô kìa thằng Nhân! Đúng là thằng Nhân rồi! Các anh ơi, thằng Nhân con tôi kia kìa!...”. Rồi bác vội vàng đi về phía cầu tàu, mọi người phải cản lại vì sợ bác ngã.
Lên tới bờ, hai cha con lao vào ôm chầm lấy nhau, niềm vui nghẹn ngào “Đứng thẳng người lên cho ba coi nào?”, bác nén xúc động, vỗ mạnh vào vai cậu con trai và tự nói: “Trông cứng cáp hơn nhiều rồi đấy!”.
Rồi hai cha con họ rủ rỉ hỏi nhau về sức khỏe, về gia đình đang ở trong đất liền, về tình hình công tác ngoài biển, đảo…
Hai cha con gặp nhau được một tiếng đồng hồ thì đến kíp trực, Nhân phải quay lại bệnh xá, bác Hùng cùng đoàn công tác đi thăm đảo. Khi chia tay, bác Hùng còn dặn dò con phải giữ sức khỏe, yên tâm công tác cho thật tốt, mọi chuyện ở nhà đã có ba má lo…
Đại tá Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Quân đội 175 cho biết: Bác Nguyễn Hùng là người đầu tiên và duy nhất trên tàu được ra đảo thăm con. Trọng Nhân là con trai duy nhất của bác. “Sau chuyến đi này chúng tôi sẽ thường xuyên đề nghị đưa các thân nhân ra đảo để động viên anh em chiến sĩ”.
***
Khi rời đảo Đá Tây giữa cái nắng rát mặt, chiếc xuống CQ của Đoàn len lỏi trong luồng lạch để tránh "chạm gầm" vào đáy san hô. Không ai không xót lòng khi thấy chiếc thuyền của công binh bập bềnh giữa biển, nắng chói gắt, khiến bóng các chiến sĩ công binh trong bộ đồ lặn hằn lên đen đúa trên mặt biển xanh biếc. Họ đang lao động cật lực vì sự an toàn của những chuyến tàu ra, vào đảo khi con nước thủy triều lên, xuống. Dáng họ đổ nghiêng trên mặt nước, lao về phía trước như những chiếc cọc Bạch Đằng cắm trên biển.
Chúng tôi đi qua và cảm động đến ứa nước mắt khi tất cả chiến sĩ, dù đang lặn ngụp dưới ánh mặt trời bỏng rát, đều ngoi lên, vẫy tay chào, cho đến khi xuồng lướt qua, rất xa, họ mới ngụp xuống.
Nước mắt chảy vào trong |
Phương - Quyết - Điệp
Thể thao & Văn hóa
Tags