Cà phê đầu tuần: Bài toán của Benjamin Franklin và U23 Việt Nam

Thứ Hai, 28/08/2023 09:14 GMT+7

Google News

Vào ngày 1/10/1726, Benjamin Franklin bước xuống từ tàu Berkshire và hít sâu vào lồng ngực bầu không khí tuyệt vời của Philadelphia. Sau hai năm ở London học nghề in ấn, cậu đã vượt qua Đại Tây Dương để trở lại nước Mỹ trên một chuyến tàu kéo dài 12 tuần khiến cậu bị say sóng triền miên, nhưng không ngăn được nỗi háo hức.

1. Trong vòng ba năm sau đó, cậu sẽ xuất bản tờ nhật báo nổi tiếng The Pennsylvania Gazette, bắt đầu một chặng đường phi thường. Nhưng vào ngày tuyệt vời đó của tháng Mười, chàng trai 20 tuổi này đã có một ý tưởng khác - một ý tưởng khiến cậu vội vã chạy vào phòng tìm cây bút lông và một chai mực.

Với những thứ này, cậu vẽ một biểu đồ - những ngày trong tuần ở trục tung và 13 "đức tính" ở trục hoành - cậu sẽ sử dụng để kiểm tra sự trưởng thành cá nhân của mình. "Tôi đã nghĩ ra một con đường táo bạo và khó khăn để đạt đến sự hoàn thiện đạo đức", Franklin viết trong tự truyện của mình.

"Tôi muốn sống mà không phạm phải bất kỳ lỗi lầm nào; và chiến thắng mọi cám dỗ dù cho thứ dẫn dụ tôi đến với chúng là gì, từ bản năng, phong tục hay sự ảnh hưởng từ bạn bè". 13 đức tính cậu liệt kê ra là sự tỉnh táo, kiệm lời, ngắn nắp quyết tâm, tiết kiệm, cần cù, chân thành, công bằng, điềm đạm, sạch sẽ, bình tĩnh, trong sạch và khiêm tốn.

Franklin nhanh chóng nhận ra rằng cậu không hoàn hảo. Những chấm đen bắt đầu xuất hiện trên biểu đồ của cậu. Vào Chủ nhật đầu tiên của quá trình rèn luyện, cậu đã hai lần phản bội đức tính tĩnh lặng (với "một thói quen đang cuốn tôi vào: Nói nhiều, đùa cợt và chơi khăm, những thứ chỉ khiến tôi được chấp nhận trong các cuộc giao tiếp vô nghĩa"); và một lần phản bội đức tính ngăn nắp. Ngày hôm sau, cậu vi phạm im lặng và ngăn nắp một lần nữa, kèm theo cả sự phung phí. Vào thứ Ba, cậu lại vi phạm những đức tính tương tự cũng như không thể quyết tâm được.

Trong suốt tuần đó và tuần tiếp theo, Franklin đã lần lượt phản bội tất cả các đức tính mà cậu khao khát. Ở tuổi 20, đó gần như một sự sụp đổ với cậu.

Bạn hẳn biết Benjamin Franklin là ai: Một thành viên vĩ đại trong nhóm lập quốc của Hoa Kỳ, một con người toàn diện hiếm thấy, vừa là chính trị gia, nhà khoa học, nhà văn, thợ in, triết gia, nhà phát minh… Ảnh của ông còn được in lên tờ 100 USD. Tóm lại là một trong những nhân vật vĩ đại nhất ta từng biết.

Cà phê đầu tuần: Bài toán của Benjamin Franklin và U23 Việt Nam - Ảnh 2.

Cà phê đầu tuần: Bài toán của Benjamin Franklin và U23 Việt Nam - Ảnh 2.

Nhưng tuổi trẻ của ông, cũng như bất cứ ai, đầy rẫy sai lầm, mà câu chuyện trên chỉ là một lát cắt nhỏ. Khi bạn còn trẻ, tài sản quý nhất của bạn không phải là tài năng, ý tưởng hay kinh nghiệm, mà là thời gian của bạn. Thời gian mang đến cho bạn cơ hội để đưa ra những mạo hiểm lớn, mắc phải những sai lầm lớn, và rồi… chẳng sao cả. Sự vĩ đại có thể vẫn còn đang chờ ở phía trước.

2. Khi đội U23 Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch Đông Nam Á, điều làm tôi chú ý là phát biểu của HLV Hoàng Anh Tuấn sau trận chung kết: "Chúng tôi là đội bóng có lực lượng trẻ nhất giải đấu năm nay, nên khi các học trò đăng quang, tôi rất hạnh phúc. Họ là những cầu thủ tốt, và từ sân chơi này giúp tất cả có sự trải nghiệm cùng những bài học trong tương lai".

Trong men say chiến thắng, khi những ngoa ngôn đã chuẩn bị sẵn sàng trên các bàn tiệc, ông đưa chúng ta trở lại với một thực tế: Đây là chỗ của người trẻ, và tất cả những gì đã qua là trải nghiệm. Kẻ chiến thắng cũng như người thất bại đều có gì đó cho riêng mình, nhưng điều quan trọng nhất trong hành trình của đội U23 Việt Nam ở giải lần này chính là việc họ còn… rất trẻ.

Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra rằng HLV Hoàng Anh Tuấn không tìm chiến thắng bằng mọi giá. U23 Việt Nam xuất phát với đội hình có độ tuổi trung bình 20,6, và ông Tuấn đã dũng cảm trao cơ hội ra sân ở trận chung kết quan trọng này cho Nguyễn Đăng Dương, Nguyễn Hữu Tuấn hay Thái Bá Đạt, những người chỉ mới bước sang tuổi 18.

Ông Tuấn hiểu rằng quyền được sai lầm quý giá thế nào. Và tất nhiên là họ phải mắc sai lầm: Quốc Việt đã hỏng penalty ở đầu trận, một tình huống đưa em vào vị thế của "tội đồ", nếu U23 Việt Nam thất bại.

3. Nhưng trận đấu đã kết thúc với một chiến thắng, và quan trọng hơn, ông thầy của U23 Việt Nam đã làm cho mọi người cảm nhận được rằng không phải lúc nào thắng lợi cũng là mục tiêu… quan trọng nhất. Nếu cầu toàn và tin dùng những cầu thủ kinh nghiệm hơn, U23 Việt Nam đã có thể thắng một cách đỡ đau tim hơn.

Một người thầy chỉ có thể làm cho học trò hiểu ra được rằng với tuổi trẻ, sai lầm quý giá đến thế nào, nếu dám tung họ vào sân ở một trận đấu quan trọng, chứ không chỉ cố thuyết phục các em bằng những lời nói suông. Cũng như Benjamin Franklin đã hiểu rằng tuổi trẻ là phải sai lầm không chỉ bằng những nét vạch trên giấy và tưởng tượng về tương lai, mà bằng việc trải qua nó, và hiểu rằng đấy là một món quà, khi bạn còn trẻ và có rất nhiều thời gian.


Phạm An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›