Một trong những trận đấu đáng nhớ, mà cũng… đáng quên nhất trong đời cầu thủ của tiền vệ cánh Lee Sharpe là lần đối đầu với Everton vào năm 1993: Anh là ngôi sao ghi bàn duy nhất giúp MU giành chiến thắng, rồi chẳng hiểu sao lại bị Sir Alex Ferguson chửi mắng thậm tệ sau trận.
1. Lee Sharpe đã định đoạt trận đấu bằng một cú vô-lê tuyệt đẹp, rồi chạy thẳng đến khu vực cổ động viên MU đã lặn lội đến sân khách cổ vũ để ăn mừng rất phấn khích. Màn ăn mừng này làm anh vui hết sức, nhưng đã làm một người phật lòng: Sir Alex Ferguson.
Sharpe rất tự hào về bàn thắng, nhất là khi nó giúp cho MU chiến thắng, nhưng trái với kỳ vọng của anh, khi lên xe bus, Sir Alex nổi giận lôi đình trước khi "sấy" Sharpe một trận ra trò: "Cái đ*o gì đã diễn ra sau bàn thắng chết tiệt của mày vậy, thằng khốn? Mày nghĩ mày là ai? Để cái chân chết tiệt của mày ở trên mặt đất đi!".
Bạn có thể thấy những gì đã diễn ra thật bất công: HLV không những không khen ngợi ngôi sao đã mang về chiến thắng cho đội, mà còn chửi mắng anh ta thậm tệ vì đã nhìn thấy biểu hiện nhỏ của sự tự mãn (thậm chí còn là một biểu hiện không chắc chắn).
Nhưng đấy là Sir Alex Ferguson, và thứ tiêu chuẩn dị thường ông đã áp dụng trong thời gian dẫn dắt MU. Thứ tiêu chuẩn đã giúp ông và đội bóng này trở thành một biểu tượng thể thao toàn cầu, với sức hấp dẫn mãnh liệt trong hai thập kỷ qua: Khát khao chiến thắng, vượt qua chính mình lớn đến hà khắc với bản thân.
Ai cũng có thể nói rằng quyết tâm của họ lớn thế nào, và sự nghiêm khắc với bản thân nhiều ra sao, nhưng trong toàn thế giới bóng đá, có lẽ chỉ mình Sir Alex đã thực sự biến nó thành một kim chỉ nam hành động thực sự, và tạo ra một đế chế từ tâm thế này. Thương hiệu cá nhân của ông là "máy sấy tóc", và thương hiệu của MU đã gián tiếp nhận sự thúc đẩy từ Sir Alex.
2. Giờ hãy đọc lại phát biểu của HLV Erik ten Hag sau trận thua Fulham vừa qua: "Sau một trận thua, bạn phải nhìn vào bức tranh tổng thể và bức tranh tổng thể trông rất tích cực" - Ten Hag trả lời khi được hỏi liệu mọi thứ có đang diễn ra đúng theo những gì ông đã hướng dẫn cho các cầu thủ của mình hay không.
"Chúng tôi phải khắc phục tình trạng chấn thương, sau đó đội bóng sẽ cân bằng hơn và củng cố đội hình trong các kỳ chuyển nhượng. Có rất nhiều cầu thủ tốt và tiềm năng lớn đang xuất hiện, vì vậy chắc chắn rằng chúng tôi đang đi đúng hướng. Khi họ sẵn sàng, chúng tôi sẽ có một đội hình rất tốt".
Nếu bạn gõ từ Ten Hag kèm chữ "hài lòng" lên Google, bạn sẽ thấy đấy là thái độ chủ yếu của HLV người Hà Lan sau một thất bại của MU. Ông và rất nhiều HLV khác chọn con đường khoan dung với các cầu thủ của mình có lẽ không có gì sai: Bóng đá là một cuộc chơi nhiều biến số và không ai biết mình có thể thua lúc nào.
Nhưng đấy là một điều đáng tiếc, nếu bạn nhớ lại rằng đội bóng này đã trở thành thương hiệu số một hành tinh đơn giản chỉ bằng một thái độ cực đoan đến cùng của người lãnh đạo: Không bao giờ thỏa mãn. Một thái độ mà ông đã sống, làm việc, và cháy hết mình cho triết lý đó cho đến những ngày tại vị cuối cùng.
3. Một người bớt cực đoan hơn Sir Alex chẳng có gì sai cả, nhưng nếu là một cổ động viên hoặc đơn giản là một người yêu thái độ chiến đấu của MU trước kia thôi, bạn hẳn sẽ thấy chạnh lòng.
Đội bóng đã từng áp đặt được một loại tiêu chuẩn kỳ dị đến mức một ngôi sao có thể bị chửi mắng sau khi ghi bàn thắng quyết định, nay đã chấp nhận những chuẩn mực dị thường hơn, ở chiều ngược lại: Một trận thua có thể được ngụy biện đơn giản bằng những từ ngữ kiểu phải nhìn "bức tranh tổng quan".
Trong một thời đại mà các HLV được ca ngợi nhiều nhờ vào toan tính và cách sử dụng khoa học vào công việc của mình, chúng ta ngày càng nhớ Sir Alex hơn, một nhà cầm quân đã thực sự sống với tiêu chuẩn khắt khe chưa từng thấy, và một thái độ yêu mến chiến thắng đến tận cùng. Ngày nay, chúng ta có quá nhiều HLV huyên thuyên về triết lý, tầm nhìn, hay bức tranh lớn, nhưng có quá ít người yêu chiến thắng một cách thẳng thắn và cực đoan như Sir Alex. Một người thầy thực sự đã dạy được các cầu thủ vẻ đẹp của chiến thắng.
Phạm An
Tags