Trong tiếng Hàn có một cụm từ liên quan đến bóng đá rất đặc biệt đã trở nên rất phổ biến ở Hàn Quốc: Lijeu Sijeol, tạm dịch "thời của Leeds". Phổ biến đến nỗi nhiều người không biết Leeds có nghĩa là gì, vẫn sử dụng nó.
1. "Thời của Leeds" ám chỉ đến thời kỳ đỉnh cao, của bất cứ thứ gì. Trên Instagram, những phụ nữ trung niên Hàn Quốc đăng bức ảnh thời con gái của họ kèm theo mô tả "thời của Leeds". Trên Youtube, các tài khoản đăng clip Ahn Jung Hwan ghi bàn loại Italy ở World Cup 2002, kèm "thời của Leeds"và lập tức thu được hàng triệu lượt view.
Thời điểm ấy, Ahn là ngôi sao sáng nhất, thậm chí còn nổi tiếng hơn những diễn viên sáng giá của showbiz Hàn. Nhưng 22 năm đã trôi qua, giờ Ahn đã béo lên trông thấy, không còn nổi tiếng nữa, và cuộc hôn nhân của anh với hoa hậu đẹp nhất Hàn Quốc bấy giờ cũng đang cơm không lành, canh chẳng ngọt.
Đa số người Hàn Quốc không hiểu Leeds là gì. Cụm từ này bắt nguồn từ… Alan Smith, một cựu tiền đạo là ngôi sao ở Leeds United, nhưng tuột dốc từ khi chuyển sang Manchester United. Anh sau này thậm chí còn phải thích ứng với vị trí… tiền vệ trung tâm, dù xuất phát điểm là một tiền đạo. Sau này, giới thể thao sử dụng nó để ám chỉ thời kỳ hoàng kim đã qua, và nỗi ám ảnh về tính chu kỳ của người Hàn nói chung đã đưa nó vào từ vựng của họ.
2. Khi ông Park Hang Seo chia tay bóng đá Việt Nam, những người ác ý cho rằng chính vì ám ảnh về chu kỳ, vì không còn cảm thấy "ngon xơi" nữa, nên ông đã ra đi trên đỉnh cao. Và các cầu thủ sau một chu kỳ thành công đã mất động lực, và qua thời điểm phong độ tốt nhất rồi. Ví dụ như Nguyễn Tiến Linh, người đã tịt ngòi mất một năm rưỡi qua chẳng hạn.
Nhưng đa số cũng đã quên rằng chính ông Park là người đã dấn thân vào một thử thách hoàn toàn mới sau khi thời đỉnh cao của ông, trên lý thuyết, đã trôi qua gần 20 năm: Ông Park chính là người đã tham gia vào thành phần ban huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc lập kỳ tích ở World Cup 2002. Nếu bị ám ảnh bởi "thời của Leeds", đáng ra ông Park đã không đến Việt Nam.
Chính nhận định rằng thế hệ nòng cốt thời ông Park đã qua thời đỉnh cao cũng là chất xúc tác cho cuộc cách mạng giả tạo làm suy yếu nặng nề vị thế của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier: Các ngôi sao đương thời đang ở độ tuổi "chín" bị loại để nhường chỗ cho các mầm non có tiềm năng, nhưng còn rất yếu về kinh nghiệm, chuyên môn lẫn bản lĩnh thi đấu.
Tân HLV Kim Sang Sik đã gọi lại và cho đá chính hầu hết những cầu thủ nòng cốt thời ông Park, và dù mới là trận đầu tiên, hầu hết trong số họ đã "đáp lời": Văn Toàn chơi một trận năng nổ và hiệu quả, Tuấn Anh tạo đột biến ở bàn ấn định tỉ số, và đặc biệt, Tiến Linh nổ súng sau hơn một năm bị HLV Troussier loại khỏi kế hoạch. Anh còn lập hẳn một cú đúp.
3. Nếu bị ám ảnh bởi "thời của Leeds", thì ông Kim hẳn đã lại phải lặn lội đi tìm các nhân tố mới, đổi mới cách chơi, đập đi xây lại hết từ đầu như ông Troussier. Nhưng rốt cục, việc ông làm để chấm dứt chuỗi trận toàn thua của đội tuyển chỉ đơn giản là tin dùng những người cũ, và cố gắng hòa đồng với họ, như ông Park từng làm.
Năm cuối cùng dưới thời ông Park, tuyển Việt Nam thi đấu không thành công ở vòng loại thứ ba World Cup có thể đơn giản vì đẳng cấp và nội lực của chúng ta chưa đủ để có thể chơi ngang ngửa với các đội hàng đầu châu Á, nhưng việc chỉ tay năm ngón về phía đội tuyển và bảo rằng đấy là "thời của Leeds" đã tạo ra một cuộc cách mạng vô tri, và giờ chúng ta lại phải làm lại từ đầu. Rất may là ông Kim không đến đây với tư duy đó, và trận đấu đầu tiên của ông, có thể còn chuệch choạc về lối chơi, cũng chứng tỏ luôn rằng "thời của Leeds" có thể chỉ là một huyễn tưởng. Và dẹp bỏ nó là điều đầu tiên cần làm, trong chặng đường cũ mà mới sắp tới của đội tuyển Việt Nam.
Tags