Ngày 13/5/1973, có một trận đấu đặc biệt thu hút quan tâm trên toàn thế giới: Bobby Riggs, một cựu ngôi sao quần vợt nam, thi đấu với Margaret Court, tay vợt nữ hàng đầu thời điểm ấy. Truyền thông gọi đây là "trận chiến giới tính" (battle of sexes).
Riggs, khi ấy 55 tuổi, từng làm mưa làm gió làng banh nỉ trong những năm 1930 và 1940, đã thách đấu bất kỳ nữ vận động viên tennis nào trên thế giới, tuyên bố rằng đàn ông chơi tennis tốt hơn phụ nữ. Thách thức của ông đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả và giới truyền thông, đặc biệt là trong bối cảnh phong trào giải phóng phụ nữ đang lên ngôi.
Trong cuộc đối đầu đầu tiên, Riggs đã đánh bại Margaret Court, một trong những tay vợt nữ hàng đầu thế giới ở thời điểm đó. Trận đấu này càng làm tăng sự quan tâm và kỳ vọng đối với trận đấu kế tiếp của Riggs, với Billie Jean King – tay vợt nữ số một đang sung sức ở tuổi 29.
Sau khi lời thách thức được chấp nhận, trận đấu giữa Bobby Riggs và Billie Jean King được tổ chức tại sân Houston Astrodome vào ngày 20/09/1973. Trận đấu này đã được coi là một cuộc đại chiến giữa "người giải phóng" và "kẻ lốp bóng" (the libber vs. the lobber). Khán giả từ khắp nơi đổ về và vé đã được bán sạch.
Trong trận đấu này, Billie Jean King đã chiến thắng áp đảo với tỷ số 6-4, 6-3, 6-3. Riggs sau trận phải thừa nhận rằng King "quá giỏi và nhanh nhẹn", đã chặn được tất cả các đợt tấn công của ông. Trận đấu này đã trở thành một biểu tượng của sự bình đẳng giới tính và quyền lợi của phụ nữ trong xã hội.
Sau khi Bobby Riggs qua đời, Billie Jean King đã khen ngợi đối thủ cũ của mình và đóng góp lớn của ông trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Trận đấu giới tính này đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới và là minh chứng cho tinh thần kiên cường và quyết tâm trong thể thao nữ.
Điều đặc biệt trong chiến thắng của King là cô áp đảo đối phương bằng chính lợi thế vốn có của đàn ông: Sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Ban đầu, trận đấu được tổ chức đơn giản để thỏa mãn sự hiếu kỳ của đám đông, và bỗng nhiên trở thành một mồi lửa lớn, thay đổi hoàn toàn nhận thức của mọi người sau này về những tay vợt tennis nữ. Họ được nhìn nhận như những vận động viên thực sự và trận đấu họ chơi có vẻ đẹp riêng.
Trước khi World Cup bóng đá nữ năm nay diễn ra, một nghiên cứu do Đại học Durham tiến hành, dựa trên khảo sát hầu hết là các cổ động viên bóng đá nam gần 2.000 người, phát hiện ra rằng có khá nhiều đàn ông "nam tính độc hại" phân biệt giới tính một cách rõ ràng", bất kể độ tuổi.
Nghiên cứu được thực hiện trong bối cảnh thể thao nữ ngày càng được quan tâm hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là sau Thế vận hội London 2012 và World Cup nữ 2015 ở Canada, nơi mà Anh đã giành được huy chương đồng.
Tiến sĩ Stacey Pope, giảng viên đại học Durham, là tác giả chính, với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu từ các trường đại học Leicester và Nam Úc. Phân tích của họ dựa trên các phản hồi của 1.950 cổ động viên bóng đá nam thường xuyên sử dụng forum của người hâm mộ tại Anh.
"Đây là nghiên cứu đầu tiên về thái độ của nam cổ động viên bóng đá Anh đối với thể thao nữ trong một thời đại mà thể thao nữ đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều trên phương tiện truyền thông", tiến sĩ Pope cho biết. "Có nhiều ví dụ về những người đàn ông từ mọi thế hệ khác nhau có thái độ phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc rất cao".
Đây là một khoảnh khắc đặc biệt với bóng đá nữ toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng: Bóng đá nữ đang thoát khỏi một tầm vóc của một thứ gì đó chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ đơn thuần, kiểu xem "phái yếu" xoay xở ra sao với một môn chơi đối kháng mạnh mẽ như thế. Ngày nay, bóng đá nữ đã có khán giả, có vẻ đẹp riêng, và một lượng cổ động viên đông đảo. Các cầu thủ nữ là những vận động viên đã kiếm được hàng triệu USD nhờ chơi bóng, và nổi tiếng toàn thế giới. Hôm nay, khi bước vào ngày hội lớn nhất của bóng đá nữ, các tuyển thủ nữ Việt Nam cũng đứng trước một ngưỡng cửa có thể thay đổi mãi mãi tương lai của các thế hệ bóng đá nữ về sau. Không cần thêm một "trận chiến giới tính" nào nữa, chúng ta có thể khẳng định rằng họ sẽ thành công.
Phạm An
Tags