Sau khi rời Barcelona vào năm 2012, Pep Guardiola đã đến New York (Mỹ) để gặp... Garry Kasparov, người mà ông rất ngưỡng mộ. Pep đặc biệt ưa thích cờ vua, một môn thể thao mà ông cho rằng có lối tư duy rất tương đồng với công việc của một HLV.
1. The Athletic trích dẫn một đoạn trong cuốn sách Pep Confidential của ký giả Martin Perarnau về nhận định của Pep với chiến lược chơi cờ của Magnus Carlsen, thứ mà ông đã áp dụng vào chiến thuật trên sân: "Có một điều Carlsen nói khiến tôi rất thích thú. Cậu ta nói rằng không vấn đề gì nếu phải hi sinh một số thứ ở đầu ván chơi, vì cậu ta biết cậu ta sẽ mạnh mẽ nhất ở giai đoạn cuối ván. Điều đó khiến tôi phải ngẫm nghĩ và học cách áp dụng vào bóng đá" - Pep nhấn mạnh.
Đêm qua, chúng ta đã được thưởng thức một ván cờ giữa Pep và Enzo Maresca, HLV của Chelsea, người cũng rất yêu môn cờ vua. "Một HLV chỉ có giỏi hơn nếu rèn luyện được tâm trí của một người chơi cờ vua giỏi", Maresca viết trong luận án tốt nghiệp HLV của mình. "Tôi quả quyết rằng chơi cờ vua có thể rèn luyện tâm trí của một HLV. Yếu tố cơ bản của cờ vua là logic dẫn một người chơi đến việc hiểu và qua đó dự đoán được những động thái của đối thủ".
Những điểm tương đồng trong cách sử dụng không gian cũng được nhắc đến trong một cuộc phỏng vấn với Carlsen và Guardiola. "Trong cờ vua và bóng đá, điều quan trọng là phải kiểm soát trung tâm", Carlsen nói khi Guardiola chăm chú lắng nghe. "Nếu bạn kiểm soát trung tâm, bạn kiểm soát được cả sân bóng lẫn bàn cờ. Một điều tương đồng nữa là trong cờ vua, bạn tấn công ở một bên, cố tạo thế áp đảo, và sau đó bạn chuyển sang bên kia để có lợi thế. Về mặt không gian, chúng khá tương đồng".
2. Pep và Man City cùng thành tích 4 lần vô địch Premier League liên tiếp rõ ràng đang tạo ra một làn sóng mới: Giờ đây, truyền thông và mọi người tôn sùng cách các HLV suy nghĩ đến nỗi nói không ngoa, sự chú ý đang dịch chuyển từ các ngôi sao trên sân sang băng ghế huấn luyện.
Và nó cũng đánh dấu một thời kỳ mới của bóng đá: Các nhà bình luận cho rằng những HLV như Pep đang "giết chết bóng đá". Sự tỉ mỉ và chi tiết của họ không còn cho phép các cầu thủ giữ được tính cá nhân. Việc coi tư duy của một HLV giống như một người chơi cờ là phép ẩn dụ cho thấy các cầu thủ giờ đây là những quân cờ phục vụ cho ý đồ của HLV.
Nhưng khác biệt là một cầu thủ có ý thức còn quân cờ thì không. "Thời nay phân tích thừa mứa quá, còn các cầu thủ như thể bị điều khiển từ xa" - Lionel Scaloni, HLV đã cùng Argentina vô địch thế giới, phân tích. "Tôi không biết các đội khác thì thế nào, nhưng bạn có thể tước đi những gì tốt nhất của cầu thủ, và làm họ đánh mất bản chất của bóng đá. Chúng tôi chỉ truyền tải những gì phù hợp. Các con tôi chơi bóng ở Tây Ban Nha và chúng đang bị quá tải thông tin. Cứ bóng đến chân là có người yêu cầu chúng phải làm thế này thế kia rồi".
Ông cho rằng nếu cứ đào tạo như hiện tại, thì bóng đá hiện đại sẽ không còn sản sinh ra thêm một Messi nào nữa: "Thử tưởng tượng nếu Messi 8 tuổi và cứ nhận bóng là HLV lại hét lên "chuyền đi" thì chúng ta có Messi giờ không? Mà một đứa trẻ mới 7-8 tuổi đã được dạy phải chạy chéo sân, kèm người, rồi bọc lót, hỗ trợ… thì có làm quá không?"
3. Bóng đá đã trở thành một thứ gì đó quá lớn, một ngành công nghiệp mà các sai sót cá nhân, các biến số của con người… trở nên thật khó chấp nhận. Mùa Hè trước, số tiền mà các CLB ở Premier League đã sử dụng để mua bán cầu thủ lên đến 2,36 tỷ bảng Anh (khoảng gần 3 tỷ USD), theo kiểm toán Deloitte.
Hôm qua, xem một trận đấu hàng đầu của giải bóng đá đang nhiều người theo dõi nhất hành tinh, giữa Chelsea và Man City, dù có bao nhiêu khoảnh khắc phấn khích đi nữa, thì tôi vẫn có cảm giác của một người đang ngồi xem một ván cờ: Thán phục sự logic, nhưng có gì đó vẫn thiếu thiếu.
Có lẽ vì cho đến cùng thì cầu thủ không thể giống những quân cờ và không nên chỉ là những quân cờ.
Tags