Mấy ngày qua, phát ngôn của một hoa hậu về chuyện bạn trai phải làm sao để "theo kịp cô" sau đêm đăng quang đã bị mổ xẻ rất nhiều trên mạng, và đa số là mỉa mai.
1. Hoa hậu bị cho là quá thực dụng, vừa mới đăng quang đã quên mất những ngày tháng hàn vi. Và chàng trai thật tội nghiệp vì rồi đây sẽ phải đối diện với một cuộc sống mới lạ lẫm, có thể đánh mất người cậu ta yêu vào tay các "đại gia" lắm tiền nhiều của.
Phản ứng của dư luận cũng nói lên một thứ rất đặc trưng của các xã hội Á Đông, nơi phụ nữ không có nhiều quyền được đòi hỏi: Việc một hoa hậu phát biểu công khai rằng cô muốn bạn trai cần phải tiến bộ hơn trong cuộc sống, sự nghiệp, đáng ra là chuyện khá bình thường với bối cảnh, thì lại trở thành điều bất bình thường.
Nhưng chuyện một người chồng/bạn trai đòi hỏi, thậm chí đặt ra các tiêu chuẩn cho bạn gái/vợ mình thì từ lâu lại là chuyện bình thường, kiểu "xuất giá tòng phu". Bạn gái/vợ sau khi gắn kết cuộc đời với một người đàn ông buộc phải biết chiều chồng, chăm con, và chu toàn nữ công gia chánh.
Trong nhiều năm, hy sinh là cụm từ gắn với trách nhiệm mà xã hội đặt lên vai phụ nữ. Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Khéo chiều chồng, chăm con. Ngay cả những phụ nữ có sự nghiệp và địa vị cũng không thoát khỏi gánh nặng của đánh giá kiểu này.
Hoa hậu thực ra đã nói thay điều mà đáng ra chúng ta cần phải nói với cánh đàn ông từ lâu, rằng hãy nỗ lực làm sao để xứng đáng với những gánh nặng phụ nữ phải chịu, cho sự nghiệp của cánh đàn ông, cũng như sự êm ấm của một gia đình. Với một phụ nữ bình thường thôi, thì đàn ông nhiều người cũng cư xử chưa xứng, chứ đừng nói là một hoa hậu rồi đây sẽ có lắm kẻ dòm ngó.
2. Khi World Cup bóng đá nữ diễn ra, một tờ báo bỗng nhắc lại về hoàn cảnh gia đình tuyển thủ Thanh Nhã, với căn nhà không được rộng cho lắm. Ước mơ của Nhã chỉ đơn giản là "có căn nhà to hơn". Huỳnh Như sau 10 năm chật vật cũng đã xây được cho bố mẹ căn nhà khoảng 2 tỷ ở quê nhà.
Bạn có lẽ nhận ra rằng những cô gái vàng này hóa ra đã sống dưới chuẩn của một vận động viên chuyên nghiệp trong nhiều năm, đến mức mà người ta nghĩ rằng những gì họ trải qua là bình thường. Xã hội cho được bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Cho đến khi họ xuất hiện ở World Cup, một thực tế cho thấy đẳng cấp và trình độ hàng đầu của họ, những cô gái này nhận mức lương vài triệu, một đời sống kham khổ với những khó khăn mà họ phải tự thích nghi.
Hôm nay, khi họ đã chơi hai trận ở World Cup, một kỳ tích với nền bóng đá, bản thân họ đã ở một tầm khác. Hôm nay, họ có quyền đứng lên và nói với mọi thực thể của nền bóng đá, bao gồm cả người hâm mộ chúng ta nữa, rằng tất cả phải cố gắng lên, để "theo kịp" họ. Nền bóng đá cần phải chuyên nghiệp hơn, được tổ chức và truyền thông tốt hơn. Các khán giả cần phải hiểu biết hơn, và ý thức được rằng nền thể thao sẽ thực sự sống được nếu họ chịu mua một chiếc áo đấu chính hãng, thay vì chỉ đòi hỏi thành tích tức thì.
3. Nhưng xã hội chúng ta đã quen coi việc đòi hỏi của phụ nữ là một điều tế nhị đến mức ngay cả khi nó là một thực tế, thì việc bạn cố nói ra cũng là điều bất thường. Chúng ta sẽ tiếp tục ca ngợi đức hy sinh, sẽ vỗ tay cổ vũ cho sự chịu đựng của bất kỳ người phụ nữ nào, ngay cả khi họ đã giành một thành tựu nào đó đáng để đòi hỏi.
Đấy có lẽ không phải là cách khuyến khích những người phụ nữ tiếp tục tạo ra những kỳ tích. Chúng ta không thể phán xét, mỗi khi họ đòi hỏi một cuộc sống tốt hơn, sau những gì họ đã giành được. Sau khi World Cup kết thúc, tôi không muốn nói về sự hy sinh của họ nữa. Sau bao nhiêu năm chịu đựng, hãy nói về việc chúng ta phải làm gì, để xứng đáng với những cầu thủ ở đẳng cấp này. Những nàng hậu World Cup.
Tags