Cà phê thể thao: Nghĩ ngắn...

Thứ Ba, 26/08/2014 18:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những vụ bán độ của cầu thủ Việt liên tiếp bị phanh phui nhưng vẫn không làm những người khác chùn tay, khiến lòng tin của người hâm mộ vào bóng đá nước nhà ngày càng cạn kiệt, tiền đồ ngày càng mờ mịt. Đây cũng là chủ đề của Cà phê thể thao với phê bình gia Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Chào anh Hồng Ngọc! Bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp hóa, thu nhập cầu thủ cao chất ngất, mà hết Bacolod lại đến Ninh Bình, chưa kịp xử vụ Ninh Bình đã lại thêm vụ Đồng Nai. Chúng ta phải lý giải sao đây?

Hồng Ngọc: Trước tiên, tôi muốn làm rõ bản chất của việc bán độ. Người ta thường gọi nó với khái niệm “dàn xếp tỷ số”, “gian lận thể thao”. Nhưng khái niệm dàn xếp tỷ số có thể có ý nghĩa và mục đích khác, và có thể được đầu trò bởi lãnh đội, HLV.

Tệ nạn móc ngoặc của bóng đá Việt Nam thời bao cấp cũng thuộc về dàn xếp tỷ số, hay scandal Calciopoli mà lãnh đạo CLB Juventus bị trừng phạt còn đội bóng bị tước một loạt danh hiệu cũng thuộc về dàn xếp tỷ số.

Bán độ là việc thông đồng của cầu thủ với những nhà cái cá độ bất hợp pháp, (thường có vai trò ở những nước không hợp pháp hóa việc cá cược) nhằm đạt được kết quả hoặc tỷ số như nhà cái mong muốn.

Mua chuộc để thắng như ý thì rất khó, vì đã thi đấu, bên nào cũng muốn thắng, nhưng thắng được không và thắng thế nào thì còn phụ thuộc năng lực của mình và đối thủ. Nhưng muốn thua thì dễ. Vấn đề phát sinh từ đây: Thi đấu thể thao là nỗ lực để giành chiến thắng, còn đội bóng bán độ lại “thi đấu” để nhận thất bại.

Có ông chủ nào lại muốn đội bóng mình thi đấu để nhận thất bại không? Chắc chắn là không, dù ông chủ đó là các hội viên, cổ đông sở hữu đội bóng hay một nhà tư sản coi đội bóng là tài sản của mình. Vậy ai bán độ? Hầu hết trường hợp là cầu thủ. Cầu thủ được trả lương để thi đấu, nỗ lực giành chiến thắng. Nhưng rồi họ lại “tranh thủ” nhận tiền của trùm độ để ra sân nhận thất bại. Trên phương diện xã hội, họ đã không thực hiện đúng bổn phận của mình.

Trên phương diện cá nhân, họ chạy theo lợi ích ngắn hạn là tiền bán độ mà không hướng tới các lợi ích dài hạn: nỗ lực để trình độ thăng tiến, đội bóng có kết quả tốt hơn, người hâm mộ tới sân nhiều hơn, hưởng thu nhập cao hơn như là hệ quả tất yếu, và tránh nguy cơ vào vòng lao lý. Có thể gọi đó là “nghĩ ngắn”, còn theo cách nói của dân bóng đá là “óc ngắn”.

Người ta hay nói về khái niệm “quần đùi áo số”, để nói về cầu thủ bóng đá. Họ bị giới hạn trong môi trường bóng đá, ít học văn hóa từ nhỏ để dành thời gian tập luyện bóng đá, và điều khó tránh khỏi là nhận thức hạn hẹp?

Đó chỉ là một phần của câu chuyện. Chúng ta hãy nhìn sang bóng đá châu Âu, cầu thủ của họ vẫn có thể là cử nhân, bác sỹ, tiến sỹ sau khi đá bóng. Hầu hết các chức danh quản lý đội bóng, giám đốc thể thao của các CLB chuyên nghiệp đều là cựu cầu thủ. Rất nhiều đội bóng có giám đốc kinh doanh, hay thậm chí là Chủ tịch CLB là các cựu cầu thủ.

Đó không phải là những công việc mang tính chất quần đùi áo số, nó cần kỹ năng, tư duy của những người quản trị, không chỉ ở khía cạnh thể thao thuần túy mà cả khía cạnh tổ chức, nhân sự, kinh doanh, chiến lược... Để minh họa, tôi kể ra vài cái tên: Beckenbauer, Rummenigge, Hoeness, Platini, hay Socrates, Valdano, hai người cuối cùng đến từ các nước đang phát triển ở Nam Mỹ.

Vậy thì tại văn hóa chăng? Tôi đọc trạng thái của một đồng nghiệp trên Facebook rằng ở các lĩnh vực khác trong xã hội ta, nhiều người có quyền gì thì cũng đều mang bán cả, đâu riêng gì cầu thủ bóng đá?

Nhận định đó đúng một cách đau xót!

Trước hết, tôi muốn nói về thể chế. Trong chính trị học có khái niệm ủy quyền. Một thực thể có quyền lực của mình, nhưng không thể tự mình thực thi tất cả quyền lực đó, vì vậy nó ủy quyền cho các thực thể khác. Nhưng thực thể được ủy quyền khi đã nhận quyền rồi, thì có khuynh hướng thực thi quyền theo hướng phục vụ lợi ích của mình, chứ không phải để bảo vệ lợi ích của thực thể ủy quyền. Đó gọi là lạm quyền.

Trớ trêu thay đó đang là vấn đề của xã hội ta, khi nhiều người được ủy quyền “nhầm tưởng” quyền lực đó là của họ, và họ sử dụng nó để phục vụ lợi ích của mình. Vì nó phổ biến nên cầu thủ bóng đá cũng “nhầm tưởng” như vậy, họ được CLB ủy quyền ra sân thi đấu để giành chiến thắng, nhưng họ lại sử dụng quyền đó để... đá thua và nhận tiền bán độ.

Thứ hai, về văn hóa dân tộc, câu cửa miệng của dân ta là “có tình có lý” hay “thấu tình đạt lý” trong xử lý vấn đề. Đặt tình lên trên lý. Cá nhân tôi không hiểu được nguyên lý của việc “thấu tình đạt lý” là thế nào. Nhưng tôi hiểu nguyên lý của việc “thấu lý đạt tình”, với chủ nghĩa nhân văn.

Việc đặt cái tình lên trước dễ dẫn chúng ta tới việc xử lý vấn đề dựa trên tình cảm, cảm tính, đồng nghĩa với sự hời hợt, nông nổi. Nó không thúc đẩy chúng ta đi xa trong tư duy duy lý, và vì vậy thiếu tầm nhìn xa, dẫn đến việc không ý thức đầy đủ về lợi ích dài hạn. Vậy thì chỉ còn lợi ích ngắn hạn để theo đuổi, tôi gọi là “nghĩ ngắn” hay dân gian gọi là “óc ngắn”.

Có giải pháp nào để đề kháng cho vấn nạn văn hóa này không?

Về thể chế, phương thức cơ bản của chính trị học là dùng quyền lực ngăn cản quyền lực, với cơ chế kiểm soát và đối trọng. Mục đích là để giám sát việc thực thi quyền lực của bên được ủy quyền sao cho đúng với mong muốn của bên ủy quyền, ngăn chặn lạm quyền.

Bằng cách không giao toàn quyền cho một thực thể nào cả, mà tách quyền lực ra thành nhiều nhánh, các nhánh sẽ thực hiện kiểm tra chéo lẫn nhau để không bên nào lạm quyền được. Cách thức khác là duy trì thế cạnh tranh cân bằng giữa các ứng cử viên quyền lực. Trong bóng đá, có thể thực hiện điều đó bằng việc xây dựng tốt hệ thống đào tạo, để các đội bóng có đủ sự lựa chọn về cầu thủ chất lượng, sẵn sàng cạnh tranh và loại bỏ vĩnh viễn những cầu thủ bán độ ra khỏi đời sống bóng đá.

Với văn hóa dân tộc, chúng ta phải trông chờ vào giáo dục, để hướng toàn dân đến việc thực học, đề cao tư duy duy lý, biết đào sâu tư duy, nghĩ rộng, nghĩ xa, thay cho kiểu giáo dục hiện nay hướng học sinh vào học vẹt, biết mà không hiểu, nghĩ mà không suy, sẽ chỉ sinh ra những công dân nghĩ ngắn và theo đuổi lợi ích trước mắt.

Chúng ta cũng cần phải dạy học sinh về trách nhiệm và bổn phận một cách thiết thực hơn, như nhận lương thì phải làm việc, làm việc thì phải tận tình, chứ không phải tự cho mình quyền làm việc “tương xứng” với mức lương, bởi  chỉ có người chủ và thị trường mới có tư cách định giá lao động và mức lương đó.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›