(Thethaovanhoa.vn) - Giải Ngoại hạng Anh sắp khai màn. Đây không chỉ là giải đấu tác động đến đời sống tinh thần của nhiều CĐV mà giờ đây đã trở thành thương vụ béo bở tại Việt Nam. Sức ảnh hưởng của Premier League tới người Việt là chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hoàng Lâm, báo Lao Động.
Cảm giác của anh thế nào khi một mùa giải Ngoại hạng Anh sắp tới ?
Tôi xin kể câu chuyện về bố tôi. Ông chỉ là một công nhân về hưu, bình thường như bất kỳ người yêu bóng đá nào. Một trong những thói quen trong vài năm nay là tối Chủ nhật ông lấy xe đạp ra khỏi nhà, đi tới quán café có tường thuật bóng đá. Ông không vào quán, vì ngại, vì không có thứ đồ uống gì phù hợp với tuổi già ở quãng gần nửa đêm, mà cũng có thể vì… tiếc tiền!
Con cái muốn lắp cho ông cái đầu thu để đỡ phải lặn lội, ông gạt đi nói: “Cái thú xem bóng đá Anh vào Chủ nhật cũng giống như thời trai trẻ đạp xe tối cuối tuần đi gặp người yêu. Vậy tại sao các anh các chị định tước đi cái thi vị ấy của tuổi già?”.
Mỗi mùa giải Premier League kết thúc, bố tôi ngẩn ngơ vài tuần. Với tôi, chưa đến mức chờ mỗi trận đấu như hẹn hò người yêu nhưng không có nó, đúng là thiếu vắng.
Anh có nhớ khi một nhà đài độc quyền những trận đấu “đáng giá”để bắt người hâm mộ phải mua đầu thu, thuê bao với giá cao thì một bộ phận truyền thông khuyên dân chúng là “không xem bóng đá Anh thì xem…giải khác, có chết đâu mà lo”.
Đúng, tôi lại nói lại tại sao một người già như bố tôi vẫn thích xem đá bóng, hay thằng con chưa tới 10 tuổi của tôi đọc vanh vách đội hình Manchester United, Chelsea…? Điều quan trọng, theo tôi, Premier League sau hàng chục năm phát sóng trực tiếp ở Việt Nam, đã tạo ra một thứ nhu cầu bởi tính giải trí rất cao.
Người ta mê bóng đá Anh chính là tìm sự giải trí cho mình mà điều này để có nó hoặc là rất tốn tiền như đi xem kịch, xem phim chẳng hạn hoặc ngồi nhà xem …StarMovie!.
Đầu năm 2013, khi một ngân hàng đưa thủ môn huyền thoại của Manchester United Peter Schmeichel sang Việt Nam, họ thông báo là ở Việt Nam có tới 26,5 triệu người hâm mộ M.U, tôi hơi giật mình. Làm gì có ai thống kê mà ra con số “khủng” tới như thế. Tất nhiên con số thì đáng nghi ngờ nhưng thương hiệu và sức lan tỏa của Premier League ở Việt Nam thì không thể nghi ngờ được.
Hình như khá nhiều ngân hàng Việt đã tìm cách bắt tay với những CLB lớn ở Premier League để kết nối làm ăn.
Tôi chưa nói tới câu chuyện bản quyền truyền hình mà các đài Việt Nam phải bỏ ra tới gần 40 triệu USD để có quyền phát sóng Premier League trong 3 năm, từ 2013 tới 2016. Lúc đầu thì ai cũng nói: “Đất nước còn nghèo, tiền ấy để xây trường học, bệnh viện”. Nhưng thôi đó là câu chuyện làm ăn.
Cách đây vài năm, một công ty viễn thông ký hợp đồng về hình ảnh của Manchester United tại Việt Nam với số tiền lên tới 3 triệu USD khiến tất cả choáng váng. Sau này dù công ty ấy thất bại nhưng cách làm của họ khiến những đại gia ở Việt Nam phải suy nghĩ. Sau đó thì một cuộc chạy đua ngầm giữa những ngân hàng trong việc phát hành thẻ đồng thương hiệu khi gắn với những CLB nổi tiếng.
Cụ thể, Manchester United và Chelsea được hai ngân hàng lớn ở Việt Nam ký kết thẻ đồng thương hiệu, Arsenal cũng được một ngân hàng lớn khác đỡ đầu trong chuyến sang Việt Nam hồi năm ngoái mà chỉ riêng phí ra sân của CLB này không dưới 1,5 triệu USD. Tôi nghĩ việc kết nối những người hâm mộ bóng đá với lượng khách hàng nào đó là đặc biệt khôn ngoan.
Bởi mỗi người hâm mộ khi đã yêu thích một giải đấu, một CLB nào đó thì họ bớt ngần ngại khi đưa ra những giao dịch mà đối tác có quan hệ mật thiết với CLB ấy. Ở đây nó là chuyện tình cảm, là lòng tin.
Premier League ở rất xa mà vẫn được người hâm mộ Việt Nam quan tâm như thế trong khi giải bóng đá V.League lại diễn ra trong sự thờ ơ. Nhìn Premier League anh có thấy…thèm?!
Có, tôi rất thèm. Nhưng trước hết là cái thèm theo…nghĩa đen. Đó là thèm những miếng bánh đi kèm với mỗi tấm vé mà nhiều CLB ở Premier League áp dụng. Tôi kể thêm một câu chuyện nhỏ thế này: Ở nhiều CLB tại Ngoại hạng Anh người ta bán vé vào sân và ở mỗi tấm vé ấy được kèm 1 suất bánh miễn phí, 1 tách trà.
Thật ra, người ta không đến sân vì miếng bánh nhưng những sự chăm sóc nhỏ ấy tạo ra sự gắn bó và người mua hàng, ở đây là các khán giả cảm thấy hài lòng như thể được phục vụ. Còn ở ta, nói xin lỗi, đến cái toilet còn thiếu chứ đừng nói chuyện phục vụ.
Nói chuyện giá vé, rất nhiều CLB ở Anh đưa ra mức vé đặc biệt ưu đãi cho khán giả nhí. Đây là một chiêu cực khôn khéo. Tình yêu bóng đá bắt nguồn từ gia đình, kết nối các thành viên với nhau và quan trọng hơn cả là luôn tạo ra những thế hệ yêu bóng đá mới. Và để làm được điều ấy, sân bóng phải là một lễ hội, một nơi có văn hóa…
Từ chuyện tấm vé tới việc những CLB ngoại hạng Anh đều tự nuôi được mình bằng bằng bóng đá, điều ấy có gợi ý gì cho bóng đá Việt Nam?
Gốc rễ vẫn là khán giả. Ông Rainer, Giám đốc kỹ thuật của bóng đá Việt Nam cách đây 10 năm, có nói đại ý: Bóng đá chuyên nghiệp là khi cầu thủ sống được bằng khe cửa bán vé ở sân vận động. Tất nhiên, nguồn thu còn ở bản quyền truyền hình, ở các sản phẩm liên quan, ở chuyển nhượng nhưng tất cả chỉ có khi anh làm tốt được câu chuyện khán giả. Bóng đá Việt Nam chưa thật sự vì khán giả.
Từ các nhà quản lý tới cầu thủ trên sân chưa vì khán giả, nhất là các cầu thủ. Họ đá vì ông chủ nhiều hơn vì khán giả trên khán đài. Hoặc họ sẵn sàng bán danh dự cá nhân, danh dự đội bóng, danh dự quốc gia vào trò cá độ. Đó là cách đuổi khán giả chứ không phải vì khán giả.
Và chính điều ấy đang khiến bóng đá Việt lãng phí một lượng CĐV lớn…
Rất lãng phí, điều đó lý giải tại sao bóng đá Việt luôn thiếu tiền. Thật sự mà nói thì tôi thích bố tôi cuối tuần nắm tay con tôi vào sân Hàng Đẫy để xem bóng đá Việt hơn là cảnh nửa đêm xách xe đạp đi xem Premier League. Nhưng V.League phải đáng xem, phải là một địa chỉ văn hóa. Chứ hiện nay với mấy chục triệu người yêu bóng đá, mê bóng đá mà cứ phải vui với bóng đá ngoại, như một kiểu…ngoại tình nghe mà xót xa!
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags